Tuổi 17’ sao chưa ‘bẻ gãy sừng trâu’?

Theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số, với khoảng 20 triệu người trên 60 tuổi. Nhưng chưa cần đợi tới khi đó thì vấn đề thiếu hụt nguồn lao động trong độ tuổi sung sức khi thanh niên Việt Nam tham gia vào thị trường lao động quá muộn.

Ông bà ta từng có câu ‘tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu’ – ám chỉ độ tuổi sung sức nhất để làm việc, cống hiến là khoảng 17-18 tuổi, thời điểm thanh niên có sức khỏe tốt.

Trước đây, điều tương đối phổ biến là các thanh niên chỉ học xong cấp 2 (tức là lớp 7, theo hệ giáo dục cũ) rồi học thêm 2-3 năm trung cấp là đi làm. Những người học đại học cũng chỉ học thêm 3-4 năm.

Điều này khác nếu so với hiện tại.

Bởi hiện nay, theo thống kê, chúng ta có khoảng 8% dân số (khoảng 8 triệu người) trong độ tuổi 18-22 (độ tuổi lao động sung sức nhất). Và trong 8 triệu người đó, có 25-30% đang học đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, học nghề.

Tức là chúng ta đang có không ít thanh niên ở độ tuổi 18-22 đang phải đi học tiếp mới có thể làm việc. Ngoài ra, không phải cứ học đại học xong là có việc ngay, mà nhiều người còn phải đào tại lại rồi mới bắt đầu tham gia thị trường lao động.

Tôi nghĩ, để cải thiện thực trạng này, cần định hướng lại việc phát triển nghề nghiệp cũng như hệ thống dạy nghề để có được giải pháp giúp những thanh niên tham gia thị trường lao động sớm hơn.

Ảnh nh họa: FB Bẻ Gãy Sừng Trâu

Chúng ta đã nói nhiều đến già hóa dân số, nói nhiều đến dân số Việt Nam đã bắt đầu chững lại, tỉ lệ sinh thay thế hạ xuống dưới mức cần thiết (là 2,1 con/1 phụ nữ), khiến người Việt Nam có thể ‘già trước khi giàu’. Điều đó có nghĩa là số người lao động làm việc sẽ ít hơn số người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu.

Và chúng ta cũng mất tương đối nhiều thời gian để tranh cãi, thảo luận về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu. Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế của nhiều quốc gia khi con người ngày càng có sức khỏe tốt hơn để tiếp tục lao động.

Nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến mục tiêu khác, đó là làm thế nào để thanh niên Việt Nam tham gia vào thị trường lao động sớm hơn. Điều này không chỉ giúp cho các thanh niên có thể chuẩn bị cho tương lai tốt hơn, mà còn thay đổi cơ cầu của thị trường lao động, giúp chúng ta phát triển nhanh hơn, có thể kịp ‘giàu trước khi già’.

Để làm việc đó, trước hết chúng ta cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng, đó là làm thế nào để đa số thanh niên Việt Nam ở tuổi 17-18 phải được đào tạo để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động. Việc này trước đây có thể khá khó khăn, vì để đạo tạo được một lao động lành nghề, cần nhiều điều kiện, nhân lực về giáo dục.

Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, hoàn toàn có cơ hội để một đất nước như Việt Nam giúp cho các thanh niên được đào tạo nghề tốt hơn ngay từ khi đang học phổ thông cơ sở và tham gia thị trường lao động, đóng góp cho xã hội sớm hơn.

Một câu chuyện có liên quan, đó là khi Tim Cook được hỏi tại sao lựa chọn đặt nhà máy sản xuất các thiết bị Apple tại Trung Quốc, CEO này đã trả lời rằng: ‘Ở Mỹ nếu muốn tìm những người trong độ tuổi lao động có trình độ và tay nghề tốt thì số lượng chỉ đủ để ngồi kín một căn phòng.

Nhưng nếu ở Trung Quốc, thì số lượng những người đó có thể lấp đầy nhiều sân vận động’. Đồng thời, Tim Cook cũng ca ngợi thành quả của việc đào tạo nghề ở Trung Quốc, giúp họ thu hút được Apple đến đầu tư và đặt nhà máy sản xuất tại đây.

Với chúng ta hiện nay, độ tuổi thanh niên tham gia vào thị trường lao động tương đối muộn. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên đưa ra một mục tiêu cho giáo dục, đó là phải làm thế nào để giúp thanh niên có thể được đào tạo nghề và tham gia vào thị trường lao động sớm hơn, như các thế hệ trước đây của chúng ta, có thể đi làm và cống hiến từ cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’.