Văn hóa xếp hàng dịp cuối năm

VOVGT - Nếu như bản thân mỗi người dân đều có ý thức tự giác xếp hàng, nhường nhịn thì sẽ tránh được tình trạng lộn xộn, hỗn loạn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Càng vào dịp cuối năm, lượng người tham gia giao thông và sử dụng các phương tiện vận tải hành khách ngày càng tăng. Tại các nhà ga, bến xe luôn trong tình trạng đông đúc.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, tỷ lệ phương tiện cá nhân vẫn liên tục tăng, đặc biệt là ô tô. Bởi vậy, trong khi một số điểm đen về ùn tắc giao thông được giải quyết thì lại xuất hiện thêm nhiều điểm ùn tắc mới.

Xe máy, ôtô tranh nhau giành đường, gây ùn tắc giao thông

Vào giờ cao điểm, cảnh tượng dễ nhận thấy nhất là các phương tiện mạnh ai người đó đi, không đi đúng làn và thiếu sự nhường nhịn cho những người cùng tham gia giao thông. Phương tiện ô tô đi vào làn xe máy, xe máy đi vào làn ô tô, đi lên vỉa hè dành cho người đi bộ và thậm chí còn đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh.

Tình trạng này xuất hiện ở mọi tuyến đường, từ những tuyến đường có làn đường rộng cho đến những tuyến đường có làn đường hẹp. Trong khi đó, tại Tp.HCM, người dân dường như có vẻ tuân thủ việc đi đúng làn đường tốt hơn so với ở Hà Nội. Phản ánh về tình trạng này, một số ý kiến cho biết:

 

"Về ý thức của người tham gia giao thông của người Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng so với Nhật Bản và các nước khác thì chưa được tốt. Vì vẫn còn tình trạng chen lấn, xô đẩy."

"Theo tôi được biết, ở Hà Nội do đường rất chật hẹp, ai cũng muốn đi lên phía trên để vượt qua đèn đỏ nhanh nên thường thường thấy các bạn lấn sang cả làn đường bên cạnh để vượt lên trên. Việc lấn chiếm làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Việc lấn chiếm của mọi người làm cho không còn chỗ để đi. Theo mình thấy, đa phần là những người trẻ tuổi và chủ yếu là những shipper."

"Một số nhường nhịn còn một số không nhường nhịn. Đa số là xe gắn máy không nhường nhịn còn đôi khi ô tô gấp hay gì đó người ta không nhường thôi, chứ ngoài ra ô tô nhường nhịn, Xe máy vừa lấn làn vừa qua cho nó lẹ nữa. Cái thói quen đó, đúng là tùy tiện luôn. Tại vì người ta thấy lẹ là người ta đi thôi."

"Tất nhiên, các phương tiện nhỏ nhất dễ vi phạm là xe máy, người ta vượt đèn đỏ, leo lên lề. Nói chung người ta tìm mọi cách để thoát ra khỏi chỗ kẹt xe đấy. Những hành động đó rất dễ gây ra tai nạn."

Tình trạng chen lấn, không nhường nhịn những người cùng tham gia giao thông còn xảy ra cả đối với những người đi bộ. Tại nhiều nút giao thông, mặc dù người đi bộ đi đúng phần đường của mình nhưng vẫn bị không ít phương tiện lao tới, bủa vây xung quanh. Đây cũng là lí do khiến không ít du khách nước ngoài cảm thấy lo lắng khi tham gia giao thông tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, ý thức xếp hàng của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông bằng đường hàng không cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân có tâm lý nóng vội, thiếu nhường nhịn khi thực hiện các thủ tục hàng không. Một số cá nhân vẫn tranh thủ len lỏi, đứng vào những khoảng trống khi người đứng phía trước chưa kịp dịch chuyển trong ánh mắt ái ngại của nhiều du khách nước ngoài. Ngay cả khi máy bay chưa kịp dừng hẳn, nhiều hành khách đã vội vàng lấy hành lí đừng chờ trước ở lối đi lại để có thể ra khỏi máy bay một cách nhanh nhất.

Thói quen thiếu nhường nhịn có thể dễ nhận thấy ở các khu vực ghế chờ trong nhà ga, sân bay và trên các phương tiện xe buýt, xe khách. Mặc dù, tại các khu vực này và trên xe buýt đều có những ghế ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nhưng luôn bị chiếm dụng. Khi được nhân viên nhắc nhở, không ít người còn có hành vi, thái độ phản ứng mạnh mẽ, thậm chí sẵn sàng cãi vã để bảo vệ quyền lợi bản thân.

Phân tích về thói quen lấn làn, vượt đèn đỏ, không chịu xếp hàng của một bộ phận người tham gia giao thông, anh Hoàng Mạnh Thắng- một giáo viên đào tạo lái xe tại Hà Nội cho rằng, điều này xuất phát từ tâm lý đua chen và thói quen tùy tiện. Bởi vậy, công tác giáo dục ý thức, thói quen ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật từ nhỏ trong gia đình và nhà trường rất quan trọng. Anh Hoàng Mạnh Thắng nói:

 

Bản thân mình muốn tham gia giao thông để khẳng định mình, không thua kém bất cứ ai, mình đi nhanh, đánh võng tạt ẩu. Cái đáy trung tâm không thể giáo dục được mà đòi hỏi phải được giáo dục ngay cả trong gia đình, nhà trường từ bé. Nếu gia đình không giáo dục từ bé thì lớn lên rất khó để hướng dẫn các bạn lại từ đầu.

Càng gần dịp cuối năm, số lượng người có nhu cầu đi lại bằng các phương tiện máy bay, xe khách, tàu hỏa càng tăng. Các khu vực nhà ga, bến xe, sân bay sẽ là nơi tập trung số lượng lớn hành khách đổ về.

Trong khi đó, nhân lực phục vụ còn hạn chế, nên mỗi người dân, mỗi hành khách cần có ý thức tự giác tuân thủ theo các quy định của các cảng hàng không, các bến xe và sự hướng dẫn của các nhân viên trong việc xếp hàng mua vé, lên xe. Nếu không sẽ dễ dàng gây ra tình trạng mất trật tự, hỗn loạn, làm gia tăng thời gian chờ đợi tại các khu vực này và dễ dàng bị các đối tượng xấu lợi dụng để trộm cắp.

Bên cạnh đó, thời điểm này, để phục vụ nhu cầu về nhu yếu phẩm của người dân, số lượng các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh khác về thủ đô ngày càng tăng. Số lượng các phương tiện chở hàng cồng kềnh trong đô thị cũng gia tăng đáng kể.

Bởi vậy, khi tham gia giao thông trên đường, nếu các lái xe bình tĩnh, nhường nhịn những người cùng tham gia giao thông, không vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn tuyến có thể hạn chế các vụ va chạm, tai nạn giao thông, cũng như tránh tình trạng xung đột, gây ùn tắc giao thông.

Xây dựng thói quen nhường nhịn khi tham gia giao thông, xếp hàng khi sử dụng các tiện ích, dịch vụ của giao thông là điều cần thiết của mỗi người dân đô thị.

Bởi điều đó thể hiện ý thức tự giác chấp hành pháp luật và là nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân thủ đô. Để làm được điều này, theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, mỗi người dân cần tự tính toán khoảng cách đi lại để bố trí, sắp xếp thời gian đi lại phù hợp:

 

“Chúng ta cần nâng cao văn hóa nhường nhịn, không tranh thủ khi vắng bóng lực lượng chức năng để dừng, đỗ xe trái quy định, đi lấn làn đường hay không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Trong đó lưu ý việc xác định được khoảng thời gian để di chuyển một cách hợp lý, không vì một chút vội vàng mà có thể gây ra TNGT, hay tạo ra xung đột dẫn tới ùn tắc giao thông cho cả người điều khiển phương tiện giao thông và những người khác”.

Sắp đến Tết nguyên đán. Thời điểm này, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường tăng cao. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, mỗi lái xe cần phát huy tinh thần nhường nhịn và tự giác tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông. Mỗi người dân khi sử dụng các dịch vụ, tiện ích giao thông, cũng nên tự giác xếp hàng để việc sử dụng các dịch vụ giao thông được tiện lợi, an toàn.