Trong cơn lốc tiền điện tử: Đầu tư theo kiểu đánh bạc

Khi ngày càng nhiều sàn giao dịch tự phát, các dự án tiền ảo mang tính chất gian lận xuất hiện, sẽ có ngày càng nhiều người bị “cháy” tài khoản, hoặc không thể rút tiền khi sàn “bốc hơi”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tiền điện tử dựa trên thuận toán blockchain, tính bảo mật vượt trội đang khiến cả thế giới “phát sốt”. Với một bộ phận người dân, đây là kênh đầu tư lý tưởng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi hoạt động chủ yếu được diễn ra trên môi trường online.

Mặc dù vậy, trong thị trường dựa chủ yếu vào niềm tin, dễ bị tổn thương bởi các tin đồn hoặc các công cụ thổi giá, nguy cơ với các nhà đầu tư là cực lớn.

Đặc biệt, khi ngày càng nhiều sàn giao dịch tự phát, các dự án tiền ảo mang tính chất gian lận xuất hiện, sẽ có ngày càng nhiều người bị “cháy” tài khoản, hoặc không thể rút tiền khỏi sàn khi sàn “bốc hơi”.

Với một bộ phận người dân, tiền điện tử là kênh đầu tư lý tưởng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nguyễn Tiến Hiếu, làm nghề sale bất động sản tại Hà Nội. Do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường mua bán nhà đóng băng, anh tìm đến tiền điện tử như một kênh đầu tư để tìm thu nhập thêm.

Mặc dù vậy, sau khoảng nửa năm lao vào các sàn giao dịch tiền điện tử, anh Hiếu nhận định, cơ hội rất nhiều mà rủi ro cháy túi cũng rất lớn.

 

“Cái đấy rủi ro rất là cao. Mình mua vào thì sẽ tăng lên 10-20 lần nhưng đó là điều không chắc chắn. hên xui”.

Trong khi đó, anh Bùi Trọng Công, hành nghề lái xe, cho rằng, nếu tham gia với tâm lý chơi cho vui, cho biết thì tiền điện tử là một thế giới khá thú vị. Tuy nhiên, khi dồn nhiều thời gian và tiền bạc vào lĩnh vực này, nó thực sự là một cơn đau đầu. Đơn giản là ranh giới giữa được mất cực kỳ mong manh.

 

“Thị trường chơi coin nếu xảy ra rủi ro thì mình phải chấp nhận, phải chịu”.

Chia sẻ với VOV Giao thông, anh Đỗ Việt Anh, một chuyên gia độc lập về giao dịch chứng khoán, forex, tiền ảo khẳng định, vấn đề quản trị vốn và tâm lý khi lên sàn mang tính quyết định.

 

“Khi giao dịch tiền ảo thì biên độ biến động rất là mạnh. Nhiều sàn còn cho phép chơi margin tức là cho vay tiền để đánh thêm. Tính ham đánh bạc thì ai cũng có. Nhiều lúc có khi chỉ vài giây, vài phút là tiền bay mất, cháy luôn tài khoản”

Theo anh Việt Anh, một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay với người chơi tiền ảo là không được luật pháp bảo vệ, vì đặc tính tiền ảo là không chịu sự quản lý của bất cứ chính phủ nào. Do đó, khi sàn giao dịch “sập”, giải thể, hoặc dự án đồng tiền ảo không có hoạt động thực chất, một ngày nào đó biến mất khỏi thị trường thì toàn bộ vốn liếng, tiền bạc người chơi đổ vào cũng “bốc hơi”.

 

“Thực ra tiền ảo thì lập ra rất là dễ. Nhiều lúc chỉ mất 10-20 phút là xong 1 đồng tiền ảo. Tiền ảo fake thì rất nhiều. Rất nhiều những đồng giá chỉ 0,000.. mấy USD. Mọi người cứ thấy rẻ là mọi người lao vào, nên khả năng mất trắng cũng nhiều.”

Do có biên độ dao động giá rất lớn, nên giá của một đồng tiền ảo có lúc chỉ cần vài ngày cũng nhân lên 100 lần. Từ đây, một hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội - fear of ssing out, hay còn gọi là tâm lý fomo sẽ khiến nhiều người lao vào bẫy giá trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư tiền ảo được khuyến cáo nên tìm hiểu dự án tiền ảo kỹ càng, chỉ tham gia ở những sàn uy tín, sẵn sàng tâm lý đầu tư dài hạn từ 1-2 năm, có thể 5-6 năm, thậm chí 10 năm.

Nhà đầu tư tiền ảo được khuyến cáo nên tìm hiểu dự án tiền ảo kỹ càng, chỉ tham gia ở những sàn uy tín.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trước khi xuống tiền, nhà đầu tư phải nắm được những kiến thức cơ bản về thị trường tiền ảo hiện nay.

 

“Hiện nay trên thế giới có hai loại tiền kỹ thuật số chính, một là tiền kỹ thuật số chính thống do Chính phủ, Ngân hàng Trung ương ở một số nước đã và đang nghiên cứu để phát hành. Cái này có khoảng trên 60 quốc gia trên thế giới nghiên cứu. Thứ hai là do một nhóm tự viết thuật toán để tạo ra kiểu như Bitcoin, Ethereum, Bnb và chưa được các nước công nhận. Hiện nay nhà đầu tư, cá nhân chủ yếu tham gia kênh thứ 2 là kênh không chính thống. Rõ ràng có thể có lợi nhuận do lướt sóng, do đầu cơ, nhưng cũng có thể rủi ro mất tiền do lỗi kỹ thuật, do lừa đảo, do biến động quá mạnh, nhất là những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính. “

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, xu thế đầu tư vào tiền kỹ thuật số không chỉ diễn ra riêng ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, một số người có tiền nhàn rỗi từ nguồn tiền tiết kiệm, tiền cứu trợ nên đã tham gia kênh này với hy vọng sẽ là biện pháp cứu cánh để giúp họ vượt qua khó khăn.

Song thực tế thường ít khi chiều lòng người:

 

“Rủi ro là sàn giao dịch đó đòi hỏi người tham dự phải đưa tất cả thông tin cá nhân, tên tuổi, địa chỉ chứng nh nhân dân, có thể được sử dụng một cách bất hợp pháp và dĩ nhiên là có rủi ro về tiền bạc”.

Việc đầu tư vào lĩnh vực này, được và mất, vận hội và rủi ro hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Ảnh: CNBC

Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Đầu tư theo kiểu đánh bạc”.

 

Trong bối cảnh tiền kỹ thuật số vẫn đang trong quá trình được tìm hiểu, nghiên cứu và chưa được các chính phủ chấp nhận rộng rãi, việc đầu tư vào lĩnh vực này, được và mất, vận hội và rủi ro hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cá nhân.

Ngày mai, bạn trở thành tỷ phú hay đi ăn mày bởi tiền ảo, chẳng thể truy trách nhiệm cho ai khác, ngoài bản thân. Bởi tiền trong tay bạn, nhập lệnh cũng là bạn.

Cần khẳng định như vậy để phản bác những luận điểm cho rằng, có ai đó trở thành nạn nhân của thị trường đầy biến động và nhiều rủi ro này.

Không ai có thể lừa bạn, nếu bạn không nảy lòng tham, lao đầu vào những “kèo xổ số” – thuật ngữ ám chỉ việc rải tiền vào những dự án còn “trong trứng nước” và kỳ vọng số tiền thu về sẽ gấp hàng chục, trăm, nghìn lần.

Chẳng ai buộc bạn nạp tiền vào những sàn giao dịch, những hội nhóm mới toanh, thiếu uy tín với những lời hứa hẹn gấp đôi, gấp ba tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định.

Cũng không ai, kể cả các ngôi sao công chúng, người nổi tiếng, điều khiển được bạn đổ tiền vào những đồng tiền số vô nghĩa, chỉ được thổi giá nhờ chiêu trò PR, truyền thông mang tính lừa đảo.

Các sàn giao dịch tiền số sống nhờ comssion – tiền môi giới cho mỗi lệnh mua bán. Họ có sứ mệnh mang lại nhiều lựa chọn nhất có thể để thu hút người chơi đổ tiền vào giao dịch, bao gồm cả các công cụ đòn bẩy. Họ cung cấp phiếu ễn lãi vay cho các khoản vay cho người chơi để nâng số tiền được, mất lên tỉ lệ rất cao tùy biến động thị trường. Thông thường, những người chơi đòn bẩy thua nhiều hơn thắng, và số tiền thua khi chơi cách này sẽ về túi sàn giao dịch.

Lòng tham, tâm lý mê đỏ đen khiến nhiều nhà đầu tư mờ mắt, thiếu tỉnh táo và quên dần mục đích ban đầu khi dấn thân vào lĩnh vực này. Thay vì là một holder – nhà đầu tư dài hạn có chiến lược quản lý vốn rõ ràng, họ trở thành trader với tâm lý “đu đỉnh giá”. Họ lên sàn theo “hệ tâm linh”, ít tìm hiểu dự án đứng đằng sau các đồng tiền số và mặc định bản thân sẽ là con mồi của các “cá voi”, những “tay to” trong thị trường thao túng.

Cần nhớ rằng, sự cân bằng về giá của bitcoin nói riêng và thị trường tiền số nói chung đơn thuần là cạnh tranh giữa lực bán và lực mua, cuộc đấu trí, tài lực giữa các nhà đầu tư dài hạn với nhà đầu tư lướt sóng. Giữa một bên khi có thông tin bất lợi vẫn bình tĩnh, còn một bên thì bán tháo.

Mua đáy bán đỉnh là nguyên tắc chung để làm giàu. Đầu tư theo kiểu đánh bạc, đu đỉnh giá, sẽ dễ dàng bị loại khỏi thị trường là vì vậy. Lời khuyên bồi đắp kiến thức, củng cố tâm lý, quản trị vốn có nguyên tắc không bao giờ thừa trước khi quyết định xuống tiền đầu tư./.