Trung Quốc phát triển xe năng lượng mới: Cơ hội hay thách thức?

Thời kỳ tăng đột biến với những khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ đang dần kết thúc. Mọi thứ dường như đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh với không ít thách thức đang ở phía trước. 

Dây chuyền sản xuất tại Công ty ô tô BYD

Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch và đưa ra các chương trình phát triển xe ô tô năng lượng mới từ năm 2001. Sau đó, chiến lược "xe ô tô tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới" được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010). Năm 2008 được coi là năm đầu tiên của xe năng lượng mới ở Trung Quốc.

Hơn một thập kỷ đã trôi qua, thời kỳ tăng đột biến với những khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ đang dần kết thúc. Mọi thứ dường như đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh với không ít thách thức đang ở phía trước. 

Cơ hội lớn từ sự hậu thuẫn của nhà nước

Từ sau năm 2009, cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới của Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn phát triển như vũ bão. Năm 2010 đánh dấu thời kỳ xe năng lượng mới được hỗ trợ chính sách toàn diện. 2011-2015 là giai đoạn ô tô năng lượng mới của Trung Quốc bước vào thời kỳ công nghiệp hóa.

Công ty BYD, một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất ô tô của Trung Quốc, chính thức có mặt tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây từ năm 2003 và bắt đầu nghiên cứu sản xuất xe năng lượng mới từ năm 2009. Cơ sở công nghiệp năng lượng mới Tây An của BYD được thành lập vào năm 2014, để đón đầu tiến trình phổ cập xe năng lượng mới (2016-2020) theo như lộ trình mà Trung Quốc vạch ra, đây cũng là thời điểm bùng nổ của xe năng lượng mới ở nước này.

5 năm qua, mỗi năm cơ sở này sản xuất hơn 250.000 chiếc xe ô tô. Trong đó, riêng năm 2018, số lượng xe năng lượng mới sản xuất và bán ra là khoảng 130.000 chiếc. Theo ông Lưu Chấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty ô tô BYD (Tây An), đây là tỷ lệ xe năng lượng mới cao nhất trong cả nước Trung Quốc, cũng là sản lượng lớn nhất mà một khu nhà xưởng sản xuất có thể đạt được ở nước này.

Ở Trung Quốc, BYD được mệnh danh là "huyền thoại về năng lượng mới". Tại cơ sở Tây An, BYD không chỉ sản xuất xe ô tô con, mà còn xuất xưởng cả xe buýt và xe chuyên dụng năng lượng mới. Xe buýt chạy bằng điện sản xuất tại đây cũng đã xuất sang các nước Bắc Mỹ (trong đó có Mỹ), Bắc Âu, châu Á (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaisia, Thái Lan...) và nhiều nước đang phát triển. 

Nói về lợi thế của BYD, ông Lưu Chấn Vũ tự hào nói: "Lợi thế đó là chúng tôi có thị trường trong nước rộng lớn. 1,4 tỷ người thực sự là một thị trường “khủng”. Chúng tôi làm gì đều có một thị trường đủ lớn để bán ra. Các đồng nghiệp của chúng tôi luôn “ngưỡng mộ” vì điều này."

Không giống BYD, Tập đoàn ô tô Thiểm Tây (Shacman) là một doanh nghiệp nhà nước, có thế mạnh trong việc sản xuất các loại xe tải, xe kéo năng lượng mới có trọng tải từ 4,5 – 49 tấn. Được sự hỗ trợ chính sách và trợ cấp từ nhà nước, những năm qua, mỗi năm xe năng lượng mới của Tập đoàn đều có mức tăng từ 50% trở lên.

Đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc, ông Cao Hoàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách bán hàng của Công ty xe thương mại thuộc Tập đoàn Shacman cho biết: "Tốc độ phát triển xe năng lượng mới của Trung Quốc vượt ngoài sức tưởng tượng. Việc của chúng tôi là chuẩn bị sẵn sản phẩm để tung ra thị trường. Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ 2 triệu chiếc xe tải. Số xe trên thị trường hiện có khoảng 30 triệu chiếc. Dự kiến, đến năm 2025, khoảng 10%-20% là xe năng lượng mới."

Theo ông, chiến lược quốc gia về phát triển xe năng lượng mới của Trung Quốc là rất rõ ràng, đó là khuyến khích sử dụng và phổ cập xe năng lượng mới và năng lượng sạch. Nhà nước Trung Quốc đang từng bước thúc đẩy phát triển xe năng lượng mới thông qua hàng loạt các chính sách, ví dụ Bắc Kinh đưa ra mục tiêu là khu vực thành thị về cơ bản phải sử dụng xe năng lượng mới vào trước năm 2025.

Nhà xưởng sản xuất xe năng lượng của SHACMAN

Thách thức vẫn đang ở phía trước

Tuy vậy, kể từ tháng 6 năm nay, cùng với sự kết thúc của thời kỳ quá độ thực thi chính sách trợ cấp mới, thị trường xe năng lượng mới Trung Quốc đang trong giai đoạn "đóng băng".

Cả BYD và Shacman đều có dấu hiệu giảm mạnh về lượng xe bán ra. Ông Cao Hoàn thừa nhận: "Thời gian gần đây, thị trường trong nước nhìn chung là đi xuống. Điều này đã có tác động tới công ty, song chỉ là tăng chậm lại. Xuất khẩu chính là hướng đột phá của chúng tôi."

Hiện công ty này đã sản xuất được hơn 200 loại xe tải nặng, vừa và nhẹ, cùng các loại xe chuyên dụng.... Công ty cũng đã có 2 Tổng công ty và 33 văn phòng ở nước ngoài, hơn 600 điểm bán hàng trong cả nước và xuất khẩu xe sang các nước châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Trung Á.

Không chỉ về mặt doanh số, kỹ thuật cũng là vấn đề cần khắc phục. Ông Lưu Chấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty ô tô BYD (Tây An) chia sẻ: “Xe ô tô năng lượng mới là loại sản phẩm mới. Dù là sản phẩm hay thị trường đều chưa chín muồi. Giờ mới chỉ là giai đoạn đầu. Để hoàn thiện còn cần một quãng thời gian rất dài. Xe năng lượng mới dù là xuất phát điểm hay công nghệ sẽ còn thay đổi rất nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu công nghệ ắc quy phát triển nhanh, viễn cảnh của xe năng lượng mới là hết sức sáng sủa. Nếu công nghệ ắc quy dậm chân tại chỗ, sự phát triển của xe năng lượng mới sẽ rất hạn chế.”

Dù kết quả kinh doanh của cả BYD và Shacman đều đang sụt giảm, nhưng do là những con chim đầu đàn của ngành ô tô Trung Quốc, nên trước mắt mọi khó khăn với hai công ty này chỉ là nhất thời. Không may mắn như BYD hay Shacman, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đang đứng trước bờ vực phá sản.

Số liệu thống kê của Hiệp hội công nghiệp ô tô Trung Quốc cho thấy, tháng 9 năm nay, sản lượng và lượng tiêu thụ xe năng lượng mới của Trung Quốc đạt 89.000 chiếc và 80.000 chiếc, giảm hơn cùng kỳ năm trước 29,9% và 34,2%. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp những số liệu này liên tục giảm. 9 tháng đầu năm cũng giảm 20,9% và 20,8%. Hiệp hội này đã buộc phải hạ thấp dự báo lượng ô tô năng lượng mới bán ra trong năm nay từ 1,6 triệu chiếc xuống còn 1,4 triệu chiếc.

Mặc dù ngành sản xuất ô tô năng lượng mới ở Trung Quốc đang gặp không ít khó khăn và đứng trước sự điều chỉnh để tránh rơi vào tình trạng dư thừa như nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng chiến lược và quyết tâm phát triển ngành công nghiệp non trẻ này của Bắc Kinh là không thay đổi.

Theo ông Âu Dương Minh Cao, Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, có 3 lý do buộc nước này phải lựa chọn xe năng lượng mới, đó là: an ninh năng lượng, ô nhiễm đô thị và nâng cấp ngành công nghiệp ô tô. Mục tiêu cuối cùng là để Trung Quốc từ một nước lớn trở thành cường quốc sản xuất ô tô.