Vì sao các hãng taxi công nghệ Ả rập đua nhau tuyển tài xế nữ

VOVGT - Mới đây, Ả Rập Xê út, quốc gia tại vùng Trung Đông đã gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe vốn đã tồn tại lâu đời.

 

Vừa cầm điện thoại nhận chuyến xe, Reem Farahat, một trong những tài xế taxi nữ đầu tiên của Ả Rập Xê út, không thể kìm được nước mắt. Hôm nay là ngày đầu tiên cô làm việc với tư cách là tài xế của ứng dụng gọi xe Careem, một trong những ứng dụng gọi xe đi tiên phong trong việc tuyển dụng tài xế nữ.

Tại Ả Rập Xê út, từ hàng chục năm nay, người phụ nữ luôn phải chịu sự phân biệt đối xử khắc nghiệt, trong đó bao gồm việc cấm phụ nữ lái xe. Tuy nhiên, mới đây vào ngày 24/6, lệnh cấm này đã chính thức được gỡ bỏ trên toàn quốc. Và đó cũng là ngày đi làm đầu tiên của Reem Farahat cùng hàng chục nữ tài xế khác.

Từ 24/6, Ả Rập Xê-út đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe

Quyết định cho phép phụ nữ lái xe nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. Nhiều người tỏ ra vui mừng vì cuối cùng, sự phân biệt nam nữ vốn tồn tại hàng trăm năm đã phần nào giảm bớt.

Tại Ả Rập, phụ nữ chiếm tỉ lệ rất lớn trong số hành khách của các ứng dụng gọi xe. Theo thống kế của ứng dụng Careem, 70% người sử dụng ứng dụng là phụ nữ. Đối với Uber, con số này lên tới 80%. Khi lệnh cấm được gỡ bỏ, các ứng dụng gọi xe nhận thấy cơ hội và đầu tư vào mảng tài xế nữ, cũng như các dịch vụ đi kèm trong tương lai.

Mudassir Sheikha , Giám đốc điều hành ứng dụng Careem cho biết: Hiện đã có gần 2.000 phụ nữ nộp đơn xin làm tài xế, hầu hết trong độ tuổi từ 20 tới 50. Nhiều người cho rằng, việc lựa chọn nghề lái xe đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định và sự độc lập hơn về tài chính. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức cho phụ nữ trong công việc này khi khách hàng là nam giới. Vì vậy, hãng Careem đã cho phép các nữ tài xế có thể chấp nhận hay từ chối chở khách dựa vào giới tính.

Ông Sheikha chia sẻ:

“Chúng tôi vui mừng vì trở thành một phần của sự thay đổi mang tính lịch sử này. Với khoản đầu tư lên tới 100 triệu đô-la Mỹ, nhiệm vụ của chúng tôi trong tương lai là tiếp tục phát triển ứng dụng phù hợp và thân thiện với cả nữ giới. Careem kỳ vọng sẽ có 20 nghìn tài xế nữ làm việc cho hãng vào năm 2020”.

Đại diện hãng Careem cho biết thêm: Những phụ nữ nộp đơn có gia cảnh rất khác nhau. “Có người thì không có bằng cấp, nhưng có người thậm chí có bằng thạc sĩ. Người thì đã có công việc, muốn làm tài xế để kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng có người muốn làm toàn thời gian”.

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải Ả Rập, trước ngày gỡ bỏ lệnh cấm, cơ quan này nhận được 120 nghìn đơn xin cấp bằng lái xe cho phụ nữ. Trong đó có một số lượng lớn yêu cầu được chuyển đổi bằng quốc tế sang bằng Ả Rập. Ngoài ra, trường dạy lái tại thành phố Jeddah cũng tiếp nhận hơn 8 nghìn thí sinh thi lấy bằng lái. Tuy nhiên, mới chỉ có 82 thí sinh vượt qua bài thi.

Trước khi trở thành nữ tài xế đầu tiên của ứng dụng Careem, Enaam Gazi, 43 tuổi, đã từng được huấn luyện trở thành tiếp viên hàng không, sau đó chuyển sang học chuyên ngành quản lý tại một trường đại học ở Jeddah, nơi cô đang sống. Ly hôn từ sớm, một mình nuôi 2 đứa con nhỏ, Gazi hy vọng việc trở thành tài xế sẽ là bước tiến mới cho cuộc sống của cô.

Gazi chia sẻ:

“Tôi rất vui vì cuối cùng cũng có được bằng lái. Đây là điều tôi đã mong chờ từ lâu. Giờ tôi có thể lái xe bất cứ lúc nào mình muốn, và đương nhiên là có cả thu nhập từ việc lái xe”.