Xả trạm khi ùn tắc: Không thể trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Câu chuyện ùn tắc tại trạm thu phí hầu như năm nào cũng diễn ra, cái chính là phản ứng của các bên đối với tình trạng này. Nếu không quy định một cách rõ ràng, khó tránh khỏi tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc không thể chấm dứt tình trạng tương tự.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dù đã có quy định trạm thu phí phải xả trạm khi ùn tắc, song đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, dù Cục CSGT đề nghị đơn vị quả lý xả trạm, song đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc vẫn không chấp hành, khiến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.

Cần chế tài nào để ngăn ngừa trường hợp tương tự?

Ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Cục CSGT

Trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, dù lực lượng chức năng đã lên nhiều phương án phân luồng giao thông, song tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra tại rất nhiều tuyến đường, nhất là khu vực cửa ngõ ra vào các Thành phố lớn. Tại Hà Nội, nhiều tài xế chôn chân hàng giờ trước khi vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhất là buổi chiều và tối 29/4:

 

"Mình về Hà Tĩnh và chờ gần 3 tiếng. Cũng nghe bảo ùn tắc, nhưng cũng nghĩ khoảng 9 rưỡi, 10 giờ chắc hết, nhưng lúc đến mới biết vẫn ùn tắc. Mình đi từ Lĩnh Nam cũng gần, nhưng phải đi gần 1 tiếng mới đến nơi".

"Thỉnh thoảng thông được một lúc rồi lại tắc. Năm ngoái cũng có tắc, nhưng không đến mức như hôm nay. Từ Tết đến giờ dịp này mới tắc chứ mọi lần chứ tắc khoảng hơn 1 tiếng lại thông".

Đáng chú ý, sáng 30/4, tại cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài từ Km3 đến Km11+115 thuộc khu vực Trạm thu phí Long Phước, nghĩa là gần 10km xung quanh trạm thu phí. Mặc dù lực lượng CSGT đã yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác xả trạm, song đơn vị vẫn không chấp hành.

Lý giải về việc không thực hiện xả trạm theo yêu cầu của lực lượng CSGT, đại diện đơn vị quản lý tuyến cho biết, việc ùn tắc không phải do lỗi của đơn vị vận hành trạm thu phí, mà bởi cầu Long Thành nằm ngay sau trạm thu phí là nút thắt cổ chai khiến phương tiện qua trạm lưu thoát chậm. Do vậy, dù xả trạm, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Tuy vậy, đại tá nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho rằng, đó là sự bao biện của đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc TP. HCM- Long Thành- Dầu Giây. Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, lực lượng CSGT đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết phân luồng tại các nút ra, vào đường cao tốc:

 

"Khi thấy nguy cơ ùn tắc kéo dài, đã nằm trong phương án, kế hoạch của lực lượng CSGT. Việc đề nghị các trạm thu phí tiến hành xả trạm để tránh ùn tắc kéo dài hoàn toàn nằm trong phương án, tính toán của lực lượng CSGT".

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, do lưu lượng phương tiện đi lại trên các tuyến cửa ngõ ra vào các Thành phố nói chung và tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây nói riêng tăng cao đột biến, nên tình trạng ùn tắc đã xảy ra. Ngay khi nhận được thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị xả trạm:

 

"Ngay khi nhận được phản ánh về tình trạng ùn tắc tại một số trạm thu phí, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và đơn vị quản lý được bộ đến giám sát tại những vị trí đó, đồng thời yêu cầu đơn vị quản lý trạm thu phí tiến hành xả trạm để hạn chế ùn tắc giao thông".

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, để hạn chế tình trạng tương tự, trước mỗi đợt nghỉ lễ, khi đã tiên lượng lưu lượng phương tiện tăng cao, đơn vị này sẽ chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với CSGT cử những đại diện để lập tức giải quyết, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc không giải quyết kịp thời, dẫn tới ùn tắc giao thông.

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, việc chỉ đạo xả trạm khi xảy ra ùn tắc giao thông trước trạm thu phí là đúng và đã được pháp luật quy định cụ thể. Với trường hợp cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc này để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan:

 

"Các hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật, các yêu cầu cụ thể như thế nào thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thành văn bản pháp luật chính thống để làm sao cứ rơi vào những điều kiện như vậy thì cơ quan vận hành bắt buộc phải thực hiện quy trình xả trạm để giải tỏa sức ép giao thông tại những trạm thu phí".

Trạm thu phí BOT phải xả trạm khi xảy ra ùn tắc. Ảnh: Báo Giao thông

Câu chuyện ùn tắc tại trạm thu phí hầu như năm nào cũng diễn ra, cái chính là phản ứng của các bên đối với tình trạng này. Dưới góc nhìn của VOVGT, nếu không quy định một cách rõ ràng, khó tránh khỏi tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc không thể chấm dứt tình trạng tương tự.

Góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: "Không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng".

 

Ùn tắc tại trạm thu phí vào các dịp nghỉ lễ không còn là chuyện mới. Để khắc phục tình trạng này, tại Nghị định 100 của Chính phủ đã đề ra chế tài xử phạt phạt từ 50-70 triệu đồng trong trường hợp có hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn 750m.

Trước khi bước vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Bộ GTVT một lần nữa yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư xả trạm thu phí nếu ùn tắc kéo dài trong dịp nghỉ lễ.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các trạm thu phí phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài.

Quy định đã có, những chỉ đạo cho từng thời điểm cụ thể cũng đã được Bộ GTVT nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng đáng tiếc tình trạng ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí vẫn diễn ra nghiêm trọng.  

Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN – các cơ quan cao nhất có quyền yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp xả trạm khi xảy ra ùn tắc. Dù khẳng định luôn cử thanh tra GTVT và đơn vị quản lý đường bộ tại địa bàn giám sát liên tục để phối hợp với các lực lượng liên quan giải quyết, song cũng phải mất gần 4 giờ đồng hồ người tham gia giao thông chôn chân tại chỗ, việc xả trạm mới được thực hiện.

Trách nhiệm này cũng thuộc về đơn vị quản lý trạm thu phí. Dù lý do nút thắt cổ chai tại cầu Long Thành là có thật, đáng lẽ doanh nghiệp này cần phối hợp chặt chẽ với CSGT và các lực lượng chức năng trên tuyến để kịp thời giải tỏa, chứ không phải khư khư giữ trạm thu phí vì lo thất thoát, mất thẻ, để tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng.

Một số ý kiến cho rằng, theo thuật ngữ thì ùn tắc là tình trạng các phương tiện buộc phải dừng tại chỗ, không thể lưu thông được. Trong khi đó, ùn ứ là các phương tiện vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm. Đây chính là lý do mà các trạm thu phí vin vào để cho rằng họ không xả trạm là đúng dù lượng phương tiện ùn ứ có thể kéo dài nhiều cây số. Bởi vậy, nếu xét theo đúng khái niệm thì rất khó để xử phạt các trạm BOT.

Nhưng trên thực tế cần phải hiểu rằng, khi phương tiện bị dồn lại, thành hàng dài lên đến vài cây số, thì dù trong hàng dài đó, các phương tiện vẫn có thể nhích chậm từ tí một nhưng vẫn cần phải xả trạm để tránh ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng các bên liên quan, từ Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, các doanh nghiệp quản lý đường cần ngồi lại với nhau để có một quy chế chung, trong đó phải nêu rõ khi nào cần xả trạm, không thể để năm nào cũng chậm trễ vì phải “đợi xin ý kiến” hoặc “đợi chỉ đạo”.

Thêm vào đó, cần đẩy nhanh và mở rộng áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Bởi đến thời điểm này, trong số 91 trạm thu phí đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng, mỗi trạm mới chỉ có 1-2 làn áp dụng công nghệ này, trong khi những dịp nghỉ lễ, có những trạm mở đến 8-9 làn thu phí thủ công vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng tuyến đường với chất lượng tốt hơn đều mong muốn thu được lợi nhuận. Nhưng mục tiêu lợi nhuận nào cũng cần phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trước hết.

Trong câu chuyện mất tiền để được sử dụng dịch vụ, cụ thể ở đây người dân phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để được lưu thông trên những tuyến cao tốc với mong muốn chuyến đi nhanh hơn, thuận tiện hơn, nhưng lại gặp tình cảnh “chôn chân”, trong khi đơn vị thu phí chỉ chăm chăm thu tiền, bỏ qua lợi ích của cộng đồng là điều rất khó chấp nhận.