Vì sao cao tốc Cam Lộ - La Sơn cấm xe tải trọng nặng?

Mới đây Cục Đường bộ VN và các ngành chức năng đã cùng ngồi lại để bàn giải pháp tổ chức giao thông cho tuyến Cam Lộ - La Sơn. Trong đó, các bên thống nhất sẽ phân luồng xe khách trên 30 chỗ và xe tải nặng trên 6 trục sang tuyến QL1.

Vậy vì sao lại cấm các phương tiện tải trọng lớn lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn? Cách này liệu có giải quyết tận gốc vấn đề? Về lâu dài công tác đầu tư mở rộng tuyến đường này được triển khai như thế nào?

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Lê Văn Sáu - Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh – Chủ đầu tư dự án cao tốc nhằm giảm tải cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

PV: Là đại diện chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn, xin ông cho biết vì sao cao tốc này chỉ đầu tư có 2 làn xe?

Ông Lê Văn Sáu: Dự án Cam Lộ - La Sơn được đầu tư theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, phải chia sẻ vốn đầu tư cho các vùng ền khác. Vì thế yêu cầu đặt ra là tuyến Cam Lộ - La Sơn đi chung với tuyến đường HCM, vừa là cao tốc vừa là đường HCM và theo NQ 66 của Quốc hội thì đường HCM phải nối thông trước năm 2020.

Ban đầu Ban QLDA HCM, Bộ GTVT, Chính phủ báo cáo QH đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, tuy nhiên do nguồn lực và trên cơ ở phân tích lưu lượng xe ở thời điểm đó dự báo đầu tư phân kỳ là phù hợp, với điều kiện kinh tế cũng như khai thác ở thời điểm 2017-2020. 

Ảnh nh họa: VOV

PV: Các vụ tai nạn liên tiếp gần đây cho thấy đang xuất hiện nhiều bất cập trên tuyến cao tốc này. Có ý kiến cho rằng việc chưa bố trí hệ thống trạm thu phí cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc này tăng đột biến, gia tăng nguy cơ tai nạn. Ý kiến của ông như thế nào? 

Ông Lê Văn Sáu: Hiện nay chúng ta chưa thu phí trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trong khi đó trên QL1 đang tiến hành thu phí. Chính vì vậy đã thu hút lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn rất lớn, thậm chí vượt mức dự báo trong thiết kế, mặt khác rút ngắn được thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí so với QL1.

Tuy nhiên, hạ tầng Cam Lộ - La Sơn mới được đầu tư ở quy mô khiêm tốn, dẫn đến có những bất cập. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT chúng tôi đã phối hợp với Cục Đường bộ VN, Cục CSGT đi rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống biển báo ATGT, mục tiêu là tăng thêm mức độ cảnh báo cho người tham gia giao thông trên tuyến.

PV: Mới đây đơn tư vấn thiết kế đã tiến hành đếm xe và kết quả cho thấy lưu lượng phương tiện đã tới mức “mãn” tải, có ý kiến cho rằng cần phải tổ chức lại giao thông trên tuyến cao tốc này. Các đề xuất này đã được đơn vị tiếp thu, triển khai như thế nào?

Ông Lê Văn Sáu: Qua số liệu rà soát đếm xe giữa 2 tuyến cho thấy, tuyến Cam Lộ - La Sơn đã đạt ngưỡng mãn tải, trong khi đó thì tuyến QL1 còn dư 6.000 PCU/ngày đêm. Hiện điều kiện khai thác của tuyến Cam Lộ - La Sơn khó khăn hơn do đi trên địa hình đồi núi, đèo dốc và sương mù; còn tuyến QL1 đã được đầu tư 4 làn xe và điều kiện khai thác qua vùng đồng bằng, thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó qua so sánh dòng phương tiện tiềm ẩn gây TNGT chúng ta thấy, xe tải nặng dễ hư hỏng, trong khi quy mô làn đường Cam Lộ - La Sơn còn hạn chế nên khi gặp sự cố xe tải nặng đỗ chiếm sang phần làn xe chạy; nếu phương tiện đi phía sau không tập trung quan sát hoặc điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn hạn chế dễ xảy ra tai nạn.

Hoặc xe vận tải lớn, xe khách lớn tải trọng nặng, khi lưu thông trên tuyến cũng thường không đạt được tốc độ tối thiểu dẫn đến làm giảm năng lực thông hành và tạo tâm lý ức chế cho lái xe đi phía sau, từ đó xe có thể vượt chỗ cấm vượt, tăng mức độ rủi ro về TNGT.

Từ những phân tích đấy khi xảy ra tai nạn sẽ là tai nạn thảm khốc, vì vậy trong thời kỳ này chúng tôi kiến nghị đưa những phương tiện tải trọng nặng này sang lưu thông bên QL1.

PV: Vậy về lâu dài công tác đầu tư mở rộng đoạn tuyến này được Ban QLDA HCM chuẩn bị như thế nào?

Ông Lê Văn Sáu: Hiện nay Bộ GTVT đã giao cho Ban QLDA HCM nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư, mở rộng hoàn chỉnh tuyến Cam Lộ - La Sơn, chúng tôi đã giao tư vấn thực hiện.

Tuy nhiên hiện đang chờ bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất Chính phủ sớm đưa công trình này vào triển khai mở rộng, mục tiêu phấn đến đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.

PV: Xin cảm ơn ông!