Vành đai 2 trên cao sắp xong: Lo vẫn ùn tắc đầu cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở

Dù chưa thông xe,nhưng 2 nút giao với tuyến đường Vành đai 2 trên cao là Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở giao thông vốn đã phức tạp và thường xuyên ùn ứ, nên khả năng giảm ùn tắc còn là dấu hỏi, nhất là khi các biện pháp tổ chức giao thông không gắn với cơ sở khoa học một cách chặt chẽ.

Đường Vành đai 2 trên cao. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Đầu tháng 11/2020, khi Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được thông xe đã đem đến nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ kinh niên trên tuyến đường này.

Song chỉ một thời gian ngắn, tình trạng ùn ứ tại 2 điểm lên xuống đầu Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở đã khiến nhiều người tham gia giao thông “vỡ mộng”.

Để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là tại nút giao Ngã Tư Sở, tháng 7/2022, TP. Hà Nội đã điều chỉnh phân luồng giao thông tại nút giao này theo hướng ưu tiên phương tiện từ đường Trường Chinh sang đường Láng và ngược lại.

Việc điều chỉnh này phần nào làm giảm áp lực giao thông tại nút Ngã Tư Sở, nhưng lại khiến tình trạng ùn tắc tại đường Láng, Tây Sơn thêm nghiêm trọng.

Trở lại việc thông xe toàn tuyến đường Vành đai 2 trên cao tới đây, dù khi lập dự án, chắc chắn chính quyền Thành phố và chủ đầu tư đã tính toán hiệu quả về mặt tăng khả năng lưu thoát của tuyến đường khi đi vào khai thác.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về khả năng giảm ùn tắc của tuyến đường này, đặc biệt là tại đầu cầu Vĩnh Tuy, nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở.

Theo các chuyên gia, khi mở rộng cục bộ một tuyến đường, nó sẽ làm thay đổi về mặt phân bổ lưu lượng trên mạng lưới. Hệ quả là có những đoạn tuyến được làm mới hay nâng cao năng lực sẽ tăng tính hấp dẫn, thu hút nhiều phương tiện đi vào, dẫn đến là những đoạn chưa được mở rộng sẽ không thể tiếp nhận được lưu lượng mới tăng thêm. Khi đó, mức độ ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.

Thứ 2, quanh các nút giao này, đặc biệt là nút Ngã Tư Sở là những khu vực rất đông dân cư, các khu đô thị nén như Khương Trung, Trung Liệt, Royal City… nhưng lại thiếu những trục hướng tâm thay thế cho tuyến Nguyễn Trãi - Tây Sơn.

Dù Sở GTVT Hà Nội và liên ngành đã nghiên cứu để kéo dài điểm quay đầu trên đường Trường Chinh (đến tận Bệnh viện Phòng không - không quân), dù có thể giảm xung đột trực tiếp giữa các dòng xe chạy, nhưng dòng phương tiện sẽ phải quay đầu xa hơn và thời gian di chuyển lâu hơn.

Trong giờ cao điểm, chính việc phải quay đầu như vậy sẽ khiến tình trạng ùn tắc tại khu vực này càng trở nên nghiêm trọng.

Dù trong phương án đưa ra mới đây, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất phương án phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức đếm phương tiện hiện trạng và dự kiến sau khi thông xe Vành đai 2 trên cao. Tuy vậy, phương án này mới chỉ tính đến việc thực hiện tại nút Ngã Tư Sở, trong khi một tuyến mới được nâng cấp, không chỉ ảnh hưởng đến một nút, thậm chí một tuyến, mà cả một mạng lưới.

Đó là chưa kể, tháng 9/2023, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 tiếp tục được đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện sẽ gia tăng đáng kể trên chính tuyến Vành đai này.

Bởi vậy, để đường Vành đai 2 thông xe toàn tuyến được khai thác một cách hiệu quả, rất cần thực hiện đo đếm phương tiện trên toàn tuyến, thậm chí đánh giá cả sự tác động đến các khu vực xung quanh một cách bài bản, để từ đó có giải pháp phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý.

Nếu chưa thể có những cơ sở dữ liệu một cách bài bản, khoa học và rộng rãi, thậm chí có thể lùi thời hạn thông xe, để có thêm thời gian nghiên cứu, khảo sát và tổ chức phân luồng một cách hiệu quả nhất.

Về lâu dài, cần sớm đầu tư hoàn thiện toàn tuyến đường Vành đai 2 theo vòng tròn khép kín, để không còn những điểm nghẽn như tại đường Láng hiện nay, khả năng lưu thoát của toàn tuyến mới được đảm bảo./.