Việt Nam trong xu thế bình thường mới của thế giới

Dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhưng với số lượng người được tiêm vaccine toàn cầu ngày một tăng, nhiều quốc gia đã bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị cho thời kỳ “bình thường mới”.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những quan điểm, phương thức tiếp cận khác nhau về vấn đề này, và không phải phương pháp nào cũng đạt hiệu quả. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Singapore xác định là “Sống chung với Covid-19” (Ảnh: AFP)

Singapore là một trong số những quốc gia top đầu thế giới khi tính về tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19. Đến nay, đã có gần 80% người dân nước này được tiêm đủ liều vaccine. Do đó, quốc gia này đã lên kế hoạch hướng tới thời kỳ bình thường mới một cách thận trọng, đặt mục tiêu là vào cuối năm nay.

Theo Bộ trưởng Y Tế Singapore Ong Ye Kung, thời kỳ bình thường mới của Singapore sẽ xác định là “sống chung với Covid-19”. Theo ông Ong Ye Kung, Singapore chấp nhận việc COVID-19 sẽ có thể không biến mất hoàn toàn.

Thay vào đó, Covid sẽ trở thành một dạng bệnh theo mùa, người dân có triệu chứng hoặc dương tính với Sars-CoV-2 chỉ cần tới các phòng khám đa khoa để được bác sĩ khám, kê thuốc, sau đó tự chăm sóc tại nhà.

Từ đầu tháng 8, Singapore đã bước vào giai đoạn tiền chuẩn bị khi các nhà chức trách đưa ra những điều chỉnh quan trọng về các quy định y tế, cũng như các quy định về các hoạt động xã hội và đi lại, dự kiến chuyển sang giai đoạn tiếp vào đầu tháng 9.

Nhưng mới đây, đảo quốc sư tử mới đây ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt khiến kế hoạch mở cửa phải tạm dừng để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, quốc gia này không thắt chặt biện pháp hạn chế nhờ độ phủ vaccine cao. Tình huống này cũng đã được dự báo từ trước, theo ông Alex Cook, giáo sư tại trường Y Tế công cộng thuộc ĐH Quốc gia Singapore:

 

“Chúng ta có thể chứng kiến một giai đoạn hậu chuyển tiếp, giống như tại Isarel hay Anh. Đó là khi quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao, họ nới lỏng hạn chế và sau đó ghi nhận số ca Covid-19 tăng. Điều này không hẳn là xấu, bởi vì hiện tại chúng ta chưa tiêm thể tiêm vaccine cho toàn bộ người dân, cũng như ễn dịch cộng đồng chưa đủ để ngăn ngừa sự lây nhiễm”.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường nhanh và tốt hơn thời kỳ trước đại dịch, Singapore cũng hướng tới việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số của người dân.

Từ tháng 6/2020, chính phủ nước này đã thành lập SG Digital Office, trung tâm hỗ trợ và đào tạo người dân học hỏi, tận dụng công nghệ giữa đại dịch Covid-19. Đối tượng chính mà trung tâm này nhắm tới là những người trung niên, cao tuổi, người bán hàng và cả doanh nghiệp. 

Bà Josephine Teo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chia sẻ:

 

“Chúng tôi muốn mọi người học hỏi được thêm nhiều kĩ năng về công nghệ, bắt đầu từ những công cụ đơn giản như nhắn tin, liên lạc với người thân qua các ứng dụng, cho đến những thứ phức tạp hơn như sử dụng ví điện tử. Còn để làm việc, họ sẽ cần đào tạo nhiều kĩ năng hơn nữa”.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại tỉnh Samutprakran, Thái Lan (Ảnh: THX)

Tại một quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác là Thái Lan, quốc gia này mới đây đã công bố đi được nửa chặng đường tới ễn dịch cộng đồng khi có 25 triệu người đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất, 10 triệu người hoàn thành liệu trình. Mục tiêu mà xứ chùa vàng đưa ra là 50 triệu người, tương đương với 70% dân số được tiêm vaccine. 

Và từ 1/9, quốc gia này bắt đầu dỡ bỏ bớt những quy định phòng dịch Covid-19 để hướng tới bình thường mới. Tại 29 vùng “đỏ đậm” có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm Bangkok, các hàng quán có thể mở cửa nhưng hạn chế số lượng khách, đồng thời nhân viên phải thường xuyên được xét nghiệm và khuyến khích tiêm đủ liệu trình vaccine. Tại các vùng đỏ đậm, giờ giới nguyên vẫn được giữ nguyên từ 21h tối tới 4h sáng hôm sau. 

Về du lịch, Thái Lan từ tháng 10 tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tới nghỉ tại các điểm du lịch có tiếng như thủ đô Bangkok và tỉnh Chiang Mai (Chiêng Mài).

Động thái này được ủng hộ bởi cơ cấu nền kinh tế Thái Lan gồm hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bán lẻ, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến quốc gia này đang có mức tăng trưởng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Một người dân chia sẻ:

 

“Hiện Thái Lan đã bắt đầu mở cửa trở lại và người dân chúng tôi cũng dần trở lại với nhịp sống bình thường. Nhưng chúng tôi vẫn cần tự bảo vệ bản thân trong khi thời gian này. Còn nếu tiếp tục phong tỏa, tôi nghĩ nền kinh tế Thái Lan sẽ gặp nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia, nếu ngành du lịch Thái Lan không thể hoạt động trở lại sớm, quốc gia này sẽ thiếu khoảng 3 triệu lao động vào năm tới khi tiến vào thời kỳ bình thường mới. Nguyên nhân là do dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều lao động tại Thái Lan rời bỏ ngành du lịch để tìm một công việc khác.

Ông Suthiphong Pheunphiphop, phó chủ tịch Hội đồng du lịch Thái Lan cho biết:

 

“Nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay, ngành du lịch Thái Lan sắp tới có lẽ phải thuê lao động từ nước ngoài như lao động tại các quốc gia Đông Nam Á khác. Chúng tôi không kỳ vọng hàng chục triệu lượt khách du lịch, chỉ cần 10 triệu, hoặc vài triệu cũng được, quan trọng là ngành du lịch Thái Lan cần hoạt động trở lại”.

Người biểu tình giơ biểu ngữ "Con cái của tôi, Lựa chọn của tôi" để phản đối tiêm vaccine cúm bắt buộc ở Boston, Mỹ (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, quá trình đi tới bình thường mới của Mỹ lại không đơn giản như vậy. Hiện đã có 379 triệu công dân Mỹ đã được tiêm vaccine. 54.2% trong số đó đã được tiêm đủ liều.

Từng hy vọng thoát khỏi COVID-19 trong mùa hè năm nay nhờ tiêm chủng, song đến cuối hè, Mỹ đang chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh ở những người chưa tiêm chủng, và số ca tử vong một số nơi đang ở mức cao nhất từ đầu dịch.

Theo nghiên cứu của Quỹ Gia đình Kaiser, hơn 90% số ca nhiễm và hơn 95% số ca nhập viện, tử vong ở các bang của Mỹ đều là những người chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm một mũi. Phong trào biểu tình, phản đối việc tiêm vaccine của một bộ phận người dân được cho là bước lùi trong nỗ lịch đẩy lùi Covid-19 tại quốc gia này. 

Trước tình thế đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có động thái mạnh mẽ nhằm vào phe chống vaccine ở nước này. Trong bài phát biểu hôm 9/9 vừa qua, tổng thống Biden cho biết:

 

“Những người chưa tiêm vaccine đang khiến bệnh viện và đội ngũ y tế trong tình trạng quá tải. Đây không phải là vấn đề tự do hay lựa chọn của riêng cá nhân ai. Đây là bảo vệ chính bạn và những người xung quanh bạn. Trên cương vị tổng thống, tôi phải bảo vệ người dân. Do đó, Bộ Lao động Mỹ sắp tới sẽ ban hành quy định khẩn cấp, yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp có từ 100 nhân viên trở lại phải thực hiện đầy đủ việc tiêm vaccine cho người lao động”.

Trong vài tuần tới đây, Bộ Lao động Mỹ sẽ ban hành quy định xử phạt đối với doanh nghiệp tư nhân không thực hiện tiêm vaccine cho người lao động. Dự kiến, mức phạt đối với mỗi trường hợp vi phạm có thể lên tới 14.000 USD.

Việt Nam tiêm phủ rộng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân
 

Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến cả thế giới chao đảo, tác động và làm thay đổi toàn bộ cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới, trong đó kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động xấu, nhìn từ một khía cạnh khác, COVID-19 đã trở thành chất xúc tác mới thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trên tất cả mọi lĩnh vực.

Tiêu biểu phải kể đến việc dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động bán hàng, trao đổi thông tin đều đưa lên không gian mạng. Điều này khiến doanh nghiệp phải thay đổi thích ứng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đối tác, từ đó đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để thích ứng với bình thường mới, nền kinh tế phải thay đổi từ chính sách quốc gia, thay đổi trong định hướng phát triển các ngành kinh tế, cách thức sản xuất, tiêu dùng, mô hình kinh doanh mới, số hóa

Đơn cử như Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, COVID-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số.

Tuy nhiên, hiện nay mua bán trên mạng mới chỉ là những khoản hàng hóa giá trị nhỏ, tiêu dùng cá nhân. Sau này sẽ phải giao dịch những khoản lớn, các mặt hàng phức tạp. Nếu không có những nền tảng an toàn thì sẽ không thể thực hiện được. Khi đó, chính sách phải thúc đẩy, luật pháp phải thích ứng.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nếu đẩy nhanh cải cách, số hoá, tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì các DN, nền kinh tế có thể bù đắp được những thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Thực tế cho thấy, trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% đang thực hiện.

COVID-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số và đào thải những doanh nghiệp không thích ứng. Những mô hình, tư duy kinh doanh cồng kềnh, cũ kỹ sẽ buộc phải thay đổi để tồn tại, bắt kịp xu thế.