Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2021: Chặt chẽ, thận trọng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Hơn 50 trường ĐH, CĐ cho phép sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm tiêu chí ưu tiên xét tuyển. Phương thức này mở ra nhiều cơ hội cho học sinh nhưng không ít ý kiến băn khoăn với việc kiểm tra tính xác thực của những chứng chỉ này.

Các trường ĐH bổ sung thêm phương thức tuyển sinh dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một bước tiến lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, dần tiệm cận với chất lượng giáo dục quốc tế (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong đề án tuyển sinh năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Bách khoa, Đại học Ngoại thương, Ngoại giao, Học viện Tài chính cùng nhiều trường khác đều sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, TOEFL iBT... hoặc quy đổi sang điểm ngoại ngữ kết hợp với học bạ cấp 3, điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào đại học.

Một số học sinh cho rằng:

 

"Nếu mà mình đạt điểm IELTS, TOEFL đấy thì sẽ đỡ hơn là phải thi tiếng Anh lúc đi thi đại học mình sẽ có dành nhiều thời gian ôn các môn học thi ĐH khác".

"Con nghĩ đấy cũng là một cách để cho bọn con có thêm cơ hội để vào trường đại học. Có thể nhiều bạn không học giỏi các môn tự nhiên, hay xã hội nhưng các bạn có khả năng tiếng Anh thì cũng là một cơ hội rộng mở cho các bạn".

"Con thấy là, bây giờ việc xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ thì rất là thuận lợi cho các bạn để vào được trường đại học mong muốn. Các bạn đã dành một khoảng thời gian để học tập và cố gắng đạt được bằng đó thì việc xét tuyển như vậy rất là công bằng với các bạn".

"Khi vào đại học thì cháu sẽ học được học ở trong những lớp mà nó phù hợp với trình độ tiếng Anh của mình hiện tại để không cảm thấy nhàm chán hay là trình độ bị giảm sút đi".

Bà Hoàng Thị Hường, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học Hoàng gia đánh giá, các trường ĐH bổ sung thêm phương thức tuyển sinh dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một bước tiến lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, dần tiệm cận với chất lượng giáo dục quốc tế:

 

"Mình nghĩ đó là điều kiện rất tốt, phù hợp với xu hướng chung chuẩn hóa các chương trình quốc tế, nó là điều kiện đầu vào hiện các trường ĐH quốc tế đang tuyển sinh đầu vào bên cạnh các chứng chỉ hàn lâm khác như học bạ hay bảng điểm".

GS TSKH Nguyễn Đình Đức,Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc coi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là tiêu chí ưu tiên xét tuyển ĐH không chỉ là động lực thúc đẩy học sinh tại các trường THPT học tiếng Anh, mà còn giúp các em có thêm công cụ thiết thực để hội nhập với quốc tế trong cả quá trình đi học và làm việc sau này.

Mặt khác, với hơn 40 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh của ĐH Quốc gia, phương thức tuyển sinh này rất cần thiết để các em có thể tham gia học tập cũng như để ĐH Quốc gia Hà Nội thu hút sinh viên quốc tế:

 

"Chúng ta tăng chương trình đào tạo tiếng Anh thì chúng ta mới tăng cường hội nhập quốc tế và mới thu hút được sinh viên quốc tế đến học tập. Trên thực tế, nhờ có chương trình đào tạo tiếng Anh như vậy, tỷ lệ sinh viên quốc tế đến ĐHQGHN ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nhờ đó đẩy mạnh được xếp hạng của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng của khu vực quốc tế".

Học viện Tài chính là một trong những trường đầu tiên đề xuất Bộ Giáo dục và đào tạo đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên để xét tuyển sinh viên vào trường, cùng với học bạ 3 năm học sinh giỏi.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện tài chính cho biết, phương thức tuyển sinh này giúp trường đa dạng hóa và cân bằng lượng sinh viên ở các khối khác nhau và giữa các khu vực nông thôn và thành thị.

Qua 6 năm triển khai thực hiện, số lượng học sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã tăng lên từ 400 đến 3.000 hồ sơ năm 2020, và trong số đó có 500 học sinh nhập học. 

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để làm tiêu chí xét tuyển đại học vào 2 ngành ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý, song theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, để lựa chọn được học sinh có năng lực phù hợp với các ngành học của trường Bách khoa, nhà trường kết hợp thêm các điều kiện khác:

 

"Toàn bộ các em có IELTS đều phỉ nộp các nh chứng chỉ đó về trường, trường thông qua các tổ chức quốc tế để kiểm tra tính xác thực. Ví dụ IELTS gửi sang Trung tâm ngôn ngữ của trường, họ sẽ có biện pháp để xác thực chứng chỉ đó".

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về phương thức xét tuyển ĐH thông qua chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể làm giảm cơ hội của các thí sinh ở khu vực ngoại thành, nông thôn, nhiều trường ĐH khẳng định đã khống chế tỷ lệ xét tuyển dựa trên phương thức này ở mức dưới 30%.

Đơn cử như chỉ tiêu tuyển sinh bằng tiêu chí này của trường ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng 20%, trong khi số liệu của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nộp hồ sơ chỉ chiếm 10-12%, nhưng con số nhập học chỉ vào khoảng 5%. 

Để kiểm soát chất lượng và tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Học viện Tài Chính đã được Hội Đồng Anh và IDP 2 đơn vị đứng ra tổ chức thi chứng chỉ IELTS cung cấp tài khoản để nhà trường kiểm tra thời hạn, tính chính xác của các văn bằng này.

Trong khi, ĐH Quốc gia Hà Nội buộc thôi học nếu phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng giả và xem xét, đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp giấy chứng nhận ngoại ngữ quá hạn.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM, để đảm bảo thuận lợi trong việc kiểm tra tính xác thực của chứng chỉ ngoại ngữ, cần có sự liên kết phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thi ngoại ngữ với các trường ĐH, thông qua việc gửi trực tiếp các chứng chỉ đó về các trường hoặc chia sẻ dữ liệu với các trường ĐH để các trường có thể kiểm soát online nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh. 

Ngoại ngữ là một môn học và là một phương tiện giúp các em có thể tiếp cận các nguồn tài liệu quốc tế vô cùng phong phú trong quá trình học tập, nghiên cứu và có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế

Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh ĐH mở ra nhiều cơ hội cho học sinh bước vào cánh cổng đại học, nhưng để tốt nghiệp đại học, đòi hỏi học sinh cần phải nỗ lực trong cả quá trình học tập tại trường. Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đừng biến thành “lá bùa hộ mệnh"

 

Mùa tuyển sinh năm nay, hơn 50 trường đại học trên cả nước sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT… ) làm tiêu chí ưu tiên xét tuyển ĐH, trong đó có nhiều trường đại học lớn, một số trường khác còn sử dụng chứng chỉ quốc tế khác như SAT, A Level, ACT…

Đây là một xu hướng tuyển sinh lành mạnh, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cách làm này không chỉ giúp các trường ĐH đa dạng hóa phương thức xét tuyển, phát triển những khối ngành có liên kết với các trường ĐH nước ngoài, mà còn giúp các trường có thể cân bằng số lượng học sinh giỏi ở nhiều khối ngành khác nhau. 

Phương thức tuyển sinh này cũng mở rộng rộng cơ hội cho các thí sinh học tốt môn tiếng Anh vào đại học, thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ cho học sinh và giúp tiết kiệm nguồn lực cho gia đình, xã hội trong việc đầu tư vào dạy và học ngoại ngữ.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là điều kiện “cần”, không phải là điều kiện “đủ” cho mỗi học sinh bước chân vào đại học. Và việc giám sát tính xác thực của những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng và nh bạch cho tất cả học sinh.

Là bởi, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn được sử dụng làm căn cứ để ễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia, do vậy, Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương cần chuẩn bị về nhân lực, phương tiện và có sự phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, có những giải pháp kiểm tra tính xác thực của văn bằng tránh tình trạng nhầm lẫn, sai sót. 

Với xu hướng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm căn cứ xét tuyển ĐH được nhiều quốc gia đang áp dụng và ngày càng có nhiều học sinh có chứng chỉ tiếng anh quốc tế, ngành giáo dục cũng cần nghiên cứu và đề xuất các quy định, cơ chế phối hợp với các đơn vị tổ chức, cấp chứng chỉ ngoại ngữ để làm sao việc kiểm tra được thuận lợi, dễ dàng, không mất nhiều thời gian và tiết kiệm chi phí.

Về phía các trường Đại học cần tính toán và cân đối chỉ tiêu tuyển sinh ĐH sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với các phương thức tuyển sinh khác, đồng thời có chiến lược, xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp với năng lực đầu vào của học sinh sao cho vẫn có thể tạo động lực cho các em tiếp tục duy trì và phát huy khả năng vốn có, vừa tiết kiệm nguồn lực.

Đối với học sinh, dù chứng chỉ ngoại ngữ có thể giúp các em được quyền “ưu tiên” khi xét tuyển đại học nhưng mới chỉ là tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ ở một thời điểm nhất định, là “điểm cộng” cho bước khởi động của cả một hành trình dài đòi hỏi nỗ lực bền bỉ.

Ngoại ngữ là một môn học và là một phương tiện giúp các em có thể tiếp cận các nguồn tài liệu quốc tế vô cùng phong phú trong quá trình học tập, nghiên cứu và có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế.

Phương thức xét tuyển đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giúp nâng cao chất lượng sinh viên đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục các trường, tiệm cận dần với tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế. Nhưng phải khẳng định, đó không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH chuyên ngành, càng không phải “lá bùa hộ mệnh” cho các em bước vào cánh cổng ĐH.