Vì sao liên tiếp giảm phí qua trạm BOT?

VOVGT- Từ đầu năm đến nay, đã có 10 dự án được điều chỉnh theo hướng giảm mức phí qua trạm BOT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư BOT giảm phí được 10 trạm và 3 trạm đang thống nhất với nhà đầu tư

Theo quy định của Bộ GTVT đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, các trạm thu phí phải đặt cách nhau tối thiểu 70km. Tuy vậy, theo thống kê của Ban quản lý đầu tư các dự án công –tư, Bộ GTVT, trong số 73 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, có 58 trạm có khoảng cách lớn hơn 70km, 10 trạm có khoảng cách từ 60-70 cây số và 20 trạm có khoảng cách dưới 60km.

Đặc biệt, về vị trí, có 3 trạm nằm ngoài phạm vi xây dựng của dự án. Đó là Trạm Tào Xuyên thu giá hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Thanh Hóa; Trạm cầu Rác Km539 Quốc lộ 1 thu giá hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh và Trạm thu giá Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn vốn cho Dự án BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Toàn quốc cũng có 6 dự án đặt trạm thu phí trên tuyến chính và nâng cấp cải tạo tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, tương tự như dự án Cai Lậy (Tiền Giang).

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, hiện đơn vị này đã thực hiện rà soát được 54 trạm, qua đó đàm phán với nhà đầu tư BOT giảm phí được 10 trạm và 3 trạm đang thống nhất với nhà đầu tư để Bộ GTVT quyết định.

Ông Huyện nói: “Tất cả các trạm này đều được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư trên nguyên tắc lưu lượng, thời gian thu phí và đặc biệt là số lượng quyết toán. Trong suốt quá trình, chúng tôi đàm phán được trạm nào thì chúng tôi sẽ trình ngay bộ trạm đó để tiến hành giảm giá. Ví dụ như BOT của Pháp Vân là 15/10 đã thực hiện, chỗ Đại Yên thì tháng 11.”

 

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, đơn vị này đã có kế hoạch đàm phán với tất cả các nhà đầu tư BOT trên toàn quốc và cơ bản trước 30/10 sẽ báo cáo kết quả để Bộ GTVT xử lý.

Nói về việc rà soát giảm phí cho các hộ dân xung quanh trạm vốn là một trong những nguyên nhân gây bức xúc dư luận xung quan các trạm thu phí BOT thời gian qua, ông Huyện cho biết, điều này cũng được đàm phán cùng với việc giảm phí chung của toàn dự án.

Tuy nhiên, theo ông Huyện, để đạt được kết quả, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để thống kê, rà soát số lượng phương tiện của người dân địa phương.

Việc giảm thời gian thu phí, giảm mức phí là điều buộc phải thực hiện

Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban quản lý đầu tư các dự án công –tư, Bộ GTVT cũng cho biết, Hiện tại mức phí qua từng trạm đều được Bộ GTVT quy định. Chẳng hạn, đối với xe con tiêu chuẩn được quy định từ 15.000- 52.000 đồng.

Như vậy, mức giá với xe con tiêu chuẩn hiện nay vẫn nằm trong quy định và mỗi dự án khi đi vào thu phí đều được Bộ Tài chính quyết định mức phí. Tuy nhiên, qua việc quyết toán 54 dự án, Bộ GTVT đã quyết định giảm phí tại 10 dự án.

Lý giải về điều này, ông Huy cho rằng, trước năm 2017, sau khi quyết toán, nếu có sự chênh lệch so với dự toán, cơ quan chức năng thường thực hiện giảm thời gian thu phí. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây thì ưu tiên giảm mức phí.

Ông Huy nói: “Chúng tôi đang tính toán, hợp đồng đó chúng ta ký giữa 3 bên gồm Bộ là cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời cũng liên quan cả đến các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Do vậy chúng ta phải đàm phán 3 bên và nhận được sự đồng thuận 3 bên. Đối với phần chi phí giảm so với quyết toán thì chúng tôi đang báo cáo và Bộ GTVT đang chỉ đạo theo hướng một là ưu tiên giảm phí và xử lý các bất cập về trạm thu phí.”

 

Trong cuộc họp báo quý III/2017 mới đây, địa diện lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc các trạm thu phí liên tiếp phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí, giảm mức phí một phần bắt nguồn từ việc đây là lĩnh vực mới, các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến hợp đồng với nhà đầu tư chưa bao quát hết nối dung. Vì vậy, việc giảm thời gian thu phí, giảm mức phí là điều buộc phải thực hiện.

Việc liên tiếp phải giảm mức phí, giảm thời gian thu phí cũng buộc các đầu tư, phải lập lại phương án đầu tư, thỏa thuận với tổ chức tín dụng… Do vậy, nếu không nh bạch trong cơ chế quản lý, việc thu hút vốn cho dự án BOT giao thông, nhất là dự án cao tốc Bắc Nam đang kêu gọi đầu tư sẽ khó thực hiện.