Ức chế tâm lý, tài xế gây tai nạn kinh hoàng

Thực tế, không ít vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân do tài xế bị kích động tâm lý, cố tình chạy xe ẩu dẫn đến những hậu quả hết sức thương tâm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiện trường vụ lật xe khiến 19 người thiệt mạng, 67 người bị thương - Ảnh Edward Wong

Khi tòa án Hong Kong (Trung Quốc) ngày 7/7/2020, tuyên mức phạt 14 năm tù giam và cấm lái xe suốt đời đối với Chan Ho-ng, nhiều gia đình nạn nhân bên dưới vẫn gào khóc.

“19 mạng người. Thậm chí mỗi năm tù cho một cuộc sống bị mất đi vẫn là chưa đủ”, anh Chiu, người mất cha trong vụ tai nạn thảm khốc nói trong tiếng khóc.

Theo hồ sơ của cảnh sát, 6h11’ chiều ngày 10/2/2018, Chan Ho-ng, 32 tuổi, lái xe buýt 2 tầng chở 86 hành khách từ  khu vực Trường đua Sha Tin đến Trung tâm Tai Po. Sau 9 phút di chuyển, chiếc xe đột ngột đâm vào hàng loạt biển báo, rồi húc sập một trạm dừng bên đường. Lái xe Chan chỉ bị thương nhẹ ở tay, nhưng vụ tai nạn khiến 18 người tử vong tại chỗ, 1 người chết trong bệnh viện và 67 người khác bị thương.  

Điều tra cho thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ việc chiếc xe buýt đến điểm đón trễ 10 phút so với kế hoạch. Một vài hành khách phải chờ đợi lâu đã trách mắng tài xế.

Chan Ho-ng sau đó điều khiển xe với thái độ bực tức, cố tình chạy ở tốc độ 80-100 km/h, trong khi vận tốc tối đa cho phép là 70 km/h. Tài xế này thậm chí không sử dụng phanh ở những đoạn xuống dốc hay vào cua.

Anh Tsui, người may mắn sống sót trong vụ tai nạn nhớ lại: “Tôi phải giữ chặt tay nắm trên xe. Chỉ cần buông tay chắc chắn sẽ bị ngã xuống sàn và chấn thương”

Theo dữ liệu thu được từ hộp đen xe buýt, Chan đột ngột tăng vận tốc xe chỉ 6 giây sau khi ngồi vào ghế lái.

Còn căn cứ đường vòng cung vết trượt bánh xe tại hiện trường, có chiều dài lên đến 100m, kỹ sư Lo Kok-keung chuyên gia điều tra các vụ tai nạn giao thông ước tính, xe buýt có thể đã vào đoạn cua dốc với tốc độ gần 70 km/h. Trong khi vận tốc an toàn khi vào các ngã rẽ chỉ ở mức 40-50 km/h. Đây là nguyên nhân khiến chiếc xe bị trật khỏi đường, lật ngang sau đó bốc cháy.

Điều tra của cảnh sát cũng tiết lộ, Chan Ho-ng còn phớt lờ cảnh báo từ một thiết bị trên xe. Tín hiệu này phát ra mỗi khi hộp đen phát hiện tài xế điều khiển phương tiện không đúng cách.

Bà Susana Remedios, thẩm phán phiên tòa nhận định: “Anh ta sử dụng chiếc xe như một thứ vũ khí để chống lại hành khách của mình. Điều này khiến cuộc sống của nhiều nạn nhân và gia đình họ thay đổi mãi mãi”.

Theo báo cáo của các công tố viên, nhiều người sống sót sau vụ tai nạn vẫn đang phải đối mặt với những cơn ác mộng kéo dài cũng như nỗi ám ảnh với xe buýt.

Nói lời cuối cùng trước tòa, Chan thừa nhận việc lái xe cẩu thả cùng hành động bột phát của mình gây tai nạn nghiêm trọng khiến nhiều người chịu đau khổ. Tài xế 32 tuổi cho biết, vô cùng ân hận, đồng thời cầu xin gia đình các nạn nhân tha thứ và sự khoan hồng của pháp luật.

 

Tuy nhiên, khi vụ việc của han Ho-ng chưa kịp lắng xuống, ngày 7/7/2020 vừa qua, dư luận Trung Quốc tiếp tục bàng hoàng với trường hợp tài xế họ Zhang, 52 tuổi, cố tình lao xe xuống hồ ở thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu (xem clip bên trên).

Vụ tai nạn làm 21 người chết và 15 người bị thương. Nguyên nhân sau đó được xác định, do Zhang bất bình với chính quyền địa phương vì ngôi nhà đang ở bị giải tỏa, nên gây ra vụ lao xe để “trả thù xã hội”.

Trước thực trạng nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xuất phát từ phản ứng tiêu cực của tài xế, nhiều người cho rằng cần có cơ chế giám sát sức khỏe tâm lý lái xe để ngăn ngừa những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Theo một nghiên cứu, những lái xe dễ cáu giận có nguy cơ gặp tai nạn, thường là đâm vào xe khác hoặc lao qua vạch phân cách, cao gấp 2 lần người khác. Thống kê cũng chỉ ra, trong số các vụ tai nạn giao thông, gần 50% xuất phát từ nguyên nhân nóng vội hay cáu giận của tài xế.

Anh Đỗ Hoàng Cường, một tài xế xe khách lâu năm chia sẻ: “Nhiều lúc căng thẳng hay mệt mỏi mà gặp các trường hợp bị lái xe khác trêu tức hay cố tình không cho vượt thì cũng rất ức chế. Lúc đó, nếu mình nóng nảy hay bị kích động thì tai nạn rất dễ xảy ra. Theo mình gặp những trường hợp này thì tốt nhất nên tự kiềm chế bản thân”. 

Khi tham gia giao thông, rất nhiều yếu tố có thể tạo ra sự căng thẳng như mật độ phương tiện cao trong giờ cao điểm, những chiếc xe máy cố tình chen lấn bịt kín làn đối diện, khiến giao thông ùn tắc.

Trong khi đó, những ô tô phía sau liên tục bấm còi inh ỏi. Tuy nhiên, hãy là người lái xe thông thái để luôn có cách xử lí khôn khéo. Văn hóa không chỉ là cách bạn nói năng mà còn biểu hiện trong ứng xử khi bạn lái xe trên đường.