Vì sao Delta Airlines 'tạo điều kiện' cho nhân viên đi học lái máy bay

VOVGT-Delta Air Lines, hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ dự định sẽ tuyển thêm 8.000 phi công trong vòng 10 năm tới...

Hãng hàng không Delta Airlines đang tao điều kiện cho tiếp viên, nhân viên có cơ hội trở thành phi công

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Các hãng hàng không Mỹ sẽ thiếu khoảng đối diện với tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng từ năm 2021, thời điểm rất nhiều phi công bước sang tuổi 65, tuổi bắt buộc phải nghỉ hưu. Ước tính khoảng 22.000 phi công nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới.

Đồng thời, theo nhà sản xuất máy bay Boeing, đến 2036, các hãng hàng không trên thế giới sẽ mua 41.000 máy bay mới. Và phải cần đến 637.000 phi công mới, riêng khu vực Bắc Mỹ cần 117.000 người. Do đó tình trạng thiếu hụt phi công ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Delta AirLines - hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ dự định sẽ tuyển thêm 8.000 phi công trong 10 năm tới. Theo kế hoạch "Con đường trở thành phi công", hãng này sẽ tạo điều kiện cho cả tiếp viên, nhân viên bán vé cùng các nhân viên khác tham gia các khoá đào tạo phi công. Nếu đạt tiêu chuẩn, họ có thể chuyển sang lái máy bay thương mại. Steve Dickson - Phó chủ tịch Quản lý hoạt động bay của Delta Airlines cho biết:

 

“Để trở thành phi công của Delta Airlines, ứng viên phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc tại hãng; bằng cử nhân; chứng nhận phi công với 100 giờ bay và đánh giá hoạt động trên các chuyến bay hiện tại. Khi đủ các tiêu chí, ứng viên sẽ vào vòng phỏng vấn, tham gia các bài kiểm tra dành cho phi công. Nếu qua được các phần kiểm tra, họ sẽ dành được suất tham gia chương trình đào tạo phi công. Sau khi hoàn thành quá trình đạo tạo, họ sẽ chính thức trở thành phi công của Delta Airlines…”

Ngoài ra, Delta Airlines sẽ nhận đơn đăng ký từ tháng 8 năm nay với sinh viên đến từ 8 trường đại học có chuyên ngành hàng không như: Đại học Auburn, Đại học Hàng không Embry-Riddle, Đại học North Dakota… Jared Hodge – sinh viên chuyên ngành hàng không thuộc Đại học Auburn chia sẻ kinh nghiệm trở thành một phi công của Delta Air Lines:

 

“Khoảng 6 tháng một lần, chúng tôi phải làm bài kiểm tra kiến thức chuyên môn và khả năng, trong đó có cả thực hành xử lý tình huống khẩn cấp. Mục đích là đảm bảo trong trường hợp bất thường, phi công hoàn toàn kiểm soát được tình huống”.

Chiến lược của hãng Delta Airlines nhằm giải quyết những nỗi lo về thiếu hụt phi công trầm trọng

Delta Airlines sẽ hợp tác với các cơ sở để đào tạo phi công trong 42 tháng. Sau đó, các học viên tích luỹ kinh nghiệm tại một hãng hàng không tư nhân trực thuộc Delta Airlines, bay các tuyến ngắn trước khi quay về hoạt động tại trụ sở chính. Trong suốt quá trình này, các học viên sẽ được một phi công chính thức kèm cặp. Hiện, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ quy định kinh nghiệm bay tối thiểu để trở thành một phi công thương mại lên tới 1.500 giờ so với 250 giờ như trước.

Ngoài ra, Delta Airlines hợp tác với các tổ chức như Tổ chức Hàng không chuyên nghiệp cho người da đen, Tổ chức Hàng không quốc tế cho phụ nữ, Hiệp hội Quốc gia liên kết các trường đào tạo bay, Hiệp hội Phi công đồng giới quốc gia để khuyến khích các học sinh cấp 3 theo đuổi nghề phi công. Một học viên trở thành phi công sau khi hoàn thành chương trình đào tạo phi công chia sẻ:

 

“Delta cho bạn 3 lựa chọn: trở thành phi công thương mại, trở thành phi công cá nhân cho các đối tác của Delta hoặc trở thành phi công quân sự. Điều đó có nghĩa, hãng sẽ cho bạn lộ trình thăng tiến rõ ràng, cũng như giúp bạn có những chứng nhận hàng không cần thiết khi làm việc tại đây. Khi bạn kết thúc khóa học tại Delta, giấc mơ làm phi công của bạn sẽ trở thành sự thật”.

Tuy nhiên, chi phí đào tạo cao và lương khởi điểm thấp là một trong những rào cản lớn nhất đối với những ai muốn trở thành phi công. Ví dụ, Trường bay ATP - một trong những trường Delta Airlines khuyến khích tham gia, có chi phí khoảng 80.000USD cho một khoá đối với học viên chưa có kinh nghiệm.

Còn về lương, theo Cơ quan Thống kê lao động; lương phi công khoảng 78.740 USD/năm... Tuy nhiên, Hiệp hội Phi công cho biết, lương ở các hãng trong khu vực chưa bằng một nửa con số vừa nêu. Còn cơ trưởng có thể nhận mức lương hơn 100.000 USD/năm.

Bamboo Airways đang khẩn trương tiến hành đợt tuyển dụng trước khi chính thức bay vào tháng 10/2018 tới đây

Theo số liệu gần đây của Cục Hàng không, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung khoảng 1.320 phi công thương mại. Tuy nhiên, con số này căn cứ theo kế hoạch phát triển đội tàu bay của 3 hãng hàng không (Việt NamAirlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific); mà chưa tính đến việc hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC mới được thành lập, sẽ chính thức bay vào tháng 10/2018 tới đây. Trung bình, mỗi năm cả ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific cần khoảng 200 - 250 phi công.

Hiện Bamboo Airways đang tiến hành đợt tuyển dụng lớn nhất trong năm cho các bộ phận hoạt động, dịch vụ, tổ bay để lấp đầy 600 vị trí trống. Bắt đầu từ năm tới, hãng này sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên về lĩnh vực hàng không.