Trước các lo ngại này, chính phủ đã quyết định áp dụng các quy định mới vào năm nay, bao gồm giảm giới hạn tốc độ từ 10 km/h xuống 6 km/h và yêu cầu người dùng phải có chứng nhận y tế. Quy định mới nhằm bảo vệ người đi bộ và giảm thiểu nguy cơ tai nạn, nhưng cũng gây khó khăn cho những người dựa vào loại xe này để di chuyển.
Nur Hidayah Ahssan gần đây đang đi bộ về nhà sau khi đưa con đến trường thì bất ngờ giật mình nhảy lên bãi cỏ vì một tiếng động lớn. Một phương tiện hỗ trợ di chuyển cá nhân (PMA) phía sau cô đã lao qua nắp cống kim loại.
“Khi tôi đi bộ về nhà, tôi nghe thấy tiếng động lớn từ một chiếc xe PMA. Tôi bị sốc và phải nhảy ngay vào bãi cỏ. Rất may là tôi đã nghe thấy và kịp thời tránh”, cô Nur Hidayah Ahssan cho biết.
Một lần khác, người phụ nữ 28 tuổi này phải dừng lại ở một trạm xe buýt cùng con khi một chiếc PMA khác chạy nhanh đi qua gần trường học của con trai cô.
Chồng cô, anh Muhammad Shareefuddin Malimshah, cũng 28 tuổi, hiện đang làm nhân viên y tế, lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Anh băn khoăn nếu không thể kiểm soát tốc độ của những chiếc PMA này liệu vợ con có gặp phải tai nạn nào với chúng không.
“Tại nơi làm việc của tôi, tôi đã thấy cả những người điều khiển PMA bị thương và người đi bộ bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng thể chất của họ, tai nạn có thể dẫn đến gãy xương hoặc trật khớp", anh Muhammad Shareefuddin Malimshah cho biết.
Tại Singapore, các vụ tai nạn do PMA chạy quá tốc độ đã gia tăng, từ 11 vụ vào năm 2002 lên 16 vụ vào năm ngoái, và đã có 9 vụ chỉ trong nửa đầu 2024.
Trước thực trạng này, mới đây, giới chức thông báo rằng giới hạn tốc độ của PMA sẽ giảm từ 10km/h xuống còn 6 km/h, bắt đầu từ 2025.Một số người sử dụng phương tiện này cho rằng những quy định này sẽ làm gián đoạn cuộc sống của họ.
Với Peter Tan, 60 tuổi, một tài xế giao hàng Grab, đầu gối yếu là lý do ông phải dựa vào xe scooter di chuyển cá nhân (PMA) từ năm 2019.
Ông chia sẻ: “Tôi có vấn đề về đầu gối, từ lâu rồi. Tôi không thể đứng lâu vì sẽ đau và mất sức. Vì vậy, tôi chuyển sang dùng PMA thay vì xe đạp. Tôi nghĩ mình vẫn khỏe mạnh, chỉ là không thể đi xa mà thôi."
Việc đạp xe đường dài cũng khó khăn đối với ông. Nhưng nhờ có chiếc xe PMA, ông có thể hoàn thành trung bình 20 đơn giao hàng mỗi ngày trong ca làm 12 giờ, kiếm được khoảng 4.500–5.000 đô la Singapore mỗi tháng. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng các quy định mới có thể khiến thu nhập của mình giảm ít nhất 50%.
Có những tháng, ông có thể kiếm tới 6.000 đô la Singapore. Mặc dù đôi khi đi “hơi nhanh hơn mức cho phép,” chẳng hạn trên hệ thống kết nối công viên, ông khẳng định chỉ làm vậy khi không có người đi bộ xung quanh.
Cũng như ông Peter, Melissa Aman, 41 tuổi, một người dùng PMA khác, khẳng định rằng cô luôn giảm tốc độ khi gặp người đi bộ. “Tôi luôn quan sát kỹ,” cô nói, nhấn mạnh rằng mình chỉ đi ở mức nửa tốc độ tối đa.
Cô sử dụng PMA được 2 năm, chủ yếu để đưa đón hai con, 8 và 12 tuổi, đến trường; mặc dù quy định cấm PMA chở thêm người. Dù không có khuyết tật về thể chất, PMA là lựa chọn thực tế đối với cô.
“Tôi dùng để đưa đón các con đến trường vào buổi sáng. Dùng PMA tiện hơn rất nhiều, nhất là khi trạm xe buýt buổi sáng rất đông, đặc biệt ở khu vực nhà tôi. Nếu đi xe buýt, tôi phải đánh thức các con sớm hơn, khoảng 5 giờ 15 sáng. Với PMA, tôi có thể giúp chúng ngủ thêm được gần một tiếng".
Xét về tốc độ, các quy định mới liên quan đến xe PMA không chỉ nhằm ngăn ngừa va chạm mà còn giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương khi tai nạn xảy ra.
Theo ông Yap Fook Fah, thành viên Hội đồng Cố vấn Di chuyển Chủ động (AMAP), việc giảm giới hạn tốc độ xuống còn 6 km/h sẽ “giúp người lái có nhiều thời gian hơn để dừng lại. Ông cũng cho biết điều này sẽ “chắc chắn giúp” giảm tác động đối với nạn nhân nếu xảy ra va chạm.
Một yếu tố khiến PMA trở nên nguy hiểm là hạ tầng đi bộ tại Singapore được thiết kế cho người đi bộ, chứ không phải cho các thiết bị di chuyển.
Ông Yap giải thích: “Các lối đi dành cho người đi bộ không được thiết kế cho những loại thiết bị này. Chúng được thiết kế cho người đi bộ, và những lối đi hẹp này không thể chứa quá nhiều thiết bị lớn hơn hoặc di chuyển nhanh hơn, nguy cơ mất an toàn."
Tuy nhiên, Melissa, một người dùng PMA, cho rằng thay vì cấm người không khuyết tật, có thể áp dụng bài kiểm tra lái xe dành riêng cho họ.
Ông Yap, Phó giáo sư tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang, cũng đồng tình rằng việc cho phép nhóm này sử dụng PMA vẫn khả thi nếu có khung pháp lý phù hợp.
“Ai cũng muốn có phương tiện di chuyển. Do đó, có thể cho phép những người khỏe mạnh sử dụng thiết bị này, nhưng cần xây dựng quy định quản lý chúng. Họ nên đi trên các làn đường dành cho xe đạp, nhưng điều này yêu cầu chúng ta phải xây dựng các làn xe đạp với mạng lưới kết nối tốt hơn. Như vậy, họ sẽ không lấn vào lối đi bộ, vốn chỉ nên dành cho người đi bộ hoặc những người sử dụng PMA có khuyết tật đi với tốc độ chậm”.
Ông cũng đề xuất các cuộc kiểm tra định kỳ, giống như đối với xe scooter điện: “Cứ mỗi hai năm, bạn phải mang thiết bị của mình đến kiểm tra. Nếu bạn đã chỉnh sửa thiết bị, thì sẽ bị phát hiện.”
Trong khi đó, xe hỗ trợ di chuyển cá nhân như xe lăn điện và xe tay ga điện cũng đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và nhu cầu hỗ trợ di chuyển cho những người khuyết tật gia tăng.
Tuy nhiên, có tình trạng một số cá nhân không gặp khó khăn trong vận động nhưng vẫn sử dụng PMA, dẫn đến những lo ngại về an toàn giao thông và gia tăng tai nạn. Nhiều người dân chưa hiểu rõ về quyền lợi và cách thức sử dụng PMA một cách an toàn, dẫn đến việc sử dụng không đúng cách.
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn và đảm bảo an toàn cho người sử dụng và người tham gia giao thông khác, cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ và quy định rõ ràng về việc sử dụng các loại xe hỗ trợ di chuyển cá nhân này.