Ùn tắc trước cổng trường: Không chỉ là chuyện của giao thông

Những ngày đầu tiên của năm học mới 2020-2021, áp lực giao thông gia tăng mạnh tại các đô thị lớn. Tình trạng ùn tắc tại khu vực cổng trường không phải là mới, thế nhưng vì sao đến nay, ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được

Chỉ trong 3 ngày gần đây, đường dây nóng của VOVGT và fanpage VOVGT nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn thông báo về tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng xảy ra tại nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm sáng, chiều ngày thứ 2, trên một số tuyến đường  đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Hoàng Minh Giám, Võ Chí Công, đường Thụy Khuê đoạn từ trường cấp 2 Chu Văn An đến ngã 3 Văn Cao…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cổng trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam vào lúc 17h10 phút ngày 8/9. Cả đoạn đường dài khoảng 300m mật độ phương tiện đông, các phương tiện di chuyển với tốc độ chậm.

Tại khu vực này các phương tiện ô tô nối đuôi nhau cùng hàng chục xe máy dừng đỗ chiếm hơn nửa lòng đường. Một số phụ huynh đang cố len xe vào tận cổng trường để đón con: 

 

"Cứ đến giờ tan tầm là tắc, tắc thường xuyên. Buổi trưa rất là đông".

"Nhất là hôm trời mưa xe ô tô từ bên kia rẽ sang rất là tắc".

"Vì đây có nhiều xe đỗ nên tắc đường".

"Mỗi người một kiểu, người xuôi người ngược, người ngang, người dọc".

"Điểm đỗ này bất cập bởi vì cả xe máy ô tô đỗ tràn dưới lòng đường vừa ngăn cản giao thông vừa gây cản trở cho học sinh ra vào cổng trường".

Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ cũng xảy ra tại khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du, nằm trên đường 19/5 ở quận Hà Đông và các tuyến đường lân cận vào giờ tan học.

Thường xuyên có mặt tại khu vực này để phân luồng, ông Phạm Xuân Hưng, cán bộ tổ dân phố phường Văn Quán chia sẻ:

 

"Khu vực này đông dân cư, đường xương sống nhiều để vào trường Nguyễn Du. Buổi sáng chúng tôi phải thực hiện phân luồng từ 6h30 cho đến khoảng 8h khi các cháu vào học xong. Buổi chiều ra từ 4h không cho các xe dừng đỗ dưới cổng trường và các ngã tư nhắc nhở bà con cho xe lên hết vỉa hè".

Cùng chung nỗi niềm,  không ít phụ huynh, người tham gia giao thông cảm thấy “ngán ngẩm” mỗi khi phải di chuyển qua tuyến đường Nguyễn Khánh Toàn và  đường Tô Hiệu, quận Cầu Giấy vào giờ cao điểm.

Lý giải về tình trạng ùn tắc tại khu vực này, Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, công an thành phố Hà Nội, cho biết, khu vực này có tới 2 trường học nằm gần như song song nên áp lực giao thông gia tăng mạnh vào giờ cao điểm, trong khi đó, một số phụ huynh thiếu ý thức vẫn thường xuyên dừng đỗ xe dưới lòng đường. 

Nhằm giải quyết tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực này, đơn vị đã phối hợp với công an phường và chính quyền địa phương thực hiện tổ chức phân luồng giao thông: 

 

"Đội CSGT số 6 phối hợp cùng các nhà trường là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường đấy. Ngoài các lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra ra thì lực lượng công an phường đến giờ cao điểm thì cũng có cắm người nào đấy Trước hết là yêu cầu các phụ huynh đón các cháu học sinh đỗ gọn xe, đỗ xe đúng theo quy định để tránh việc gây ảnh hưởng đến hai làn đường tham gia".

Từ nhiều năm nay, khu vực cổng một số trường đại học đóng trên địa bàn quận Đống Đa và trường tiểu học Khương Thượng, tiểu học Thành Công luôn xảy ra tình trạng giao thông lộn xộn.

Trước tình hình này, UBND quận Đống Đa đã họp bàn, giao cho các cơ quan liên ngành chức năng của quận, thực hiện những biện pháp phân luồng, điều tiết giao thông.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng quản lý đô thị quận Đống Đa, về lâu dài, cần những biện pháp cải thiện hạ tầng giao thông,:

 

"Giải pháp về lâu về dài thì phải cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường mở rộng các tuyến đường, tuyến phố trong phạm vi trong quy hoạch. Các trường cũng đã có đề xuất như là sẽ tổ chức lại mạng lưới giao thông, thậm chí kể cả tổ chức các nút đèn tín hiệu giao thông để phân luồng phân tuyến các thứ để đảm bảo".

Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội những ngày gần đây có thể do nhiều yếu tố cộng hưởng, trời mưa lớn trong ngày đầu tiên học sinh quay trở lại trường học khiến lượng phương tiện ô tô cá nhân tăng mạnh, cùng thời điểm đó là tại Hà Nội diễn ra Đại hội đồng liên nghị viện Asean…

TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường học và các tuyến đường lân cận vẫn cứ lặp lại sau khi học sinh kết thúc kỳ nghỉ hè là điều rất đáng được quan tâm.

Bởi nó không chỉ khiến cho tình hình giao thông của thành phố trở nên lộn xộn mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của các em học sinh và phụ huynh.

Bởi vậy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận những khu vực cổng trường như những điểm ùn tắc và cần có những giải pháp vĩ mô và vi mô để giải quyết tận gốc:

 

"Trong khi xem xét những giải pháp vĩ mô thì cần những giải pháp cấp bách, cần thiết hiện nay khi xác định khu vực cổng trường thường xuyên ùn tắc thì phải có sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để làm sao xây dựng một phương án tổ chức giao thông hợp lý đối với từng vị trí. Có thể xem xét mở thêm những cổng phụ để đón học sinh. Mở rộng không gian đón trả , thay vì tập trung ở khu vực cổng trường".

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các cơ quan thiết kế giao thông đô thị,  phối hợp với các trường nghiên cứu, bố trí các khu vực điểm đỗ, dừng đón học sinh các tuyến đường lân cận để giảm bớt áp lực cho khu vực cổng trường. 

Ùn tắc tại các cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội (Ảnh: LĐTĐ)

Ùn tắc giao thông tại các khu vực cổng trường học không chỉ khiến cho học sinh căng thẳng, cha mẹ học sinh muộn giờ làm, tình hình giao thông lộn xộn mà còn gây thiệt lại lớn về kinh tế cho xã hội.

Bởi vậy, điều đó cần được nhìn nhận như là một vấn đề xã hội, cần sự tham gia của các cấp, các ngành, chứ không chỉ là của mỗi các nhà trường hay của phụ huynh học sinh.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: "Ùn tắc trước cổng trường: Không chỉ là chuyện của giao thông"

 

Mỗi dịp học sinh nhập trường, ùn tắc giao thông tại các khu vực cổng trường học nhiều năm nay đã trở thành một vấn đề nan giải của Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác. 

Có những ý kiến cho rằng, do những ngày đầu nhập học cũng trùng với thời điểm Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như:

Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 41, Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án tại xã Đồng Tâm…. khiến các lực lượng chức năng phải tham gia phân luồng, điều tiết giao thông, dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cổng trường chưa được giải tỏa kịp thời.

Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, nhất là chính quyền phường, quận, tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học đã phần nào giảm bớt. 

Tuy vậy, tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học vốn dĩ và luôn là điểm nóng mỗi ngày, nhất là vào các giờ tan học và vào những ngày mưa gió, tình hình càng nghiêm trọng hơn.

Hàng loạt giải pháp đã được các cơ quan chức năng và nhà trường triển khai, từ việc đổi giờ học, giờ làm, mở thêm cổng để tăng khả năng lưu thoát, bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa… Một số trường trung học phổ thông tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm...

Tuy vậy, hiệu quả của những giải pháp này còn rất hạn chế. Đó là chưa kể, việc duy trì lực lượng chức năng tham gia phân luồng, điều tiết giao thông tại khắp các cổng trường là điều khó thực hiện.

Ùn tắc tại các cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội. Tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến đã khiến cho quãng đường di chuyển từ nhà đến trường trở nên quá xa. Giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách trực tiếp đưa - đón con em đến trường bằng phương tiện cá nhân.

Xe buýt học đường dù đã có nhưng chủ yếu do các trường ngoài công lập triển khai nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ.

Để có “lối thoát” cho ùn tắc tại cổng trường, một trong những giải pháp quan trọng là buộc phải hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường an toàn với mức chi phí phù hợp mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động vào những khung giờ nhất định nhằm tránh ùn tắc.

Khi xe buýt học đường hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần giảm đáng kể số lượng chuyến đi không cần thiết của các bậc phụ huynh. Khi đó, giải pháp bố trí lệch giờ làm của người lớn với giờ học của học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.

Với những trường học nằm sát đường giao thông, quốc lộ, không có khu vực đủ rộng để phụ huynh dừng đỗ, các trường có thể cho phép phụ huynh dắt phương tiện vào sân trường chờ đón con, phân công người giữ trật tự trước cổng và trong sân trường.

Khi đó, cùng với việc học sinh ra về lệch giờ việc đưa đón học sinh sẽ thuận tiện và dễ dàng. Nếu phụ huynh đón con bằng ô tô, phải đỗ xe ở khoảng cách nhất định để tránh tình trạng dừng xe trước cổng trường.

Về lâu dài tiếp tục quy hoạch đô thị với mật độ dân cư thấp hơn và mật độ trường học cao hơn. Việc quy hoạch đô thị cũng cần chú trọng xây dựng trường học trong khu dân cư, để người dân không phải loay hoay tìm trường cho con khi đô thị thiếu trường học, nhất là trường tiểu học và trung học phổ thông. Đồng thời nâng cao sự đồng đều về chất lượng để tránh những chuyến đi quá xa, trái tuyến không cần thiết.

Khi những giải pháp này được thực hiện đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường mới có thể được cải thiện, giúp mỗi ngày đi học của các học sinh là một ngày vui.