Vì sao phố đi bộ kém hiệu quả, kém hấp dẫn?

Sau phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn, Hà Nội tiếp tục mở thêm phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Đảo Ngọc- Ngũ Xã. Tuy vậy, sau một thời gian ngắn, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã dừng hoạt động, còn phố đi bộ Trần Nhât Tông, phố ẩm thực Đảo Ngọc – Ngũ Xã khá vắng vẻ.

Cuối năm 2022, phố đi bộ Trần Nhân Tông, đoạn đường trước cổng công viên Thống Nhất, thuộc quận Hai Bà Trưng chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong hàng chục tuyến phố đi bộ nằm rải rác trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai với mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân dịp cuối tuần. Ảnh: Quang Hùng

Thường xuyên đưa các con đến các điểm vui chơi công cộng, chị Dương Thị Thảo (ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi bất ngờ sau một lần trải nghiệm phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Không trò chơi, thưa thớt người qua lại, cả một đoạn phố chỉ có vài chiếc xe đạp, ô tô điện cho trẻ em chờ khách đến thuê:

"Hơi thất vọng. Sau một thời gian mở ra thì phố đi bộ chủ yếu để kinh doanh ô tô, rồi xe đạp cho thuê cho trẻ em", chị Thảo cho biết.

Cũng cảm nhận sự vắng vẻ so với tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, song chị Nguyễn Hương Giang, ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội lại cho rằng, mỗi tuyến phố đi bộ có đặc trưng khác nhau, và nên coi đó là nơi để người dân thư giãn, không đặt nặng vấn đề đông khách: "Thỉnh thoảng cuối tuần cho con em đi chơi, thì em thấy nên duy trì tuyến phố đi bộ này, vì cuối tuần mọi người vẫn có thể cho con có thời gian thưu thái, thưu giãn".

Đại diện lãnh đạo quận Hai Bà Trưng- đơn vị tổ chức và quản lý phố đi bộ Trần Nhân Tông cho hay, thời gian qua, quận đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm thu hút du khách, như: các giải thể thao, kéo co, cầu Chinh, các tiết mục thể dục thể thao, lân sư rồng, các màn võ thuật; các buổi giao lưu khiêu vũ thể thao, đồng diễn các điệu dân vũ, nhảy cổ động… Thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục đầu tư nhiều dự án nhằm nâng cấp và thu hút du khách đến với phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cho biết: "Quận đã phê duyệt dự án rồi, thứ nhất là cải tạo chùa Quan Hoa – Pháp Hoa- Thiền Quang; thứ 2 là chính trang toàn bộ hè, cây cối xung quanh hồ. Trong thời gian nữa thì sẽ đề xuất Thành phố đàu tư lại toàn bộ hè phố Trần Nhân Tông, phía bên công viên hiện đang là vườn hoa đã xuống cấp. Những nội dung như vậy sẽ tạo ra một không gian trông đẹp hơn và tỷ lệ khách sẽ tăng lên".

Ảnh: Quang Hùng

Tương tự, phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã (quận Ba Đình) cũng bị phản ánh vắng khách sau hơn nửa năm hoạt động. Tuy vậy, ông Nguyễn Danh Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình – đơn vị quản lý phố ẩm thực Đảo Ngọc – Ngũ Xã cho hay, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, đã có thêm 19 cơ sở kinh doanh ẩm thực mới, bình quân 3 ngày hoạt động, có khoảng 2.500-3.000 lượt khách tới tham quan, số thu ngân sách so với cùng kỳ năm 2022 đạt 154%:

"So với mục tiêu đặt ra thì nó đang đi đúng hướng và đạt được những hiệu quả bước đầu. Còn tất nhiên để xây dựng được một khu phố ẩm thực đòi hỏi cần rất nhiều thời gian, và phải được sự tham gia từ góc độ chính quyền, cho đến các cơ sở kinh doanh họ cũng phải nhận thực được, tự nâng câp chất lượng dịch vụ của cơ sở mình, cùng với cộng đồng các cơ sở trong khu phố ẩm thực để tạo nên nhiều giá trị hơn nữa cho du khách đến với khu phố", ông Huy cho biết.

Trái ngược với cảnh đìu hiu, vắng khách, thậm chí phải đóng cửa ở một số phố đi bộ mới mở gần đây, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cũ của Hà Nội đang ngày càng trở thành điểm đến không chỉ của người dân Hà Nội, mà cả của địa phương khác.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, mỗi ngày có khoảng 5-6 sự kiện được triển khai, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa được trình diễn, giao lưu nghệ thuật và trở thành nơi tổ chức các sự kiện của người dân Hà Nội:

"Đối với các hoạt động của phố đi bộ thì chúng tôi vẫn duy trì việc đánh giá, rút kinh nghiệm các nội dung này và quận cũng tiếp nhận các thông tin phản hồi của người dân, của cộng đồng đến những vấn đề còn tồn tại và chúng tôi có những biện pháp để khắc phục những tồn tại này và tạo ra thêm các không gian để thu hút lớp trẻ, thanh niên đến với không gian đi bộ", ông Long cho biết.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, mỗi phố đi bộ khi mở ra đều căn cứ trên những giá trị đặc trưng và mục tiêu hướng tới. Trên cơ sử những giá trị đặc trưng, chính quyền các địa phương tổ chức các sự kiện, các hoạt động dựa trên giá trị đặc trưng đó để thu hút du khách, dần trở thành một thói quen mới về văn hóa, một nét sinh hoạt của TP. Hà Nội, chứ không phải chạy theo những hoạt động na ná, dễ gây nhàm chán cho du khách:

"Để phố đi bộ được sinh động, có ý nghĩa thì cũng cần một sự chuẩn bị. Thứ hai là những sinh hoạt trên phố thì những loại hình cũng phong phú hơn. Những việc như thế đòi hỏi cách tổ chức, thiết kế cũng như cách đạo diễn của các chương trình đó nào đó phải được tổ chức một cách thấu đáo hơn. Do vậy cần tiếp tục đầu tư hơn nữa, tổ chức chuyên nghiệp hơn nữa và cái phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị phối hợp để duy trì hoạt động đó trở lên thuận lợi và hoàn hảo", Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cũ của Hà Nội đang ngày càng trở thành điểm đến không chỉ của người dân Hà Nội, mà cả của địa phương khác. Ảnh: Quang Hùng

Mỗi khu phố đi bộ mở ra trên một địa bàn đều có những giá trị đặc trưng, lợi thế khác nhau. Chỉ khi có mục đích rõ ràng, một chương trình hành động cụ thể, mới phát huy được giá trị những khu phố đi bộ, chứ không phải dựa trên những hoạt động na ná nhau, dựa trên số lượng khách tham quan để đánh giá sự thành công của các phố đi bộ.

Đây cũng là góc nhìn  của VOVGT qua bài bình luận: "Đi, để mà đi".

 

Để đánh giá các không gian đi bộ có thành công hay không, thành công mức nào, thì buộc phải căn cứ mục tiêu ban đầu mà người tổ chức đặt ra cho nó. Mỗi không gian phố đi bộ được thiết kế, xây dựng với mục đích, kế hoạch khác nhau, tùy thuộc vị trí, kết cấu không gian, cảnh quan, các thiết chế mà nó bao hàm. Việc so sánh các phố đi bộ khác nhau bằng một bộ tiêu chí chung, cũng là khập khiễng.

Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông được thiết kế vốn không phải để dành cho dịch vụ cho thuê trò chơi xe điện như người ta lầm tưởng. Nhà thiết kế đã tính toán để tạo ra một hệ sinh thái với các chùm cảnh quan, gồm công viên, hồ nước, chùa chiền, rạp xiếc, nhà văn hóa học sinh sinh viên, tượng đài…

Đó là một quần thể khá lý tưởng với sự hòa quyện của cả tự nhiên và yếu tố văn hóa, lịch sử, điểm sinh hoạt cộng đồng, mà nếu duy trì chức năng giao thông liên tục của phố Trần Nhân Tông, thì quần thể đó bị chia cắt thành nhiều mảng. Chức năng của đoạn phố Trần Nhân Tông khi chuyển sang đi bộ, vì thế, mang tính kết nối nhiều hơn.

Sự thưa thớt, kém hấp dẫn của các hoạt động tại không gian này, có nguyên nhân từ việc, có quy hoạch không gian đi bộ, nhưng dường như chưa có một đề án cụ thể cho nó. Ở đó, những câu hỏi như: Phố đi bộ này khác với các không gian đi bộ khác ở điểm gì; nó hướng đến mục đích gì; nó được kiến trúc ra sao, từ tổ chức không gian đến thiết kế hoạt động để đạt các mục đích đó; người ta đặt mục tiêu cho từng giai đoạn như thế nào, và làm gì để người dân biết tới… vẫn chưa được trả lời mạch lạc.

Đã có nhiều hoạt động được tổ chức tại đây, nhưng số hoạt động thực sự là sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa nhiều, chưa có kế hoạch rõ ràng, chưa được dụng tâm thiết kế. Và người dân cũng chưa có cách nào để biết thông tin các hoạt động sẽ diễn ra, ngoại trừ vào cổng thông tin của Quận -  một cách rất không phổ thông.

Đã có những cuộc thi vẽ cho trẻ em nhưng lại được bố trí trên phần vỉa hè khá chật và kém bằng phẳng. Trong khi, dưới lòng đường rộng rãi, lại để cho dịch vụ kinh doanh xe điện, một thứ trò chơi có thể tổ chức ở bất cứ đâu.

Và nếu không tìm thông tin về ngọn nguồn phố đi bộ Trần Nhân Tông, cũng ít ai biết được về các điểm đến mà họ có thể ghé thăm, vì chẳng có một chỉ dẫn nào.

Du khách tự khám phá tìm tòi trong thụ động, được chăng hay chớ, sự loãng, nhàm và thất vọng đương nhiên sẽ đến rất nhanh.

Đất chật người đông, cư dân những đô thị như Hà Nội, TP.HCM vẫn đang rất thiếu không gian. Không nhất thiết phải đặt các mục tiêu to tát về du lịch hay văn hóa, ngay cả không gian đi bộ thuần túy, để chậm lại những hối hả, để thay đổi thói quen quá lệ thuộc vào xe cộ, để giải tỏa những căng thẳng áp lực trong nhịp sống thường ngày, để con người có thể gần nhau theo đúng nghĩa giữa tự nhiên… đã là điều rất quý. Giá trị của nó không thể quy được ra tiền.

Nhưng quan trọng là, ngay cả những mục tiêu cơ bản này, cũng cần được xác định rõ ngay từ đầu, làm căn cứ và định hướng cho toàn bộ cách thức tổ chức, vận hành, chứ không thể mông lung, khai trương xong rồi vừa làm vừa nghĩ.

Quan trọng là, khi năng lực của địa phương có hạn, chuyên môn của cán bộ làm công tác văn hóa chưa phù hợp để đảm nhận các việc này, thì một sự cởi mở và cầu thị là cần thiết, để mời các nhà thiết kế không gian đô thị, các nhóm cộng đồng có kinh nghiệm tham gia, xây dựng nên hồn cốt cho không gian đi bộ. Người dân sẽ vẽ nên những gì họ thực sự muốn, sẽ chủ động chọn lựa những hoạt động họ thấy có giá trị. Việc của chính quyền là quy hoạch không gian, là tạo hành lang và các điều kiện cần để thực thi mong muốn đó.

Một bên đang ôm đồm quá sức. Một bên chưa được trả lại đúng phần việc  của mình. Đó là lý do vì sao, có những không gian đi bộ dù rất được mong chờ, và được mở ra với quyết tâm đột phá của thành phố, nhưng lại èo uột, mờ nhạt và dẫn đến hồ nghi.

Bước chân của du khách, có thể đi chỉ để mà đi. Nhưng bước đi các nhà quản lý đô thị, nhất định phải có đích rõ ràng./.