Từ vụ TNGT trên cao tốc do đốt cỏ: Trách nhiệm của đơn vị quản lý đến đâu?

VOVGT-Vụ TNGT liên hoàn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 3/4 có một phần nguyên nhân do người dân đốt rơm, cỏ tạo nên đám khói dày đặc...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hiện trường xe khách đâm liên hoàn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do khói đốt rơm, cỏ

Theo quy định tại Thông tư 90 của Bộ GTVT, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc. Trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì là thực hiện việc tuần tra theo quy định và đảm bảo an toàn giao thông, trong đó, nhân viên tuần tra phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố trên cao tốc; các vi phạm, tai nạn, sự cố ảnh hưởng đến an toàn giao thông và phải báo cáo kịp thời.

Do đó, khi phát hiện tình trạng bất thường như có khói mật độ dày gây hạn chế tầm nhìn, nhân viên tuần tra phải báo cáo và có phương án kịp thời xử lý như thông báo cho người tham gia giao thông biết bằng mọi hình thức.

>>> Toàn cảnh vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây do dốt cỏ

Đề cập việc thực hiện quy định này, ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Một thành viên Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết, ngay từ khi đưa vào khai thác các tuyến cao tốc, đơn vị này đã thực hiện tuyên truyền đến các hộ dân sinh sống dọc cao tốc và chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng đốt cây cối, cỏ hoặc rơm rạ sinh khói lan lên đường cao tốc, ảnh hưởng đến tốc độ xe chạy, gây mất an toàn.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận trong quá trình khai thác, tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra, nhất là trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây… Ông Tuấn cho biết:

 

"Khi phát hiện những trường hợp này thì chúng tôi đều có các cảnh báo cho người tham gia giao thông bằng các biển báo điện tử hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, về cưỡng bức thì chúng tôi cũng sử dụng những xe tưới nước đi dọc các đám cháy có thể sinh ra khói trên đường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp số lượng vị trí cháy quá nhiều nên cần thời gian để có thể thực hiện."

Nhân viên tuần tra phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố trên cao tốc

Dẫn chứng cụ thể vụ tai nạn liên hoàn xảy ra ngày 3/4 vừa qua trên cao tốc TP. HCM – Long Thành- Dầu Giây, ngay khi phát hiện có đám cháy, gây khói trên tuyến đường này, đơn vị quản lý khai thác đã thực hiện các biện pháp dập lửa, khử khói, đồng thời đưa các thông tin lên bảng điện tử để cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này, song một phần do sự chủ quan của người lái xe nên dẫn tới vụ việc đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dù bất cứ nguyên nhân nào thì việc để các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến sự lưu thông của các phương tiện trên cao tốc đều có trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc đó.

Với vụ việc xảy ra trên cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, dù đơn vị quản lý, khai thác cao tốc đã có cảnh báo đến người tham gia giao thông, song việc không phát hiện, xử lý kịp thời đám cháy dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc là có trách nhiệm của đơn vị khai thác tuyến cao tốc này.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, trong vụ việc này, không thể không kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có cao tốc đi qua trong việc khuyến cáo người dân chấp hành quy định. Ông Thanh cho biết:

 

"Tất nhiên phải quy trách nhiệm đơn vị quản lý cao tốc rồi, ông không có biện pháp, không tuần đường cẩn thận, ông không kịp thời ngăn chặn cái này thì lỗi tại ông rồi, không thể đổ lỗi cho ai được cả. Nhưng cũng phải gắn trách nhiệm của địa phương vào."

Đồng tình quan điểm này, luật sư Bùi Sinh Quyền, Giám đốc Văn phòng luật sư Phúc Thọ (Hà Nội) cũng cho rằng, người cung cấp dịch vụ phải đảm bảo chất lượng dịch vụ đó.

Theo ông Quyền, từ vụ việc xảy ra trên cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, đơn vị quản lý, khai thác cao tốc cần nâng cao trách nhiệm trong việc phát hiện kịp thời, xử lý đám cháy, hạn chế việc ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Ngoài ra, cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn không để người dân đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến việc lưu thông trên cao tốc, qua đó góp phần hạn chế tai nạn có thể xảy ra.

>>> Liên tiếp 4 vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ