Vận tải dầu, hàng hoá đi đến Nga vẫn nhộn nhịp, bất chấp xung đột với Ukraine

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra tới nay, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, làm nghiêm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, mới đây theo Reuters, các lệnh trừng phạt hiện chưa ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động vận tải hàng hóa.

Dỡ hàng tại một tàu chở phân bón từ Nga cập cảng Brazil hồi tháng 4. Ảnh: NY Times

Kể từ cuối tháng 2, các nước phương Tây đã áp những lệnh trừng phạt nặng nề lên Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm nhập khẩu than đá, đóng băng các tài sản của Nga, đóng cửa không phận với Nga, đưa các doanh nghiệp của Nga vào danh sách đen và một số biện pháp khác.

Tuy nhiên, theo Reuters, dù các lệnh trừng phạt ít nhiều gây ảnh hưởng, nhưng vận tải hàng hóa tại Nga vẫn chưa bị tê liệt. Trên thực tế, theo công ty theo dõi vận chuyển Refinitiv, khối lượng dầu thô được vận chuyển từ các cầu cảng của Nga là  25 triệu tấn trong tháng 4, tăng 1 triệu tấn so với các tháng 1,2 và 3.

Ông Jim Mitchell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu tại Refinitiv cho biết, các lô hàng xuất đi vào tháng 4 của Nga được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu và chưa phản ánh được hết tác động của các lệnh trừng phạt. Bởi dầu thô vốn được giao dịch khoảng 45 – 60 ngày trước khi vận chuyển. Do đó, đây là các hợp đồng đã đạt được thỏa thuận từ trước và cả hai bên đều không muốn vì xung đột mà vi phạm hợp đồng.

Nga đã ngừng công bố số liệu về xuất nhập khẩu kể từ khi xảy ra xung đột, tuy nhiên theo Reuters, hoạt động của các tàu chở hàng, đặc biệt là các tàu lớn lại có thể được quan sát dễ dàng vì các tàu này buộc phải cung cấp nhiều thông tin như nhận dạng, vị trí, hành trình v.v… Và các thông tin này được theo dõi bởi những công ty như Refinitiv.

Thống kê cho thấy, lưu lượng vận chuyển hàng hóa tại Nga vẫn tương đối mạnh trong tháng 3 và 4, bất chấp những căng thẳng giữa quốc gia này với phương Tây. Dữ liệu từ Marine Traffic, một nền tảng hiển thị trực tiếp vị trí của các tàu hàng, cho thấy số lượng tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng đến và rời cảng của Nga chỉ giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu từ Lloyd’s List Intelligence, công ty dịch vụ thông tin hàng hải cho thấy xu hướng tương tự khi số liệu tàu vận chuyển các mặt hàng như ngũ cốc, than đá và phân bón khởi hành từ Nga chỉ giảm 5% sau 5 tuần kể từ khi xảy ra xung đột. Thậm chí, tình hình thương mại giữa Nga với các quốc gia châu Á vẫn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất ổn định.

Trong khi xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt, liên nh Châu Âu thì bế tắc trong việc tìm đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, thì quốc gia này đang chứng kiến sự chuyển dịch vận tải hàng hóa, đặc biệt là dầu thô sang các quốc gia Châu Á. Bà Livia Gallarati, chuyên gia của viện nghiên cứu năng lượng Energy Aspect tại Anh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy đã có sự chuyển hướng đáng kể của dòng chảy hàng hóa từ Châu Âu sang một số quốc gia Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ với mặt hàng dầu mỏ. Trung Quốc cũng đang cân nhắc việc mua thêm dầu của Nga.”.

Xe tải xếp hàng tại Panemune, Lithuania gần cảng Kaliningrad của Nga hồi tháng 4. Ảnh: Getty Images

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt đã vô tình tạo thêm cơ hội để Nga kiếm lời thông qua sự thay đổi dòng chảy hàng hóa. Bởi các lệnh cấm vận đã trực tiếp đẩy giá năng lượng lên cao, trong khi Nga vẫn có thể bán mặt hàng này cho các quốc gia khác tại Châu Á mà không lo ngại vấn đề cấm vận. Bà Livia Gallarati chia sẻ: “Tôi cho rằng xung đột sẽ còn kéo dài và dù các lệnh trừng phạt có là gì, có kéo dài hay không thì các mặt hàng của Nga vẫn sẽ vắng mặt khỏi Châu Âu trong một thời gian dài. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang lo đối mặt với Covid-19 nhưng khi giải quyết xong, quốc gia này sẽ tăng sức cạnh tranh và kéo dài dòng vận tải về phía họ, Châu Âu khi đó sẽ đối mặt với nhiều khó khăn”.

Trong khi Nga chưa phải chịu quá nhiều thiệt hại, thì các doanh nghiệp vận tải Châu Âu đã bắt đầu cảm thấy sức nặng. Maersk, tập đoàn vận tải hàng hải lớn nhất thế giới đến từ Đan Mạch, đã ghi nhận thiệt hại lên tới 718 triệu USD sau khi rút khỏi thị trường Nga từ đầu tháng 5. Tập đoàn này đang thương lượng với một số bên để mua lại 30.75% cổ phần mà họ sở hữu từ Global Ports Investments, công ty vận hành các cảng biển ở Nga.

Giám đốc điều hành Maersk, ông Soren Skou chia sẻ: “Các hoạt động, đầu tư tại Nga của chúng tôi chiếm khoảng 2% tổng tài sản. Về thiệt hại hiện tại, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hồi được một phần sau khi bán lại toàn bộ cổ phần tại Nga trong thời gian tới. Quý đầu tiên của năm không giúp ích được gì nhiều khi một lượng lớn hàng hóa vẫn đang mắc kẹt tại các cảng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề phải đối mặt như thiếu nhân lực và tình hình Covid căng thẳng tại Trung Quốc”.

Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra, những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã dừng hẳn lại mọi hoạt động thương mại sang thị trường các nước này. Tuy nhiên, xung đột đồng thời làm gián đoạn các tuyến đường sắt quan trọng đến châu Âu hoạt động qua Trung Quốc. Một số công ty đã đình chỉ vận chuyển hàng hóa đường sắt đến châu Âu qua Trung Quốc và Nga do lo ngại về sự gián đoạn ở biên giới.

Vận tải biển sẽ là một giải pháp thay thế cho các doanh nghiệp đang tìm cách định tuyến lại các chuyến hàng ra khỏi Nga và Belarus, nhưng các tuyến đường này đang phải đối mặt với sự chậm trễ đáng kể.

Xung đột Nga-Ukraine càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vận chuyển và chuỗi cung ứng mà thế giới đang phải vật lộn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Dự đoán, tình hình hiện nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các công ty tham gia vào vận chuyển và phụ thuộc vào logistics đường dài.