Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo gồm 10 chương, 74 điều, quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đặt ra thiết chế quản lý dịch vụ OTT (dịch vụ tin nhắn, hội thoại, hội họp trên nền tảng Internet) như quản lý dịch vụ viễn thông.
OTT hay “Dịch vụ thông tin liên lạc không sử dụng kho số viễn thông” là dịch vụ điện thoại, nhắn tin trên Internet không kết nối đến các thuê bao viễn thông được ấn định kho số viễn thông. Dịch vụ này không bao gồm các dịch vụ mà tính năng thực hiện cuộc gọi thoại, nhắn tin chỉ là các đặc tính phụ thuộc, thứ yếu của một dịch vụ khác.
Về trách nhiệm, Điều 36 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT phải thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân; thực hiện các biện pháp phòng chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định; báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu về các số liệu liên quan hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT có số lượng người sử dụng vượt ngưỡng theo quy định phải có hệ thống tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ; thực hiện các quy định quản lý khác do Chính phủ quy định để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.
Về việc cung cấp dịch vụ OTT theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, Điều 38 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định các tổ chức, cá nhân phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông: tên người đại diện, thông tin liên hệ theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào tháng 6 vừa qua. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan với những nội dung mở rộng, tránh trùng lặp, chồng chéo; cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm chặt chẽ, khả thi; hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với cam kết quốc tế.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về các quy định cần tránh “mua dây buộc mình”, ảnh hưởng không tốt môi trường đầu tư.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được ban soạn thảo chỉnh lý, dự kiến trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2023.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trước đây, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Nhưng hiện nay, trên nền Internet, các doanh nghiệp có thể cung cấp được dịch vụ viễn thông cơ bản, thậm chí xuyên biên giới, mà không cần hạ tầng mạng. Những công ty cung cấp dịch vụ này không có hạ tầng mạng nên không bị quản lý. Vì vậy, Luật Viễn thông (sửa đổi) cần đặt ra thiết chế quản lý dịch vụ OTT viễn thông.
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đánh giá, dịch vụ OTT cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin, nên cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và cần được quản lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nhà cung cấp trong nước phải có giấy phép, còn nhà cung cấp xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với một nhà cung cấp đã được cấp phép trong nước. Trường hợp không thu cước vẫn cần thông báo, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có quy mô lớn tại Việt Nam phải có thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam, nhằm giải quyết vấn đề liên quan quyền lợi người sử dụng và bảo đảm tuân thủ pháp luật.
Đánh giá về việc dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đặt ra thiết chế quản lý dịch vụ OTT, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng:
"Số lượng tăng trưởng người dùng và sự phát triển sôi động của OTT là điều đáng mừng. Chúng ta không thể tưởng tượng được nhu cầu vô tận của đời sống kinh tế - xã hội, cộng với sự phát triển của công nghệ thì đòi hòi phát triển trong tương lai là vô cùng lớn.
Theo tôi, tất cả hoạt động kinh tế - xã hội đều cần có sự điều tiết của luật. OTT cũng như tất cả loại hình dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin hay thương mại điện tử,… cũng sẽ được điều tiết bởi luật.
Vấn đề ở chỗ phải phân tích rõ đặc điểm để đưa vào bộ luật nào cho phù hợp, tránh chồng chéo giữa các luật, nhưng đồng thời không để bỏ trống những lĩnh vực mà chúng ta cần quan tâm.
OTT chẳng hạn, có thể vẫn có sự điều tiết của luật thương mại, luật an toàn thông tin, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, có cả vấn đề thuế. Bất cứ một loại hình dịch vụ nào cũng được điều tiết bởi nhiều loại luật khác nhau và nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng có trách nhiệm.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho các dịch vụ phát triển, đem lại lợi ích cho đời sống kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia thì tôi nghĩ đều rất là tốt, đều nên có những biện pháp để mà thúc đẩy, phát triển được cả công nghệ, dịch vụ, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Việc quản lý dịch vụ OTT như dịch vụ viễn thông sẽ có tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của Luật Viễn thông (sửa đổi)?
Ông Bùi Thanh Tùng: Luật Viễn thông hiện hành đã được ban hành từ năm 2009, đã có rất nhiều sự phát triển của công nghệ. Chúng ta phải sửa đổi Luật Viễn thông cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sẽ đưa ra những chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa thị trường viễn thông, phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông, xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật lần này là quy định các dịch vụ OTT được coi là một đối tượng điều chỉnh của dịch vụ viễn thông. Ông có ý kiến như thế nào về điều này?
Ông Bùi Thanh Tùng: Tôi cho rằng nội dung quản lý dịch vụ OTT trong luật là rất cần thiết và nó cũng không nằm ngoài các thông lệ quốc tế. Còn băn khoăn của một số tổ chức, chuyên gia cho rằng sẽ tạo thêm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp, hoặc thậm chí là rào cản đầu tư, thì tôi cho rằng không hoàn toàn như vậy.
Một số quốc gia phát triển cũng đã đưa nội dung này vào luật viễn thông. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp cho rằng đó không phải là dịch vụ viễn thông, nhưng trên thực tế, nó là những dịch vụ có tính chất viễn thông, những dịch vụ rất mới, đặc trưng, vẫn phải kết nối thông qua hạ tầng viễn thông, vẫn phải có những giao thức viễn thông cần thiết.
Các tiêu chuẩn, quy định thì chúng ta không thể áp đặt nguyên xi giống như các loại dịch vụ viễn thông truyền thống.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong luật đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, cũng như tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Nhưng vẫn phải đảm bảo các hành lang pháp lý để quản lý, và đảm bảo những vấn đề như an ninh quốc gia, an ninh mạng, an toàn thông tin.
Không chỉ có dịch vụ OTT mà hiện nay có 2 loại hình dịch vụ khác cũng cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý là dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Đây là những dịch vụ dựa trên nền tảng viễn thông nhưng lại cung cấp dịch vụ nội dung, có tính chất xuyên biên giới.
Nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ thì có thể tạo ra những rủi ro với thị trường nói chung và quyền lợi của tổ chức, cá nhân nói riêng.
Chẳng hạn như đánh bạc trực tuyến, đánh cắp dữ liệu của người dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi riêng tư, vi phạm pháp luật,…
PV: Nếu như dự thảo này được ban hành thì theo ông sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Ông Bùi Thanh Tùng: Tôi cho rằng là những tác động rất tích cực. Chúng ta sẽ có hành lang pháp lý, môi trường pháp lý thuận lợi hơn, cập nhật hơn, thúc đẩy và tạo điều kiện để đa dạng hóa thị trường viễn thông, phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông cho quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của đất nước.
Tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để chúng ta quản lý tốt hơn thị trường dịch vụ này, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
PV: Xin cảm ơn ông.
Các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới cung cấp tại thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, ước tính tốc độ tăng trưởng hai con số. OTT có khả năng thay thế dịch vụ viễn thông và nhiều tính năng hơn dịch vụ truyền thống, thậm chí có thể thay thế việc gọi điện thoại và tin nhắn qua SIM, tác động lớn đến người dùng.
Bên cạnh đó, OTT xuyên biên giới đều cung cấp dịch vụ trên hạ tầng của các nhà mạng trong nước, nhưng không chia sẻ doanh thu. Vì vậy, gánh nặng về hạ tầng, bảo đảm chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông là rất lớn.
Do vậy, tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất quản lý dịch vụ OTT như quản lý dịch vụ viễn thông nhằm khắc phục những bất cập vừa nêu.
Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành thì các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
---
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.