Vụ dầm cầu bộ hành rơi đè bẹp container: Chủ đầu tư chưa trình thủ tục phê duyệt

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ xử lý thật nghiêm những sai phạm xảy ra sau khi có kết luận chính thức về sự cố sập dầm cầu bộ hành tại Suối Tiên.

Hiện trường vụ dầm cầu đi bộ tại TP.HCM.

>>> Kéo sập dạ cầu bộ hành đang xây, xe container bị khối bê tông đè bẹp

Tại buổi cà phê báo chí thường kỳ tháng 11 tổ chức sáng ngày 22/11/2019, bên cạnh những vấn đề giao thông được quan tâm thì câu chuyện về trách nhiệm cũng như phương án xử lý, khắc phục sự cố dầm cầu bộ hành phía trước Suối Tiên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có ý kiến về vấn đề này như sau:

PV: Sau khi sự cố sập dầm cầu xày ra thì nhiều người mới biết là công trình này đã 2 lần phải thay đổi vị trí thi công. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có sự dịch chuyển này và Sở GTVT có biết sự thay đổi này cũng như có thẩm định phê duyệt không? 

Ông Trần Quang Lâm: Chúng tôi vừa có báo cáo mới nhất trình UBND thành phố về sự cố này. Cầu bộ hành này trước đây nằm trong dự án nút giao Đại học Quốc Gia, do khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư.

Sau đó thành phố có chủ trương chuyển dự án này bổ sung vào hợp phần BOT xa lộ Hà Nội để giảm ngân sách và công ty CII là đơn vị tiếp nhận dự án này, trong đó có hạng mục cầu bộ hành số 1 này. Khi khu 2 quản lý thì đã tổ chức thẩm định phê duyệt rồi.

Sau khi CII tiếp nhận và chuẩn bị triển khai thì vướng trụ của tuyến metro số 1 nên đã đề xuất dịch chuyển đi khoảng hơn 4m so với ban đầu. Hồ sơ dịch chuyển lần 1 đã tổ chức thẩm định phê duyệt. 

Khi cắm cọc định vị chuẩn bị triển khai ngoài công trường thì gặp sự phản đối của người dân. CII tiếp tục đề nghị dịch chuyển lần 2 với khoảng cách hơn 9m nữa để tránh sự phản đối từ phía người dân. Việc dịch chuyển lần 2 không ảnh hưởng gì đến tổ chức giao thông 2 bên đường.

Sở GTVT đã thống nhất với chủ trương dịch chuyển lần 2 là phù hợp, tuy nhiên các thủ tục tiếp theo để tổ chức thẩm định phê duyệt lại cầu vượt bộ hành tại vị trí mới thì nhà đầu tư chưa hoàn tất trước khi triển khai thi công. 

PV: Theo ông thì đâu là nguyên nhân khiến sự cố xảy ra?

Ông Trần Quang Lâm: Bản thân chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cũng như tư vấn thiết kế với vai trò giám sát tác giả đã chủ quan chưa đối chiếu giữa bản vẽ thiết kế và thực tế hiện trường từ đó dẫn đến việc thiếu kiểm tra giám sát và gây ra sự cố.

Chính vì thiếu đối chiếu nên dẫn đến tình trạng đường song hành bên dưới có độ dốc là 1,7% nhưng không tính toán lại cao độ giữa mặt đường và đáy dầm cầu nên không đảm bảo tĩnh không 4,75m.

Thực tế sau khi kiểm tra thì dầm cầu sau khi lắp đặt thiết từ 0,16 đến 0,33m mới đủ được so với thiết kế 4,75m ban đầu đặt ra. 

Chúng tôi cũng đã kiểm tra thông tin đăng kiểm của phương tiện liên quan. Đây là xe so romoc có chiều cao sàn là 1,53m, chở thùng container có thông số ghi trên thùng là 45G1 (quy ra chiều cao theo thông lệ quốc tế là 2,89m), tổng cộng chiều cao của phương tiện khoảng 4,42m. Cộng thêm trong quá trình lưu thông có thể có dằn xóc khiến xe va chạm với dầm cầu.

Nguyên nhân chính thức thì cơ quan công an điều tra quận Thủ Đức đang tiến hành, sau khi có kết quả chính thức chúng tôi sẽ thông báo.

Cầu bộ hành xảy ra sự cố là một hạng mục thuộc nút giao Đại học Quốc gia TP HCM - nằm trong dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1.

>>> Vụ bê tông đè bẹp xe container: Cả 2 bên đều “đúng chuẩn”, chỉ người dân lo lắng

PV: Về việc xử lý các sai phạm gây ra sự cố này thì quan điểm của Sở GTVT TPHCM như thế nào?

Ông Trần Quang Lâm: Chúng tôi đã yêu cầu ngay chỉ huy trưởng công trường, giám sát tác giả, tư vấn giám sát hiện trường và đã thay thế rồi. Ngay sau khi có kết luận chính thức từ công an quận Thủ Đức thì chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm đối với hành vi thiết kế, thi công, giám sát để xảy ra sự cố.

Ngoài ra tất cả chi phí khắc phục sự cố hay điều chỉnh thiết kế thì chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Các chi phí này tuyệt đối không được tính vào chi phí dự án. Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư tổ chức giám định chất lượng công trình của những hạng mục có liên quan bị ảnh hưởng, đo đạc lại thực tế chính xác hiện trường và đề xuất giải pháp điều chỉnh thiết kế để Sở GTVT xem xét phê duyệt,. 

PV: Vậy thì trách nhiệm của Sở GTVT TPHCM với vai trò quản lý nhà nước và các bên liên quan là như thế nào khi để xảy ra sự cố sập dầm cầu bộ hành vào rạng sáng ngày 13/11 vừa qua?

Ông Trần Quang Lâm: Xin nhắc lại là khi dịch chuyển vị trí thì Sở cũng thống nhất với chủ trương dịch chuyển đó và có hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.

Tuy nhiên sau khi rà soát thì chủ đầu tư vẫn chưa lập và trình duyệt bộ hồ sơ điều chỉnh cầu này. Sau đó họ tiến hành thi công mà cũng không thông báo việc đó.

Trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư và tư vấn giám sát vì về nguyên tắc thì chủ đầu tư và tư vấn giám sát khi triển khai 1 công trình nào thì phải có hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công được cơ quan quản lý duyệt cũng như phải tiến hành kiểm tra thực địa. Nếu như chủ đầu tư và tư vấn giám sát mà làm tốt và đúng vai trò thì sẽ không xày ra sự cố này. 

Về phía đơn vị quản lý nhà nước, sắp tới chúng tôi sẽ chấn chỉnh và có xử phạt nghiêm cũng như đưa ra bài học kinh nghiệm trong quản lý thời gian tới. Bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra giám sát đối với các đơn vị thi công trên đường bộ đang khai thác.

Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thanh tra giao thông cũng phải phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị thi công để đảm bảo tất cả các điều kiện an toàn, đầy đủ phương án. 

PV: Xin cám ơn ông!

>>> Vụ dầm cầu bộ hành rơi đè bẹp container: Thi công chưa đúng nguyên tắc?