Tuyến đường đẹp nhất Thủ đô, nhưng nguy hiểm cho người đi bộ

Cách đây vài tháng, VOV Giao thông từng chia sẻ về những bất cập trên tuyến đường vành đai 2 dưới thấp đoạn Minh Khai từ Ngõ Gốc Đề đến Ngõ Hòa Bình 2 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đến nay, tai nạn liên quan người bộ hành qua đường ở đoạn tuyến này vẫn xảy ra liên tục, thậm chí chính quyền phường phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở dải phân cách giữa.

Chị Ngọc Anh, có nhà ở bên mặt chẵn phố Minh Khai, cửa hàng ở số nhà lẻ. Hàng ngày chị có khoảng 2-3 lần phải vượt bộ qua 10 làn xe chạy vun vút để sang bên kia đường.

Theo chị Ngọc Anh, đây là một trải nghiệm rất nguy hiểm: “Nói chung là không ổn, nguy hiểm lắm, họ chạy rất nhanh, tai nạn nhiều. Lắm hôm tôi phải đi lên tít ngã tư kia mới dám sang đường. Hiện trường ngổn ngang, mình ra thì họ đi cấp cứu rồi. Thực sự thì tai nạn ở đây đa số các cụ gặp thì đều nằm đường”

Ủy ban nhân dân phường Minh Khai phải giăng biển cảnh báo 'dã chiến' về nguy cơ tai nạn với người đi bộ đoạn vành đai 2 dưới thấp từ nút quay đầu Ngõ Gốc Đề-Ngõ Hòa Bình 7 đến ngõ Hòa Bình 2.

Bà Vũ Thị Yến và bà Nguyễn Thị Phi hay đi chợ ở ngõ Gốc Đề, mỗi lần từ bên mặt số nhà lẻ gần Ngõ 7 Hòa Bình để qua đường, bà phải đi nép theo các xe sang đường ở khu vực được quay đầu. Còn bình thường một mình, bà không dám qua đường:

“Tôi là ở bên này, thường chỗ nguy hiểm nhất là chỗ ngã rẽ, quay đầu kia kìa. Chi bộ cũng họp, kiến nghị cơ quan chức năng làm một cái biển để nhân dân đi lại cho đỡ khổ. Chứ giờ vất vả lắm, đi sang rất nhiều tai nạn”.

“Tôi có dám đi đâu, sợ lắm. Tôi toàn mua bên này, không dám sang/ Nếu có công có việc thì phải làm sao ạ?/Thì chờ có người qua cùng, bám vào hoặc nhờ người ta dắt qua đường”.

Do thói quen sinh hoạt của bà con hai bên đường, nhiều ngõ ngách, đường nhánh, chung cư, trường học, nhà trọ, tuyến đường Minh Khai tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn cao

Theo quan sát của phóng viên, do mặt đường rộng, thoáng, các phương tiện có xu hướng đi khá nhanh, sát với giới hạn tốc độ 60km/h trong đô thị. Đặc thù thói quen sinh hoạt của bà con dẫn tới phát sinh các chuyến đi bộ băng cắt ngang qua đường với tần suất cao. Chưa kể, các dòng phương tiện quay đầu ở nút giao gần ngõ Gốc Đề, cộng với hàng loạt ngõ lớn nhỏ, chứa nhiều chung cư, trường học, giao cắt “cài răng lược” khiến nguy cơ tai nạn hiện hữu.

Trong bối cảnh đó, có nhiều người lựa chọn cách đi an toàn giống ông Đinh Văn Nam. Đó là đợi… lượt đèn đỏ cách khoảng 800 mét ở phía nút giao cầu Mai Động, để xe vãn bớt, rồi mới qua đường ở nút quay đầu Ngõ Gốc Đề.

Sinh sống ở khu vực và chứng kiến nhiều vụ va chạm, tai nạn, ông phân tích: Hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo giao thông chưa hiệu quả: “Nên kẻ cái vạch đi bộ, vạch sống trâu vào, chứ sơn như thế này, ô tô, xe máy cán qua nó có giảm tốc độ đâu. Cần có cái gây sóc, gập ghệch lên để cưỡng bức các phương tiện đi chậm lại”

Nhiều người phải chờ có người đi cùng, bám vào hoặc nhờ người dìu mới dám sang đường.

Ông Phạm Quang Dũng cho rằng, do thiết kế ban đầu không có cầu vượt, hầm bộ hành, nên bây giờ bổ sung cho tuyến đường này rất khó và tốn kém. Nhưng thực tiễn tai nạn nhiều đòi hỏi cơ quan chức năng phải vào cuộc nghiên cứu: “Nếu có đường vượt qua được thì tốt, cho nhân dân đi lại an toàn. Có đèn xanh đèn đỏ thì càng tốt, từ cầu Mai Động về Chợ Mơ hiện không có đèn tín hiệu nào để chúng tôi sang đường. Hiện nay nguy hiểm ở chỗ ấy, thì mình phải quan sát thôi. Xe đông, nhưng cũng có lúc vắng, mình lựa thời điểm đi thôi”.

Phóng viên VOV Giao thông đã liên hệ với chính quyền sở tại để tìm hiểu thực trạng và nắm bắt các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực. Bà Lê Hoài Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết, trước việc tồn tại “điểm nóng” tai nạn liên quan người đi bộ sang đường, phường đã đặt tạm các biển chữ vàng nền đỏ ở dải phân cách giữa để cảnh báo nguy hiểm.

Ông Phạm Quang Dũng phải chờ đèn đỏ ở phía cầu Mai Động cách đó 800m, để xe vãn bớt mới dám sang đường. Ông cho rằng, hệ thống báo hiệu trên tuyến còn yếu và không hiệu quả

Song song với đó, Ủy ban phường đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm hàng rào sắt cao để ngăn người đi bộ sang đường không đúng quy định; Di dời nút rẽ quay đầu ở “điểm nóng” Ngõ Hòa Bình 7 – Ngõ Gốc Đề; Mở thêm các lối hợp lý cho người đi bộ sang đường; Tuyên truyền quy tắc an toàn giao thông bằng loa phường, phát thanh trên xe công an phường.

Bà Lê Hoài Hương chia sẻ: theo phân cấp, hạ tầng tuyến đường vành đai 2 sau 3 năm đưa vào khai thác, vẫn chưa được bàn giao về các địa phương của Hà Nội, nên khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp tăng cường an toàn giao thông.

Biển cảnh báo, vạch kẻ giảm tốc độ chưa hiệu quả. Số lượng nơi cho phép người đi bộ qua đường quá ít dọc theo tuyến đường 10 làn xe này.
Theo bà Lê Hoài Hương, Phó chủ tịch UBND phường Minh Khai, phường đã đề xuất giải pháp với thành phố, như làm làm rào sắt cao ở dải phân cách, di dời nút quay đầu, mở thêm điểm sang đường.

Có thể nhận thấy, đường vành đai 2 là tuyến đường hiện đại bậc nhất Thủ đô, nhưng một nghịch lý tồn tại: Do thiếu hệ thống sang đường an toàn, nó đang trở thành mối nguy hiểm cho bộ hành sinh sống hai bên.