Vì sao Trung Quốc trừng phạt ứng dụng gọi xe Didi

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) mới đây yêu cầu các kho ứng dụng gỡ bỏ app Didi, ứng dụng gọi xe lớn nhất nước này. Lý do nhà chức trách đưa ra là Didi đã thu thập dữ liệu cá nhân người dùng một cách bất hợp pháp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc điều tra Didi vì rủi ro an ninh quốc gia sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự trong tương lai.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) vừa yêu cầu các cửa hàng ứng dụng, bao gồm cả App Store của Apple và AppGallery của Huawei, gỡ ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing vô thời hạn, cho đến khi được phê duyệt lại. Đồng thời, 25 ứng dụng liên quan đến Didi cũng bị yêu cầu gỡ, với cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.

Wang Sixin, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cho rằng, những công ty như Didi sở hữu rất nhiều dữ liệu quan trọng về hệ thống đường sá, phương tiện giao thông cũng như thói quen người dùng. Loại dữ liệu này có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Việc điều tra Didi có thể là khởi đầu cho một chiến dịch giám sát mới đối với các công ty internet Trung Quốc. 

Đồng quan điểm, Zhai Wei, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị ở Thượng Hải nhận định: “Trước đây, luật an ninh mạng chỉ tồn tại trên giấy và chưa được thực thi nhiều. Vụ việc của Didi sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho các trường hợp tương tự trong tương lai”.

Theo Giáo sư Zhai Wei, nhìn bề ngoài đây chỉ là cuộc điều tra an ninh mạng, nhưng cũng liên quan đến vấn đề bảo mật ở nhiều khía cạnh. Chính vì vậy, 12 cơ quan cấp bộ của Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ An ninh, phải vào cuộc.
Nathaniel Rushforth, luật sư an ninh mạng tại công ty luật DaWo cho rằng, trong tương lai các  công ty như Didi sẽ lọt vào tầm ngắm bởi lượng thông tin cá nhân dồi dào và dữ liệu nhạy cảm mà họ thu thập.

Didi thành lập năm 2012, là hãng kinh doanh dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc với gần 500 triệu người dùng; được định giá khoảng 70 tỷ USD và đạt tới 20 triệu lượt đặt xe mỗi ngày. Didi từng giành chiến thắng và hất cẳng ‘gã khổng lồ’ Uber khỏi thị trường Trung Quốc.

Trước đó hôm 29/6, Didi Global huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.

Theo Bloomberg, sau khi bị điều tra, giá cổ phiếu của Didi Global giảm tới 30% xuống gần 11 USD/cổ phiếu so với 14 USD/cổ phiếu trước đó. Đà lao dốc khiến giá trị vốn hóa thị trường ‘bốc hơi’ khoảng 22 tỷ USD. 

Didi thành lập năm 2012, là hãng kinh doanh dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc với gần 500 triệu người dùng

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như cũng không muốn ‘triệt đường sống’ của Didi khi chỉ yêu cầu gỡ bỏ app khỏi các cửa hàng ứng dụng, còn những người đã cài vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Tom Mackenzie phóng viên hãng tin tài chính Bloomberg tại Bắc Kinh cho biết: “Rất nhiều người, trong đó có tôi, phụ thuộc vào ứng dụng Didi để đi lại. Lệnh cấm khiến những người dùng mới không thể tải ứng dụng, nhưng những người đã cài đặt trước vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Đây là tin tốt cho khoảng 500 triệu người dùng ứng dụng này tại Trung Quốc”.

Vụ việc Didi bị điều tra vì thu thập dữ liệu người dùng đang làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Song theo một khảo sát, đa số người dùng được hỏi đều tỏ ra ủng hộ quyết định của chính phủ. 

Anh Yao, người thường xuyên sử dụng ứng dụng Didi chia sẻ: “Là ứng dụng gọi xe lớn nhất trong nước, tôi nghĩ Didi trước hết phải bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng. Tôi hy vọng dữ liệu của mình sẽ không bị bán hoặc sự dụng trái phép”.

Cô Liu, một người dân địa phương cho rằng, Didi dường như đã vi phạm quyền riêng tư, tuy nhiên đây không phải ứng dụng duy nhất thu thập dữ liệu cá nhân người dùng: “Chúng ta cần kiên quyết ngăn chặn hành vi này. Người dùng chắc chắn không muốn thông tin cá nhân của họ bị tiết lộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc các công ty lớn thu thập thông tin người dùng khá phổ biến. Ví dụ, số điện thoại cá nhân rất dễ bị rò rỉ. Tôi nhận thấy vấn đề này cũng xảy ra ở các ứng dụng khác”.

Trong một phản ứng mới nhất, ông Li Min, Phó chủ tịch Didi cho biết sẽ hợp tác với cơ quan chức năng để phục vụ điều tra; và khẳng định, dữ liệu người dùng được lưu trữ trên máy chủ trong nước, chứ không hề có chuyện bán ra nước ngoài. Trong một bài viết đăng trên Weibo, ông Li dọa kiện bất kỳ ai tung tin đồn sai lệch về ứng dụng này.

Không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, Didi còn hoạt động tại 15 nước khác bao gồm Nam Mỹ, Nhật Bản, Úc, Nga và Nam Phi; Hãng hiện có 15 triệu đối tác tài xế trên toàn cầu, thu thập được nhiều dữ liệu liên quan đến hành vi di chuyển của người dùng mỗi ngày. Được biết, Didi dùng một số dữ liệu này cho các hoạt động phát triển xe tự lái hay phân tích tình trạng giao thông.

Năm 2018, nhiều người Việt Nam bất ngờ với sự xuất hiện của một ứng dụng gọi xe có tên Didi. Tuy nhiên, Didi Chuxing khẳng định không có cơ quan đại diện cũng như không có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, khả năng Didi Chuxing gia nhập thị trường Việt Nam là gần như không có vì hãng này và Grab vừa có chung nhà đầu tư là SoftBank, vừa nằm trong liên nh các hãng gọi xe. Việc gia nhập thị trường Việt Nam để cạnh tranh đối đầu với Grab là điều không có khả năng xảy ra.