Văn hóa xin lỗi, dám chịu trách nhiệm khi xảy ra va chạm giao thông

VOVGT - Hiện nay, tình trạng cãi vã, chửi bậy, thậm chí xô xát, nói chuyện với nhau bằng nắm đấm đang ngày một phổ biến trong các sự cố va quệt giao thông

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Dù ngay tại Thủ đô Hà Nội, nét văn hóa, ứng xử tối thiểu như lời xin lỗi, tiếng cảm ơn của người tham gia giao thông dành cho nhau vẫn là một thứ xa xỉ.

Không phải ngẫu nhiên mà kết quả một cuộc khảo sát mới đây chỉ ra, 90% số vụ TNGT xuất phát từ ý thức kém của người điều khiển phương tiện. Ý thức kém sẽ dẫn đến sự thiếu nhường nhịn và tôn trọng nhau, dần hình thành nên nếp nghĩ “Tôi luôn đúng, còn anh thì sai”.

Văn hóa xin lỗi, ứng xử khi có va chạm giao thông là thứ mà nhiều người vẫn còn thiếu. Ảnh nh họa: Tuổi trẻ Online

Anh Văn Tiến, lái xe taxi Thành Lợi cho biết, cách đây vài ngày, xe anh gặp phải một sự cố va quệt trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Tp.Hà Nội. Điều đáng nói là tình huống đó, chiếc xe máy vượt đèn đỏ đâm vào xe anh đã bỏ chạy, để lại một vết lõm to trên cánh cửa xe. Anh Tiến chỉ biết thở dài ngao ngán cho thứ văn hóa đi đường của người lái xe máy kia.

 

“Xe tôi mới hai, ba hôm nay thôi, ở trên đường Nguyễn Chí Thanh. Người ta vượt đèn đỏ đâm vào xe tôi. Đáng lẽ, tôi phải bắt đền người ta, vì vết lõm ở cánh cửa, nhưng xe tôi có bảo hiểm nên thôi, vì còn để cho đường thoáng, không ách tắc giao thông. Nhưng có cái rất bực mình là người đi xe máy hay vượt đèn đỏ lắm”.

Thực tế, tâm lý chạy trốn khỏi hiện trường sự cố giao thông rất phổ biến. Trong các bản tin của Kênh VOV Giao thông, trung bình cứ vài ngày lại có một vụ tai nạn xảy ra mà chủ phương tiện “bỏ cả xe lẫn hàng” để… trốn. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên đoạn video clip như phim hành động khi người dân truy đuổi một tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy hồi tháng 8 vừa qua. Trên đường chạy, người này còn điều khiên ô tô liên tục tạt đầu, đánh võng nhiều phương tiện khác, gây ra một số va chạm.

Sự nóng nảy, thiếu kiềm chế, không biết gạt bớt cái tôi đi, và trên hết là ý thức, văn hóa tham gia giao thông chưa cao đã dẫn đến nhiều hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật. Điển hình như vào tháng 6 năm nay, hình ảnh 2 nam thanh niên lao vào hành hung một người đàn ông nước ngoài và người phụ nữ đi cùng trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng gây ra sự bất bình trong dư luận. Mặc dù người dân đã cố can ngăn, song hai thanh niên vẫn liên tục đấm, đá vào mặt người đàn ông ngoại quốc, còn dùng tới cả mũ bảo hiểm và gạch đá. Nguyên nhân chỉ là một va quệt nhỏ trên đường - mà phần sai do một trong hai thanh niên trên gây ra.

Đề cập đến văn hóa nói lời xin lỗi và ý thức dám chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân trong các sự cố, va chạm giao thông, nhiều thính giả chia sẻ:

 

Mình cứ ở lại giải quyết thôi, chứ bây giờ bỏ chạy, camera ghi hình lại, tội còn nặng hơn. Nó tùy vào từng tài xế đấy, gây ra tai nạn thì mình đối diện với thực tế, với điều mình gây ra, không việc gì phải sợ cả.

Ai sai ai đúng thì cứ phân tích và có thể thương lượng với nhau được. Xô xát không giải quyết vấ đề gì mà nó càng làm cho sự việc nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ, anh em lái xe phải tuân thủ luật pháp, luật giao thông, từ đó mới biết được đúng sai, chứ không phải phân tích bằng nắm đấm.

Nếu mình là người gây ra, xô vào người ta, thì việc trước tiên phải xem hiện trường xem trường hợp có nặng không. Tất nhiên là mình phải xuống mình giải quyết. Và phải giải quyết từ hai bên chứ không thể một bên. Chứ mình sai thì mình phải xin lỗi người ta rồi”.

“Lời nói chẳng mất tiền mua, tiếc gì một câu xin lỗi để xử lý mọi việc cho êm thấm và hòa nhã?” Đó là gợi ý của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trong cách ứng xử của các tài xế khi không may xảy ra tai nạn, sự cố. Ông Bùi Danh Liên khuyến cáo đến các Hội viên thuộc hiệp hội vận tải Hà Nội:

 

“Va chạm rất khó lường trước được vấn đề. Cho nên, tâm lý của người điều khiển phương tiện là hết sức bình tĩnh, cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng. Khi xảy ra tai nạn, cần có trách nhiệm giải quyết hậu quả, tuân thủ quy định pháp luật, làm thế nào để nhanh chóng giải phóng tai nạn, làm rõ trách nhiệm mọi phía và tự chịu trách nhiệm với những sơ suất bản thân gây ra”.

Cần kiềm chế, bình tĩnh xử lý khi có va chạm giao thông xảy ra. Ảnh: Blog Giao thông

Xung quanh câu chuyện về văn hóa xin lỗi và dám chịu trách nhiệm khi gặp sự cố giao thông, phóng viên chương trình đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án Văn hóa giao thông. Mời quý vị cùng nghe.

 

Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết nguyên nhân của tình trạng xảy ra cãi vã, xô xát chỉ sau một tình huống va quệt nhẹ trên đường?

GS. Hoàng Chương: Sở dĩ bây giờ xảy ra nhiều vụ việc thường ngày như: Không xin lỗi, nhận lỗi, không đền bù mà bỏ chạy, thậm chí chống lại người thi hành công vụ là do chúng ta chưa giáo dục đầy đủ pháp luật cho người tham gia giao thông, đó là một thực trạng rất đáng buồn ở nước ta, người ta coi thường pháp luật.

Phóng viên: Vậy trong dự án Văn hóa giao thông, ông và các cộng sự có đề cập đến vấn đề này?

GS. Hoàng Chương: Dự án của chúng tôi thực hiện nhiều lắm, bao trùm tất cả vấn đề về luật lệ, đi đứng, về quan hệ ứng xử, đặc biệt là văn hóa xin lỗi. Chúng tôi phát động đến các nhà báo, đài phát thanh, truyền hình, báo chí, vận động sáng tác thơ, ca, hò vè, nhạc, họa về văn hóa xin lỗi. Nhưng sự chuyển biến rất chậm. Thực tế, điều này trước đây không có, chưa đặt ra. Còn hiện nay, xe cộ nhiều lên, va chạm nhiều lên, thì vấn đề tuyên truyền văn hóa ứng xử cần rất thường xuyên.

Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường?

GS. Hoàng Chương: Việc bỏ chạy là hành vi vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông. Khi anh sai rồi, anh lại sợ cảnh sát bắt, thế này thế khác. Không có lý do để biện nh cho hành vi này. Sai nhỏ nên xin lỗi, sai lớn thì nhận trách nhiệm và đền bù. Tất cả cái đó, các nước phát triển họ đều xử lý rất nhẹ nhàng, không xảy ra việc gì cả.

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để hạn chế tình trạng thiếu văn hóa hành xử trong các sự cố giao thông?

GS. Hoàng Chương: Thì cũng như một gia đình, người cha, người mẹ không nghiêm thì con cũng sai trong gia đình, từ cái lớn đến cái nhỏ. Như đi ra đường là phải học pháp luật, còn giờ chúng ta giáo dục chưa tới nơi tới chốn, một là họ không nắm được luật, hai là họ không thực thi nghiêm túc, người ta gọi là nhờn luật. Do đó, chúng ta phải tuyên truyền việc này thường xuyên và mọi lúc, mọi nơi. Mà báo chí là công cụ tuyên truyền tốt nhất. Đài phát thanh, truyền hình nói nhiều, nói liên tục, còn nói qua qua thì không được.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn giáo sư về những ý kiến với chương trình!

Gần đây, trên một mạng xã hội về ô tô xuất hiện hình ảnh hai tài xế ngồi tán gẫu với nhau bên vệ đường trong khi chờ bảo hiểm giải quyết va chạm giữa hai phương tiện. Hình ảnh rất đỗi thân thiện và văn nh này nhận được nhiều lượt chia sẻ và bình luận tích cực từ cư dân mạng. Điều đó cho thấy, người tham gia giao thông có nhiều lựa chọn trong việc giải quyết sự cố, tai nạn không mong muốn xảy ra. Và hy vọng rằng, những hình ảnh đẹp vừa nêu sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa, góp phần tạo dựng nét văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.