Vì sao cần giảm lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT?

VOVGT- Một trong những nhiệm vụ trong tâm năm 2018 là nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về an toàn giao thông...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc tăng cường hoạt động tuần lưu của lực lượng CSGT là cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Lý giải về việc đề xuất nhiệm vụ tăng cường hoạt động tuần lưu, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, qua báo cáo của các đơn vị, địa phương cho thấy hiện nay trên các tuyến đường, cả quốc lộ và đường đô thị, nơi thì có quá nhiều lực lượng, nơi thì để trống địa bàn.

Lực lượng CSGT ít tổ chức tuần tra cơ động, nhiều nơi có biểu hiện lập chốt cố định tại quốc lộ dẫn đến nhiều lái xe chỉ chấp hành giao thông mang tính đối phó, thông tin cho các xe khác.

Từ thực tế đó, UBATGTQG cho rằng, để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường đầu tư mua sắm hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng CSGT, thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tăng cường hoạt động tuần lưu, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, một lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, anh đã chứng kiến nhiều trường hợp CSGT lập chốt ở những địa điểm khuất tầm nhìn, trong khi trên đường có chướng ngại vật, buộc người tham gia giao thông phải vi phạm về làn đường. Việc bị lực lượng CSGT xử lý như vậy khiến không ít người tham gia giao thông cảm thấy như bị bẫy:

 

"Việc lập chốt cố định chỉ nên được thực hiện trong các đợt kiểm tra chuyên đề như đo nồng độ cồn hoặc tại các điểm đen TNGT. Còn lại, nên đẩy mạnh hoạt động tuần lưu để người tham gia giao thông tự nguyện chấp hành quy tắc giao thông, tránh trường hợp chỉ chấp hành khi có bong dáng lực lượng CSGT."

Tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường

Ông Nguyễn Hồng Minh, giám đốc doanh nghiệp taxi Nguyên Minh cũng cho rằng, việc bỏ bớt các trạm cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT trên đường là cần thiết, người dân và doanh nghiệp vận tải rất hoan nghênh. Tuy nhiên, theo ông Minh, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào giám sát xử lý vi phạm TTATGT hơn là việc tập trung xử lý bằng con người. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết:

 

"Việc tuần tra trên đường cũng là cần thiết, nhưng thay vì tập trung quá nhiều vào việc tuần tra trên đường, tốn xăng, tốn xe, thì chúng ta xử lý bằng bài toán công nghệ, đó là lắp đặt thật nhiều camera và ngồi tại phòng lạnh để bắt các vi phạm và xử lý qua hệ thống camera trên đường."

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cũng cho rằng, việc tăng cường hoạt động tuần lưu của lực lượng CSGT là cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Dẫn chứng hiện tượng các xe khách chạy rùa bò, bắt khách trước cửa bến xe Mỹ Đình, dọc tuyến đường Phạm Hùng, ông Tâm cho rằng, mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển hàng loạt xe khách từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, Giáp Bát, song một số phương tiện vẫn quay trở lại khu vực trước cửa bến xe Mỹ Đình đón khách.

>>> Tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông cửa ngõ phía Tây

Đáng lưu ý, các phương tiện này đều đi rất chậm, khiến khu vực này luôn rơi vào tình trạng ùn tắc. Hiện tượng này chỉ thuyên giảm mỗi khi có lực lượng CSGT tuần tra, khi vắng bóng lực lượng chức năng, thì đâu lại hoàn đó. Vì vậy, ông Tâm cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động tuần lưu của lực lượng CSGT kết hợp với các biện pháp tổng thể như lắp đặt camera giám sát để phạt nguội và gắn trách nhiệm cho từng cán bộ, chiến sĩ đối với từng tuyến đường, địa bàn cụ thể. Ông Doãn Minh Tâm cho biết thêm:

 

"Cái phản ánh là cần thiết, nhưng cần lời giải một cách tổng thể, kết hợp giữa con người với phương tiện để xóa bỏ tình trạng vi phạm luật như vậy. Có thể quy trách nhiệm cho người phụ trách cả tuyến đường, phụ trách từng khu vực như thế nào thì mới được."

Các ý kiến cũng cho rằng, việc đổi mới hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông, nhất là tâm lý đối phó khi thiếu vắng lực lượng CSGT. Bởi khi đó, hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có thể bị phát hiện và xử lý bất cứ lúc nào.

>>> CSGT được yêu cầu dừng xe kiểm tra khi nào?