Vẫn lúng túng cơ chế quản lý Uber, Grab

VOVGT- Dù là loại hình vận tải nào, nếu không có giải pháp quản lý hữu hiệu, quy hoạch giao thông tại các thành phố lớn rất dễ bị phá vỡ...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cần quản lý hoạt động của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào vận tải hành khách như Uber, Grab từ gốc (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Nói về dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quan điểm của Bộ GTVT định danh đây là loại hình vận tải bằng hợp đồng điện tử và dự thảo lần này cũng quy định việc cấp phép số lượng phương tiện được giao cho các Sở GTVT địa phương chủ động thực hiện.

Đối với các quy định về thuế, bảo hiểm cũng được đặt ra nhằm tiệm cận với các quy định đối với loại hình taxi truyền thống. Về điều này, ông Thủy cho biết:

 

Liên quan đến điều kiện của xe taxi và xe hợp đồng, thì chúng tôi cũng đã cầu thị, tiếp thu trên cơ sở không phải cứ taxi có điều kiện gì thì hợp đồng có điều kiện đó hoặc ngược lại, mà ở đây giảm thiểu tối đa những điều kiện mà thuộc về quyền của doanh nghiệp xe taxi để doanh nghiệp thực hiện và trong nghị định đã thể hiện điều này.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải, song ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM cho rằng, cần quản lý hoạt động của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào vận tải hành khách như Uber, Grab từ gốc. Bởi hiện nay dù Bộ GTVT khẳng định thẩm quyền cấp phép cho các địa phương. 

>>>Bộ GTVT yêu cầu: Quản lý Grab và Uber như taxi truyền thống

Song thực tế, một số địa phương như Đà Nẵng không đồng ý cấp phép cho Grab thí điểm, nhưng trên địa bàn Đà Nẵng không thiếu xe Grab hoạt động và phá vỡ quy hoạch phương tiện vận tải không chỉ ở Đà Nẵng mà xảy ra với hầu hết các địa phương có loại hình Uber và Grab đang hoạt động.

Theo ông Hỷ, quan trọng nhất là loại hình này phải được nhận diện để hành khách nhận biết và cơ quan quản lý có cơ sở giám sát thực hiện. 

 

Ông Hỷ nói: Trên cơ sở đó, các địa phương cũng có điều kiện để quản lý, có nhận diện thương hiệu thì ngành chức năng cũng dễ quản lý, bản thân người có nhận diện đó phải tự ý thức tác phong, ngôn phong phù hợp khi phục vụ khách.

Loại hình vận tải này cần được nhận diện để hành khách nhận biết và cơ quan quản lý có cơ sở giám sát thực hiện. 

Đồng tình quan điểm này, TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, hiện chúng ta có khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý dịch vụ taxi truyền thống, thì taxi công nghệ cũng cần quản lý về nhận diện thương hiệu, có thể đơn giản hoá mào, logo nhưng phải có để hành khách và cơ quan chức năng nhận diện. TS Từ Sỹ Sùa cho biết:

 

Taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. Theo tôi, cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động nh bạch công khai.

Dẫn kinh nghiệm quản lý loại hình vận tải này ở một số nước, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương cho biết, ở Indonesia không cấm ứng dụng đặt xe qua phần mềm, nhưng họ đặt ra 4 điều kiện tùy theo địa bàn, gồm: giới hạn về phương tiện, số lượng phương tiện đăng ký, mức giá tối thiểu và tối đa mức giá.

Tùy địa bàn, khu vực mà áp dụng chứ không phải cấm hoàn toàn. Ông Vinh cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là những công nghệ đã làm biến đổi thị trường, phá vỡ thị trường cũ. Vì vậy, Việt Nam nên dựa trên những rủi ro mà nó có thể đem lại để điều chỉnh cho phù hợp, nhất là có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước.

Ông Vinh nói: Ở Singapore, họ đề ra luật về người cung cấp dịch vụ đặt xe bên thứ 3, tức là hành khách không phải đặt trực tiếp những người có xe mà ông đặt thông qua bên thứ 3 và bên thứ 3 phải đảm bảo các quy định về an toàn, bảo hiểm đối với hành khách thay cho những người có xe. Chúng ta có thể tham khảo để xây dựng Nghị định 86 sắp tới.

 

Được biết, hiện dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đã là dự thảo lần 4 và đang được Bộ GTVT gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục đóng góp để góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển vận tải theo hướng đảm bảo quyền lợi các bên, từ khách hàng, người lao động đến nhà quản lý.

>>>Lái xe Uber, Grab có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?