Trung Quốc đóng cửa hàng loạt cầu kính vì lí do an toàn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng

Vài năm trở lại đây, các công trình cầu kính nở rộ ở Trung Quốc, được xem như cú hích cho nền du lịch ở nhiều địa phương. Thế nhưng, sau các sự cố; trong đó có ít nhất 2 người tử vong, 32 cầu kính bị đóng cửa vì lí do an toàn. Còn tại Việt Nam, cầu kính c

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các công trình cầu kính nở rộ ở Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Ảnh: bloomberg.com

Trung Quốc hiện có khoảng 2.300 công trình cầu, lối đi và đài quan sát bằng kính, một số có quy mô hoành tráng, thiết kế ấn tượng và giữ các kỷ lục thế giới. Đây đều là những nơi thu hút khách ưa trải nghiệm cảm giác mạnh, giúp phát triển thị trường du lịch nội địa của đất nước tỷ dân.

Hầu hết cầu kính được xây dựng ở các khu vực kém phát triển muốn thu hút khách du lịch, và tìm kiếm cách nhanh chóng, tương đối rẻ để tạo nên sự nổi bật. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có tiêu chuẩn chung cho xây dựng cầu kính,

Một youtuber có tên “Soloman” chia sẻ cảm xúc sau khi trải nghiệm việc băng qua cây cầu kính ở Thanh Nguyên, Quảng Đông (Trung Quốc):

 

“Đây là lần đầu tiên tôi đi qua cầu kính. Thực sự rất kỳ lạ, thú vị. Nó hơi lắc một chút khi đi nên khiến tôi hơi sợ. Tôi đã nghĩ nó cũng không có gì đặc biệt cho đến khi nhìn xuống dưới. Trời ơi. Tôi tự hỏi không biết kính này dày bao nhiêu phân đây?”

Để cạnh tranh du lịch, các địa phương chạy đua xây dựng hàng trăm dự án cầu, đài quan sát, lối đi bằng kính một cách “thần tốc” chỉ trong vài năm, dưới sự giám sát của các kiến trúc sư và công ty xây dựng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hậu quả, nhiều tai nạn thương tích và tử vong xảy ra.

Cầu kính Trương Gia Giới từng thu hút rất đông du khách.

Năm 2015, cầu kính tại núi Yuntai, xuất hiện nhiều vết nứt do một du khách đánh rơi chiếc cốc bằng thép xuống mặt kính. Năm sau, một du khách bị thương do đá rơi khi đi bộ trên cầu kính cao nhất thế giới ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Cây cầu nổi tiếng này phải đóng cửa để bảo trì chưa đầy 2 tuần sau khi khai trương vì quá tải.

Năm 2017, một người chết trong vụ tai nạn trên máng trượt kính tại khu du lịch Mộc Lan Thắng Thiên (Mulan Shengtian) ở tỉnh Hồ Bắc. Công trình này là dự án giải trí đường trượt kính trên núi đầu tiên ở Trung Quốc được đầu tư hơn 55 triệu USD năm 2016.

Gần đây nhất, ngày 5/6 vừa qua, tại Phật Tử Lĩnh ở tỉnh Quảng Tây, lối đi bằng kính trơn trượt sau mưa khiến một người đàn ông bị ngã, khiến 6 người khác cũng bị kéo ngã theo. Người đàn ông chết vì chấn thương nghiêm trọng ở đầu, 6 người còn lại bị thương.

Vụ việc khiến giới chức yêu cầu kiểm tra toàn diện tất cả cấu trúc kính trên cả nước.

Đánh giá về hoạt động của các cầu kính, Ông Diêu Côn Di - Ủy viên Ủy ban tiêu chuẩn kỹ thuật Thượng Hải nói:

 

“Không thể nói là do nhà nước khuyến khích phát triển du lịch mà đặt tiêu chuẩn an toàn ở vị trí thứ hai. Nếu tồn tại nguy cơ mất an toàn hoặc tiềm ẩn rủi ro thì cần phải dừng ngay các dự án này”.

Nhiều điểm du lịch ở Trung Quốc đã đóng cửa cầu kính do lo ngại về an toàn. 32 cây cầu kính, lối đi bộ và đài quan sát tại 24 điểm du lịch ở phía bắc tỉnh Hà Bắc ngừng hoạt động kể từ tháng 3 năm ngoái. Cây cầu treo kính dài nhất thế giới Hồng Nhai Cốc 488 m cũng có trong danh sách này dù mở cửa chỉ 2 năm trước.

Không chỉ ở Hà Bắc, hàng loạt công trình cầu kính thiếu an toàn phải ngừng hoạt động. Các nhà chức trách ở phía nam tỉnh Quảng Đông yêu cầu thay đổi các công trình bằng kính tương tự tại 6 khu danh lam thắng cảnh cấp 4A (thứ hạng cao thứ 2 trong hệ thống phân loại du lịch của Trung Quốc).

Bên cạnh vấn đề an toàn, các chuyên gia nhận định nhu cầu của công chúng đối với cầu kính có giới hạn, nh chứng là lượng khách đã sụt giảm nhanh chóng sau năm đầu tiên đi vào hoạt động. Và các nhà đầu tư phải tìm mọi cách thu hút du khách để bù đắp cho khoản vay đầu tư xây dựng.

Câu chuyện “bong bóng” cầu kính khiến nhiều người liên tưởng đến sự bùng nổ xe điện trước đó dẫn tới việc xuất hiện nhiều công ty sản xuất ô tô và pin không đạt tiêu chuẩn. Cả hai trường hợp đều tiêu tốn tiền đầu tư quá nhu cầu cần thiết.

Cầu kính Rồng Mây ở Lai Châu. Ảnh: Khắc Kiên

Còn tại Việt Nam, ngày 16/11, cây cầu kính thứ 2 chính thức khai trương; có tên gọi Rồng Mây, là một phần của khu du lịch Cổng Trời thuộc đỉnh đèo Ô Quy Hồ, tỉnh Lai Châu.

Toàn bộ cầu kính Rồng Mây làm bằng kính chịu lực trong suốt, có lối đi rộng khoảng 5 m với độ dài 60 m tính từ buồng thang máy. Sàn cầu lắp ghép bởi 3 lớp kính dày, mỗi lớp hơn 2 cm dán với nhau bằng keo đặc biệt và tổng chiều dày mặt kính là 7 cm.

Trước cầu kính ở Lai Châu, cây cầu kính dây văng đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại khu vực thác Dải Yếm, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Khánh thành vào cuối tháng 4, cây cầu dài 80 m, xây dựng trên độ cao 22 m và rộng 2 m. Tuy nhiên, trải nghiệm trên cây cầu kính Mộc Châu gây khá nhiều thất vọng cho du khách.