Trang bị kỹ năng cần thiết cho hành khách sử dụng BRT

VOVGT - Việc trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng xe buýt nhanh là điều cần thiết nhằm giúp hành khách đi xe được an toàn và thuận tiện.

Xe buýt nhanh bắt đầu xuất hiện vào những năm 1970 và sau hơn 40 năm phát triển, loại hình phương tiện này đã được phát triển rộng khắp ở nhiều nước trên thế giới nhờ những ưu điểm trong việc giảm ùn tắc và phát thải ô nhiễm ra môi trường. Tại Hà Nội, dự án xe buýt nhanh (BRT) tuyến số 1 (BX Kim Mã- BX Yên Nghĩa) vừa mới đưa vào khai thác vận hành nên còn rất mới mẻ đối với người dân thủ đô. Bởi vậy, trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng loại hình phương tiện vận tải hiện đại này là điều cần thiết nhằm giúp hành khách đi xe được an toàn và thuận tiện.

Từ ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh BRT tuyến số 99 có lộ trình từ Kim Mã đi bến xe Yên Nghĩa đã chính thức đưa vào khai thác tại Hà Nội. Đây là loại hình phương tiện vận tải công cộng hoàn toàn mới được đưa vào sử dụng nên còn khá mới mẻ đối với cả công tác quản lý, vận hành cũng như đối hành khách đi xe.

Theo các chuyên gia giao thông, các xe buýt BRT là những phương tiện hiện đại có chất lượng tốt, an toàn và được quản lý thông qua hệ thống giao thông thông nh (ITS). Bởi vậy, để vận hành hệ thống xe buýt nhanh được thông suốt, an toàn, đội ngũ lái xe buýt nhanh cũng đã phải trải qua những khóa đào tạo sâu về chuyên môn. Trong khi đó, các cán bộ vận hành, quản lý xe buýt cũng được trang bị những kiến thức và được đào tạo bài bản về công nghệ quản lý mạng lưới vận tải hành khách khối lượng lớn. Tuy nhiên, để mạng lưới BRT có thể hoạt động hiệu quả thì việc trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng BRT an toàn, thuận tiện sẽ là một những biện pháp để thu hút người dân sử dụng loại hình phương tiện vận tải công cộng mới này.

Theo thiết kế, toàn tuyến xe buýt nhanh số 99 có chiều dài 14 km; xe buýt nhanh được đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Toàn tuyến gồm 21 nhà chờ và 2 trạm đầu cuối ở BX Yên Nghĩa và BX Kim Mã. Nhà chờ xe buýt được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư, nhưng chỉ có 4 cầu đi bộ nối với các nhà chờ nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt. Bởi vậy, đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe buýt nhanh cần phải được quan tâm.

Trong ngày đầu chạy thử nghiệm, một số hành khách bỡ ngỡ về cửa lên xuống của xe buýt nhanh. Ảnh: Thanh niên

TS Nguyễn Xuân Thủy- Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải lưu ý: "Đối với xe buýt nhanh khi tiếp cận từ vỉa hè để vào bến đỗ phải đi qua 1 làn xe, Tuyến Yên Nghĩa- Kim Mã ở giữa tuyến đường nên người tiếp cận xe buýt phải cẩn thận. Để tiếp cận với xe ta phải đi qua làn đường nếu mà không có cầu đi bộ thì chúng ta phải cẩn thận không để xảy ra tai nạn".

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho biết thêm, trên xe buýt nhanh đều được trang bị hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố phát sinh. Nhờ việc sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành khai thác nên các thiết bị thông tin được tự động hóa, các thông tin về điểm dừng đỗ và các bến tiếp theo đều được thông báo qua màn hình hiển thị và qua hệ thống phát thanh trên xe. Bởi vậy, hành khách đi xe phải chủ động tìm hiểu thông tin về các chuyến đi để tránh tình trạng nhỡ bến, gây mất thời gian.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: "Chính xe buýt nhanh cũng hiện đại nên ý thức người dân dễ hòa nhập. Trước khi đi xe, anh phải xem bảng thông báo của người ta có đúng điểm đỗ không, thứ hai lịch chạy xe thế nào, mấy phút một chuyến, thứ ba khi lên xe, tôi cho rằng, người ta đã quy định cửa nào lên, cửa nào xuống".

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, trong điều kiện Hà Nội đang triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm…. thì việc tiếp cận xe buýt nhanh sẽ giúp người dân làm quen với việc sử dụng các phương tiện vận tải hiện đại, văn mình sau này. Cho dù là sử dụng xe buýt nhanh, hay tàu điện ngầm, mỗi hành khách đi xe phải tự tìm hiểu những thông tin cụ thể, lịch trình, giờ hoạt động loại phương tiện đó, để hạn chế những ảnh hưởng của kế hoạch của bản thân.

"Thứ nhất là có kiến thức về loại phương tiện mình sử dụng. Thứ hai là nắm được cách đi lên và đi xuống, thời gian đóng và mở cửa của loại phương tiện giao thông công cộng đó. Nếu không có được những kiến thức đó thì rất có thể nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện đó. Thứ ba, cũng cần có kiến thức khi ra vào tại các lối vào dẫn xuống, cách sử dụng thẻ hoặc mua vé để có thể tham gia được các phương tiện giao thông công cộng", chị Hồng Phương nói.

Người dân cần nâng cao ý thức khi sử dụng loại phương tiện công cộng hiện đại này. Ảnh: Dân trí

Từ thực tế, người dân sử dụng các phương tiện xe buýt hiện nay, anh Đinh Hùng Mạnh, ở Hoàn Kiếm , Hà Nội cho rằng, nhiều hành khách chưa có thói quen xếp hàng và nhường nhịn nhau khi lên, hoặc xuống xe. Điều này gây ra tình trạng lộn xộn tại các điểm dừng đỗ xe buýt, cũng như có thể tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó, tại Nhật Bản, người dân dù mua đồ ăn, mua vé hay lên tàu đều tự giác tuân thủ việc xếp hàng, hình thành môi trường văn nh, lịch sự nơi công cộng. Bởi vậy theo anh Hùng Mạnh, người dân thủ đô nói chung và những hành khách sử dụng xe buýt nhanh cũng cần xây dựng và tạo lập thói quen xếp hàng khi sử dụng các phương tiện vận tải công cộng.

"Họ thường xếp hàng đúng vạch, ngăn nắp, có hàng có lối chứ không chen lấn, xô đẩy từ cách lên tàu. Khi lên tàu điện, họ thường nhường ghế cho người già, trẻ em trước. Ngay cả trong tàu điện ngầm, họ đứng rất gọn gàng, không chen lấn, xô đẩy, và không có hiện tượng tranh giành nhau ghế ngồi tàu. Ngay cả xe buýt của Nhật, họ cũng làm điều tương tự như vậy", anh Hùng Mạnh nói:.

Theo thiết kế ban đầu, hệ thống xe buýt nhanh sẽ sử dụng thẻ từ thay cho vé giấy để thanh toán tiền vé xe buýt. Tuy nhiên, về lâu dài, hành khách sẽ sử dụng thẻ từ để thanh toán cho quá trình sử dụng xe buýt nhanh nói riêng và các phương tiện vận tải công cộng khác nói chung. Việc sử dụng thẻ từ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mua vé, tiết kiệm được nhân lực để soát và kiểm tra vé, mà nó còn giúp cho công tác quản lý doanh thu, chi phí trên các tuyến xe buýt được rõ ràng, nh bạch.

Song để khuyến khích hành khách sử dụng thẻ từ để thanh toán, ông Nguyễn Mạnh Tuấn- Phó Giám đốc BX Mỹ Đình lưu ý: "Để dùng thẻ hoặc một hình thức nào đó không dùng tiền mặt, trước tiên, mình phải tuyên truyền cho người dân biết, hình thức đó rất thuận tiện, an toàn. Thứ hai là sử dụng công nghệ rất tiện lợi để ai cũng có thể sử dụng được. Thứ ba là khuyến khích người dân sử dụng hình thức thẻ thì giá phải thấp hơn so với dùng tiền mặt hoặc có những phương tiện chỉ sử dụng thẻ mới sử dụng được phương tiện đó thôi".

Phát triển giao thông công cộng bằng việc đưa vào vận hành sử dụng các phương tiện vận tải hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt nhanh là xu hướng của nhiều đô thị phát triển. Tuy nhiên, để hệ thống này phát huy hiệu quả, mỗi hành khách khi sử dụng cần có những kiến thức, kỹ năng cần thiết và đặc biệt cần tuyệt đối tuân thủ các quy định, sự chỉ dẫn của các đơn vị vận hành để đảm bảo các chuyến đi được vận hành an toàn, thuận lợi.