Vì sao New York muốn hạn chế số lượng và quy định lương tối thiểu cho tài xế taxi công nghệ?

VOVGT - Giới chức TP New York (Hoa Kỳ) vừa công bố kế hoạch sẽ hạn chế số lượng phương tiện tham gia dịch vụ gọi xe (taxi công nghệ) nhằm giảm tắc đường...

New York muốn hạn chế số lượng taxi công nghệ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Năm 2015, thị trưởng New York Bill de Blasio đưa ra dự luật hạn chế số lượng xe, nhưng bị Hội đồng thành phố bỏ phiếu bác bỏ. Kết quả này, một phần cũng từ chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ của Uber. Nhưng đến nay, sự việc lại khác; khi giới chức cho rằng, việc giới hạn số lượng sẽ khiến các tài xế hoạt động tốt hơn. Còn các công ty cho rằng việc này sẽ khiến tài xế thất nghiệp, người dân không chuyển dễ dàng như trước, đặc biệt là cư dân ngoại thành.

Trong khi đó, bản thân các tài xế của Uber, Lyft lẫn taxi truyền thống lại trông chờ quyết định này; bởi sự bùng nổ về số lượng xe thời gian khiến rất nhiều người rơi vào cảnh nghèo khó. Thậm chí, đã có 6 tài xế tự sát vì nợ nần; khi họ đầu tư hàng trăm nghìn đô la mua xe để trở thành taxi công nghệ mà không kiếm được lợi nhuận.

Giới chức và dư luận trước đây từng hy vọng các ứng dụng gọi xe như Uber, Lyft góp phần giảm thiểu tắc đường. Nhưng thực tế, số lượng xe cá nhân chẳng hề giảm, số lượng taxi công nghệ cũng bùng nổ từ 47.000 trong năm 2013 lên 103.000 đến thời điểm này. Theo số liệu năm 2017, cứ 4 xe di chuyển thì có 1 xe chạy Uber hoặc Lyft.

Ngoài hạn chế số lượng, theo luật mới, kể từ cuối năm 2018, các hãng taxi công nghệ lẫn truyền thống phải đảm bảo mức lương tối thiểu 17,22 đô la/giờ (khoảng 400 nghìn VNĐ) cho tài xế. Trong khi đó, mức lương tối thiểu ở New York là 15 USD/giờ (khoảng 350 nghìn VNĐ)

Trước quyết định này, Ryan Price - Giám đốc Hiệp hội tài xế độc lập đại diện cho hơn 65.000 tài xế cho rằng:

 

"Người lao động và lãnh đạo TP. New York hôm nay đã làm nên lịch sử. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu vì những gì chúng ta biết là đúng. Nếu Uber và Lyft muốn hoạt động trong thành phố của chúng tôi, họ phải trả công cho nhân viên hợp lý”.

Mức lương tối thiểu nếu luật được ban hành của các tài xế sẽ tăng 22,5%

Theo một cuộc nghiên cứu độc lập, nếu ấn định mức lương tối thiểu (sau khi trừ các chi phí) là 17,22 USD (khoảng 400 nghìn VNĐ) thì thu nhập trung bình của các tài xế sẽ tăng 22,5%. Hiện có tới 40% tài xế taxi công nghệ có thu nhập thấp đến mức đủ tiêu chuẩn hưởng bảo hiểm y tế dành cho người nghèo và khoảng 18% đủ tiêu chuẩn được cấp tem lương thực.

Việc hạn chế cấp giấy phép mới cho taxi công nghệ ngay lập tức có hiệu lực khi Thị trưởng New York - Bill de Blasio ký kết luật liên quan đến các phương tiện cho thuê dựa trên ứng dụng tại Tòa thị chính vào thứ Ba ngày 14/08/2018.

Ông Bill de Blasio cũng nhấn mạnh rằng:

 

“Thành phố của chúng ta đang trực tiếp đối mặt với một cuộc khủng hoảng khiến người dân New York rơi vào cảnh nghèo đói, đường phố tắc nghẽn. Sự tăng trưởng không được kiểm soát của các công ty cho thuê xe dựa trên ứng dụng đã buộc TP phải hành động và đạo luật vừa được ban hành là những gì thành phố này cần”.

Về phía các hãng gọi xe qua phần mềm, Uber và Lyft đều không hài lòng. Người đại diện Uber Danielle Filson cho biết: “Đề xuất hạn chế số xe Uber mà Hội đồng thành phố đưa ra sẽ khiến người dân New York rơi vào bế tắc. Mặt khác, đây không phải là cách giúp cải thiện tình trạng tắc đường hay giúp đỡ những tài xế taxi đang gặp khó khăn”.

Còn đại diện ứng dụng gọi xe Lyft cho biết: “Đề xuất của thành phố đẩy New York lùi lại thời kỳ người dân đứng góc đường vẫy taxi và hy vọng sẽ có xe đón. Thời gian chờ đợi sẽ tăng đáng kể trong khi thu nhập và cơ hội việc làm của tài xế lại giảm. Tồi tệ hơn, đề xuất này cho thấy, chính quyền ưu tiên tài xế taxi hơn phần đông người dân New York”.

Số lượng tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội và TP. HCM gấp đôi so với taxi truyền thống tính đến cuối năm 2017

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, số lượng tài xế taxi công nghệ ở 2 thành phố Hà Nội và Tp. HCM lên đến gần 50.000 gấp đôi taxi truyền thống.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi với các nhà quản lý, chuyên gia hoạch định chính sách; nhất là trong bối cảnh Uber vừa bán thị phần cho Grab hồi cuối tháng 3/2018. Do vậy, quyền lợi của các tài xế là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam băn khoăn: Liệu tài xế taxi công nghệ có phải là người lao động không? Họ có phải là người làm thuê không? Họ có nằm trong diện bảo vệ của Bộ Luật Lao động không? Đó là những câu hỏi cần được các cơ quan chức năng giải đáp trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động.