Ùn tắc cảng biển khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó xuất khẩu dịp cuối năm

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Trong đó phải kể đến việc tắc nghẽn tuyến vận tải Âu Mỹ, kết hợp với tình trạng thiếu container khiến nhiều do

Các tàu chở hàng chờ tháo dỡ bên ngoài cảng Long Beach. Ảnh: Mario Tama/Getty Images
 

Tại Mỹ vẫn đang chứng kiến tình trạng tắc nghẽn tại hầu hết các cảng biển lớn. Tại các cửa ngõ nhập khẩu lớn như cảng Los Angeles và cảng Long Beach tại bang California, dù đã hoạt động 24/7 nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Ghi nhận vào đầu tháng 12, ngoài khơi biển Nam California có khoảng 100 tàu hàng đang chờ. Và số lượng container bị tắc nghẽn, nếu được xếp thành 1 hàng thì sẽ dài bằng khoảng cách từ Los Angeles tới Chicago (khoảng 3200 km) đó là chưa tính tới những container đã được dỡ và chờ được vận chuyển ra khỏi cảng.

Ông Carl Dahlberg, Phó giám đốc công ty vận tải Newegg Logistic chia sẻ: “Khi xảy ra tình trạng cảng biển tắc nghẽn, một lẽ đương nhiên là việc bốc dỡ, vận chuyện các kiện hàng sẽ chậm hơn vì phải chờ đợi lâu. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bị chậm thời gian giao hàng, tốn thêm chi phí. Và khoản đó sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng”.

Lãnh đạo các hãng vận tải biển dự báo tình trạng tắc nghẽn ở các cảng này sẽ chưa hạ nhiệt cho đến sớm nhất là tháng 2/2022. Thông tin tại Hội thảo “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu-châu Mỹ” ngày 17/12, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết: Nếu như trước tháng 11/2020, tàu đi khu vực Âu – Mỹ cao nhất là 3.000 USD/ containner; thì nay tới Mỹ từ 13.000 - 17.000 USD/ container; tới châu Âu từ từ 12.000 – 14.000 USD/ container.

Trong khi đó, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển đã tác động trực tiếp đến chi phí và ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, việc tắc nghẽn và tăng chi phí vận chuyển làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhóm mặt hàng có tính thời vụ như may mặc, giày dép, nông sản, điện tử, tiêu dùng..., vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt. Nhóm hàng này đóng góp tới 32,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, với trị giá gần 25 tỷ USD trong 10 tháng năm 2021.

Ông Bùi Huy Sơn chia sẻ tình trạng hiện tại ở Mỹ: “Sự tắc nghẽn ở đây không chỉ diễn ra trong lĩnh vực hàng hải, tại các cảng lớn mà còn lan ra cả các kênh vận chuyển đường bộ. Chúng ta đều biết xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra Hoa Kỳ, ngoài những nhóm hàng lớn thì còn rất nhiều nhóm hàng khác trước sự gia tăng của thương mại điện tử. Tắc nghẽn ở những khâu sau cảng cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc xuất khẩu của chúng ta, khiến chúng ta rất bị động trong khâu tiếp cận thị trường, đặc biệt là với các mặt hàng thời vụ”.

Tắc nghẽn khâu sau cảng càng khiến tình hình ùn tắc cảng biển tại Mỹ trở nên nghiêm trọng. Ảnh: Georgia Ports Authority / Jeremy Polston

Đúng theo như ông Bùi Huy Sơn, hiện tại Mỹ, không chỉ các cảng biển mà các tuyến vận tải đường bộ, các khâu sau cảng cũng đang gặp nhiều vấn đề. Một trong số đó là thiếu hụt nguồn lao động. Các cảng biển không chỉ cần nhân lực tay nghề cao vận hành máy móc trong cảng, mà còn cần một lượng lớn tài xế xe tải để chở container. 

Theo Insinder News, Mỹ đang thiếu khoảng 80 nghìn tài xế. Bởi, tắc nghẽn cảng biển hiện khiến xe tải có thể phải chờ tới 8 tiếng đồng hồ để xe của họ có thể nhận container hàng. Và điều trớ trêu là, nhóm lao động này không được chi trả tiền lương theo giờ, họ được chi trả theo mỗi container vận chuyển được. Thậm chí, khi đã nhận container rồi cũng chưa chắc đã kiếm được tiền bởi các nhà kho đã đầy và từ chối tiếp nhận thêm hàng hóa. Anh Gustavo, một tài xế chia sẻ: “Chúng tôi làm việc vất vả nhưng gần như không được hưởng chút lợi ích nào. Và cũng như nhiều người khác, tôi đang tìm cho mình một công việc khác có thu nhập cao hơn”.

Trong nỗ lực tìm cách giải quyết tình trạng ùn tắc, không chỉ cho các cảng hoạt động tối đa công suất 24/7, một số cảng lớn còn quyết định áp dụng hình phạt lên các doanh nghiệp vận tải nếu để container hàng của mình ùn ứ tại cảng. Có hiệu lực từ 25/10, các hãng vận tải có tối đa 9 ngày để vận chuyển hàng bằng xe tải, và 6 ngày bằng đường sắt. Với mỗi ngày quá hạn, doanh nghiệp sẽ bị phạt 100 đô-la Mỹ cho mỗi container hàng bị kẹt tại cảng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đã lên tiếng phản đối, cho rằng việc này sẽ không cải thiện tình hình mà chỉ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, do đó quy định vừa nêu đã phải hủy bỏ.

Dù vậy, không thể bỏ qua sự thật rằng, tuyến vận tải Mỹ vẫn đang ùn tắc, và nhiều người có thể sẽ không có quà Giáng Sinh. Ông David Zheng, giám đốc 1 dịch vụ đầu tư chia sẻ: “Một khách hàng chia sẻ với tôi rằng, họ có kiện hàng vốn đáng lẽ sẽ tới Mỹ vào tháng 11 rồi để chuẩn bị cho Black Friday. Nhưng kiện hàng đã bị kẹt lại, được thông báo là lùi tới tháng 12, rồi lại tới cuối tháng 12, thậm chí là tháng 1 năm sau”.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: Ở góc độ  logistics thì doanh nghiệp đang phải đối mặt với 5T: Cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển biển tăng, booking (hay còn còn gọi đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, số ngày bị hoãn tăng… Chưa kể đến các loại phí khác như phí cân bằng container, phí vệ sinh, phí kẹt cảng cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến sản phẩm của Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh.