Trung Quốc và tham vọng phá thế độc quyền của Airbus, Boeing

Mẫu máy bay do Trung Quốc tự sản xuất, Comac C919, đang ghi được những dấn ấn đầu tiên khi nhận được rất nhiều đơn hàng lớn tại thị trường nội địa nước này.

Không ít ý kiến lạc quan tin rằng, chẳng bao lâu Comac sẽ là giải pháp hoàn hảo thay thế cho dòng Airbus A320 hay Boeing 737. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng chiếc máy bay "Made in China" có thể vượt mặt các ‘ông lớn’ hàng không thế giới sẽ không phải là câu chuyện trong một sớm, một chiều.

Hãng hàng không Trung Quốc Air China vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Máy bay Thương mại Comac để mua 100 chiếc C919, từ nay đến năm 2031. Thương vụ trị giá lên tới gần 11 tỷ USD không chỉ giúp Air China nâng công suất vận chuyển lên 7,5%, mà còn củng cố thêm hoạt động kinh doanh tổng thể của Comac.

Máy bay Comac C919 của Trung Quốc biểu diễn tại Triển lãm hàng không Singapore - Ảnh AP

Thời gian qua, Comac nhận được không ít hợp đồng ‘siêu khủng’, trong bối cảnh các hãng sản xuất phương Tây tồn đọng nhiều đơn hàng. Trước đó, cuối tháng 9/2023, hãng hàng không China Eastern Airlines cũng đặt mua 100 chiếc C919, đơn hàng góp phần đưa sản lượng đã ký của Comac vượt qua mốc 1.000 chiếc.

Phóng viên Nessa Anwar từ CNBC thông tin: “Trung Quốc là một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới cùng Mỹ và Ấn Độ. Đến năm 2042, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 20% nhu cầu máy bay của thế giới. Điều này tương đương cần hơn 8.500 máy bay thương mại mới trong vòng hai thập kỷ tới”.

Theo ông Harry Murphy Cruise, chuyên gia kinh tế từ Moody's Analytics, những đơn hàng lớn sẽ tạo sự chắc chắn cho nhà sản xuất, khuyến khích đầu tư thêm, đồng thời thúc đẩy các hãng hàng không khác đặt mua máy bay của Comac.

Còn ông Brendan Sobie, nhà phân tích độc lập tại Sobie Aviation cho rằng, thị trường nội địa giàu tiềm năng đang là ‘mỏ vàng’ để mẫu máy bay ‘Made in China’ phát triển: “Nếu nhìn vào quy mô thị trường Trung Quốc, người ta có thể nói rằng, có lẽ họ không cần ai khác”Sau gần 15 năm phát triển, Comac C919, mẫu máy bay thân hẹp sức chứa khoảng 160 hành khách, tầm bay hơn 5.500 km, được Trung Quốc cấp chứng nhận từ tháng 9/2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ca ngợi, C919 mang theo ý chí, giấc mơ dân tộc cũng như kỳ vọng của người dân. Thời điểm này, nhiều ý kiến lạc quan tin rằng, tương lai không xa C919 có thể sánh ngang, thậm chí soán ngôi dòng máy bay Airbus A320 hay Boeing 737.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện C919 vẫn chưa được cả Mỹ và châu Âu cấp phép bay, do vậy, muốn phá thế độc quyền của Boeing và Airbus sẽ là cả một chặng đường dài.

Ông Adam Cowburn từ Công ty Tư vấn Hàng không Alton nhận định: “Đó sẽ là một quá trình rất dài. Nhiều nhà sản xuất máy bay cần tới 5 hay 6 thập kỷ mới có được thành quả như ngày nay. Comac đang ở thập kỷ thứ 2 của quá trình tương tự. Họ có thể rút ngắn được thời gian, nhưng vẫn cần nhiều năm nữa trước khi chúng ta thấy C919 phổ biến trên quy mô lớn bên ngoài Trung Quốc”.

Comac C919 được xem là biểu tượng cho kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ về công nghệ của Trung Quốc và một phần chiến lược ‘Made in China’.

Tuy nhiên, không phải mọi bộ phận của máy bay đều sử dụng công nghệ ‘cây nhà, lá vườn’. Cụ thể, theo một tổ chức tư vấn của Mỹ, gần 3/5 nhà cung cấp hàng đầu của C919 là từ Mỹ và châu Âu.

Phóng viên Nessa Anwar từ CNBC cho biết thêm: “Trong số hơn 80 nhà cung cấp chính của C919, chỉ có 14 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc, trong số này 7 nhà cung cấp là liên doanh với công ty nước ngoài. Ví dụ, công ty Liebherr Aerospace của Pháp cung cấp thiết bị hạ cánh và hệ thống quản lý không khí, trong khi động cơ của C919 do CFM International cung cấp”

Máy bay C919 của Comac tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông - Ảnh Bloomberg

Nói về vấn đề này, ông Brendan Sobie, nhà phân tích độc lập tại Sobie Aviation nêu quan điểm: “Đó là một chiếc máy bay của Trung Quốc, nhưng nhiều bộ phận bao gồm cả động cơ, hệ thống điện tử hàng không và nhiều bộ phận khác không phải họ sản xuất. Tất nhiên, nếu nhìn vào Airbus hay Boeing bạn cũng có thể thấy điều tương tự”. 

Khảo sát cho thấy, không ít hãng hàng không ở một số quốc gia như Nigeria, Thái Lan, thậm chí Đức bày tỏ quan tâm đến C919 nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Một trở ngại khác mà Comac cần vượt qua là dịch vụ hỗ trợ bảo trì, sửa chữa và đại tu dành cho máy bay nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Ông Adam Cowburn từ Công ty Tư vấn Hàng không Alton chia sẻ: “Thách thức lớn với Comac là dữ liệu thực tế về hoạt động của máy bay. Ví dụ, chi phí vận hành mỗi giờ, mỗi chuyến là bao nhiêu, mức độ hỗ trợ dự phòng cần thiết. Việc giúp các nhà khai thác có thông tin rõ ràng về những yếu tố này rất quan trọng bởi ngành hàng không có tỷ suất lợi nhuận thấp”.

Trong khi đó, nhà phân tích Brendan Sobie nhận định, rõ ràng khát vọng của Comac không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa Trung Quốc mà là doanh số bán hàng quốc tế.

Tuy nhiên, C919 sẽ cần thêm thời gian và hiện còn quá sớm để nói liệu Comac có đang trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với những gã khổng lồ như Airbus và Boeing hay không.  

Cuối tháng 2 vừa qua, sau khi tham gia Singapore Airshow 2024, hai chiếc máy bay C919 và ARJ21 của hãng sản xuất máy bay Trung Quốc Comac đã hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tham gia chuỗi sự kiện trình diễn Comac Airshow.

Sự kiện tạo tiền đề cho việc khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến tỉnh Quảng Ninh và trước mắt là từ thành phố Sán Đầu (thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) tới Vân Đồn (Quảng Ninh).

Comac cho biết, mục đích chính của những chuyến bay này là nhằm giới thiệu hiệu suất hoạt động tốt của máy bay và đặt nền móng cho việc mở rộng thị trường trong tương lai ở Đông Nam Á.