Vì sao cảnh sát đề xuất lắp thiết bị vô hiệu hóa ô tô từ xa?

VOVGT - Hiệp hội cảnh sát bang Tây Australia đề xuất, tất cả các phương tiện phải lắp thiết bị cho phép vô hiệu hóa động cơ từ xa trong trường hợp khẩn cấp

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tình trạng tài xế ô tô vi phạm rồi lái xe bỏ chạy đang khiến giới chức gặp nhiều khó khăn trong việc truy đuổi, xử lý; bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để giải quyết vấn nạn này, Hiệp hội cảnh sát bang Tây Australia mới đây đề xuất, bắt buộc tất cả các phương tiện phải lắp thiết bị cho phép vô hiệu hóa động cơ từ xa trong trường hợp khẩn cấp.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông tại Australia

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 82 tổ chức tại Perth mới đây, ông George Tilbury Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát bang Tây Australia cho biết, vừa đề xuất chính phủ cho lắp thiết bị dừng động cơ từ xa và định vị GPS trên tất cả các ô tô sản xuất mới.

Theo ông Tilbury, công nghệ sẽ hỗ trợ cảnh sát trong việc truy bắt tài xế vi phạm bỏ chạy, hạn chế các cuộc tấn công khủng bố bằng ô tô hay những tình huống giao thông nguy hiểm có thể xảy ra.

Cụ thể, trong trường hợp khẩn cấp, thiết bị trên xe sẽ được kích hoạt khiến phương tiện chạy chậm dần dưới 15 km/h rồi dừng hẳn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả tài xế và những người xung quanh. Ngoài ra, nó còn ngăn không cho động cơ khởi động lại. Nhà chức trách hy vọng, quy định mới sẽ chính thức áp dụng vào năm 2021, khoảng thời gian đủ để các nhà sản xuất hoàn thiện lắp ráp thiết bị trên xe.

Ngay khi công bố, đề xuất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ trưởng cảnh sát Michelle Roberts. Bên cạnh đó, giới chức cảnh sát tại nhiều bang cũng tỏ ra đồng tình với đề xuất này, họ mong muốn thiết bị dừng xe từ xa sớm được triển khai trên diện rộng.

Bộ trưởng Michelle Roberts cho biết, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi tài xế chạy trốn cảnh sát cố tình vượt đèn đỏ, đi ngược chiều với tốc độ cao. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn những cuộc rượt đuổi gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh: “Tất cả chúng ta đều thấy kết quả bi thảm của những vụ chạy trốn cảnh sát ở tốc độ cao. Cuộc sống nhiều người vô tội đã mất đi. Công nghệ sẽ là giải pháp xây dựng một cộng đồng an toàn hơn”.

 

Trước lo ngại quy định mới có thể bị lạm dụng, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, Hiệp hội cảnh sát giải thích rõ, thiết bị dừng xe từ xa và bộ định vị GPS được sở hữu bởi nhà sản xuất và chính chủ xe chứ không phải cảnh sát hay cơ quan quản lý vận tải. Trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát sẽ liên lạc với nhà sản xuất và kích hoạt thiết bị dừng từ xa. Khi đó, phương tiện có thể bị vô hiệu hóa mà không gây nguy cơ đe dọa tính mạng người khác.

Thực tế, công nghệ cố định động cơ lần đầu ra mắt tại Australia từ năm 2012. Sau đó nó thường được lắp cho các dòng xe chuyên dụng hoặc cao cấp để ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Cảnh sát truy đuổi ô tô vi phạm

Ông Ian Leavers, người đứng đầu Hiệp hội Cảnh sát bang Queensland cho rằng, thiết bị này nên được phổ biến đại trà tương tự như việc trang bị túi khí trên tất cả các xe ô tô: “Điều này thuộc về vấn đề an toàn. Chúng ta nên tận dụng mọi lợi thế của công nghệ để bảo vệ tính mạng và tài sản của những người xung quanh”.

 

Ông Leavers cho biết thêm, cuối tháng 9 vừa qua, một cảnh sát bang Queensland bị chấn thương nặng khi ngăn chặn hai thiếu niên ăn cắp ô tô rồi bỏ trốn.

Chứng kiến hậu quả khủng khiếp của vụ tai nạn, ông Leavers hy vọng chính phủ sẽ thông qua đề xuất để hệ thống dừng xe sớm trở thành thiết bị bắt buộc đối với tất cả ô tô sản xuất mới.

Không chỉ tại Australia, nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan tới việc tài xế vi phạm bỏ chạy. Nạn nhân nhiều khi không chỉ là chính thủ phạm mà còn có cả cảnh sát và những người dân vô tội.

Điển hình là vụ việc xảy ra hôm 11/9 vừa qua, khi bị cảnh sát giao thông huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ra lệnh dừng xe, một tài xế ô tô 5 chỗ đã lao thẳng phương tiện vào tổ công tác khiến một chiến sĩ nhập viện. Hay ngày 4/12 mới đây, bất chấp lệnh dừng xe của CSGT, một tài xế container tại phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh bỏ chạy, tông vào xe chuyên dụng của cảnh sát gây hư hỏng.

Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông bị xử phạt 1,2-2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công nghệ dừng xe từ xa nếu được áp dụng sẽ giúp hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm tốt hơn.