Trách nhiệm - Ai là ai?

Các dự án đường sắt đô thị đua nhau chậm tiến độ, đội vốn diễn ra nhiều năm, nhiều lần đến mức không còn ai ngạc nhiên hay bất bình thường. Đây là điều không thể chấp nhận...

Đã đến lúc cần có cơ chế giám sát, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, ngay cả với đơn vị cấp vốn, thậm chí từ chối nếu phải vay với những điều kiện không phù hợp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Các dự án đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng liên tục lùi tiến độ, tăng vốn đến mức không ai còn ngạc nhiên, không ai còn cảm thấy bất bình thường, là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm. Thậm chí, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng dễ dàng được liệt kê.

Ví dụ, với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT liệt kê được 12 nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân rất cụ thể là do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài dẫn tới phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ai là người phải chịu trách nhiệm về việc thiết kế phải điều chỉnh trong suốt quá trình đằng đẵng hàng chục năm? Tất nhiên, không ai cả.

Để một dự án đầu tư công được phê duyệt thì bao gồm một quá trình thẩm định được quy định rất chặt chẽ. Từ luận cứ khoa học về tác động kinh tế, xã hội và môi trường, tính cấp thiết của dự án, đến nguồn vốn đầu tư, năng lực nhà thầu… nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.

Theo quy định tại Điều 71 Luật xây dựng năm 2014 quy định về trách nhiệm của tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng thì cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về ý kiến, kết quả thẩm định dự án của mình.

Nhưng khi các nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cả chục năm, đội vốn hàng chục lần, gây thiệt hại cho nhà nước không chỉ về tiền bạc, mà còn ảnh hưởng tới hàng loạt cơ hội phát triển của đất nước, chúng ta chưa thấy bất cứ tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vai trò thẩm định của mình.

Dự án chậm tiến độ, đội vốn, vậy ai là người tính ra cái tiến độ ấy, tính ra tổng mức đầu tư ấy mà không tính được các nguyên nhân dẫn đến chậm chễ, rồi tăng vốn? Ai là người thẩm định mà bỏ qua?

Nhìn lại các dự án đầu tư hạ tầng đội vốn, chậm tiến độ trong suốt thời gian qua, chúng ta thấy tất cả đều giống như nạn nhân, tất cả đều vô can, không có bất cứ ai phải chịu trách nhiệm.

Nó khiến cho người dân có cảm giác là chúng ta cứ quyết định đầu tư, làm được đến đâu thì làm, bao giờ xong thì xong, hết bao nhiêu tiền cũng được.

Đơn vị tư vấn cứ tư vấn, nếu sai thì thôi.

Đơn vị thẩm định cứ thẩm định, không đúng thì thôi.

Đơn vị thi công cứ thi công, nếu hết tiền thì thôi.

Chủ đầu tư cứ đầu tư, hết tiền thì thôi.

Tất nhiên, người dân cứ chờ, chờ chán thì thôi.

Một dự án đầu tư công bằng tiền thuế của người dân, hay bằng tiền đi vay, tức là tạm ứng tiền thuế của thế hệ sau, đã đến lúc cần có những con người cụ thể phải chịu trách nhiệm trước người dân.

Ai tư vấn, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nào khi đó là nguyên nhân tăng vốn, chậm tiến độ?

Ai chọn nhà thầu, người đó phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật nếu nhà thầu không đủ năng lực?

Ai thẩm định, người đó phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật nếu như kết quả thẩm định thiếu chính xác, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân?

Đã đến lúc người dân có quyền được biết ai là ai, và ai là người phải chịu trách nhiệm cho niềm tin bị đổ vỡ của mình.