TP.HCM: Sau gần 1 tháng cho thuê vỉa hè, người dân đồng thuận cao

Sau gần 1 tháng UBND Quận 1 (TP.HCM) thí điểm cho thuê một phần vỉa hè để kinh doanh đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân; đã có 193 hộ đăng ký trên 11 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần để tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa.

Quận 1 cũng là địa phương đầu tiên tại thành phố áp dụng việc thí điểm thu phí sử dụng một phần vỉa hè trong hoạt động kinh doanh, mua bán.

 

Quận 1, TP.HCM thí điểm thu phí cho thuê một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh, mua bán

Dạo qua một vòng trên nhiều tuyến đường Quận 1 (TP.HCM), chúng tôi ghi nhận gần 1 tháng nay, các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đường Hàm Nghi…không khí mua bán rất sầm uất, thế nhưng vỉa hè thì vẫn ngăn nắp, gọn gàng bởi vì mọi hoạt động kinh doanh của người dân đều được gói gọn phía trong vạch trắng và vạch vàng đã được lực lượng chức năng đo vẽ theo quy định. Điều này cho thấy văn nh đô thị sẽ bắt nguồn từ những thay đổi nhỏ nhất như thế này.

Anh Trần Minh Tài – Trợ lý giám đốc vận hành nhà hàng chay Tuệ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, cho biết nhà hàng đăng ký sử dụng hơn 10m2 vỉa hè, mỗi tháng đóng khoảng 1 triệu đồng. Nhà hàng cũng đã trang trí, bày thêm bàn ghế nhỏ bên ngoài giúp khách hàng dễ dàng nhận biết hơn:

"Mình thấy mức phí này cũng khá là hợp lý, so với mức giá ở quận 1 thì mình thấy cũng rất là ổn và khi mình đã trả phí rồi thì cũng thấy yên tâm hơn. Trong khi mình sử dụng mà có vấn đề gì phát sinh thì sẽ nhờ cơ quan nhà nước hỗ trợ sẽ tốt hơn".

Hè phố trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1 trở nên ngăn nắp, gọn gàng hơn kể từ khi triển khai cho thuê một phần hè phố phục vụ kinh doanh, mua bán từ ngày 9/5 vừa qua.
Người dân yên tâm, thoải mái ngồi ăn, uống trong phạm vi đã được quy định

Cũng như anh nhà hàng chay Tuệ, quán cà phê của chị Trần Thị Thanh Tuyền thuộc phường Bến Thành, Quận 1, hiện đang thuê thêm phần diện tích vỉa hè là 8m² với giá thuê 100.000đ/m², như vậy mỗi tháng chị Tuyền sẽ phải đóng thêm 800.000 đồng.

Với chi phí này, chị Tuyền cũng đã yên tâm để tổ chức hoạt động kinh doanh, không lo phải chạy dọn dẹp mỗi khi lực lượng đô thị kiểm tra như trước đây, việc này cũng đã đem lại sự hài lòng, thoải mái cho thực khách: "Đa phần khách du lịch thích ngồi ở phía ngoài để ngắm nhìn đường phố, ngồi trong nhà họ không thích lắm bằng ngồi phía ngoài. Nên hiện nay, nhà nước cho một phần để xe phía ngoài, một phần để kinh doanh thì rất là thuận tiện. Vả lại, cũng ngăn nắp và đẹp phố".

Để phục vụ việc thí điểm 11 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân quận 1 đã ra mắt phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM cho biết phần mềm này có thể giúp người dân tra cứu nhanh chóng chức năng vỉa hè tại từng vị trí của 11 tuyến đường: "Vừa qua, Ủy ban phường cũng đã có thông tin đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên mặt tiền tại tuyến đường Trần Đạo để đăng ký phần mềm và sau khi các hộ đăng ký thì phường sẽ rà soát và cung cấp thông tin lại về diện tích các hộ dân, các hộ kinh doanh được sử dụng. Trên cơ sở đó, các hộ sẽ đóng phí qua phần mềm liên kết với hệ thống ngân hàng".

Quận 1, TP.HCM triển khai quản lý, đăng ký cho thuê một phần hè phố thông qua phần mềm.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người thuê đóng phí qua phần mềm liên kết với ngân hàng.

Theo thông tin từ UBND Quận 1, tình hình thu phí sử dụng tạm vỉa hè để kinh doanh, mua bán tại 11 tuyến đường quận 1 tiếp nhận ngày càng nhiều hộ đăng ký. Trong đó, phường Bến Thành nhiều nhất với 129 trường hợp; phường Cầu Ông Lãnh 12 trường hợp; phường Đa Kao 15 trường hợp... Tổng diện tích hè phố dự kiến đăng ký sử dụng tạm thời là 1.459m². Một số tuyến được đăng ký sử dụng vỉa hè nhiều nhất là đường Lê Thánh Tôn (71 trường hợp); đường Phan Bội Châu (34 trường hợp); đường Phan Chu Trinh (23 trường hợp)...

Ông Nguyễn Thành Phát – Trưởng phòng Quản lý Đô thị, UBND quận 1, TP.HCM cho biết nhờ vào ứng dụng trên thiết bị điện tử thông nh, Ủy ban nhân dân quận 1 đã đơn giản hóa các thủ tục, không cần nhân lực trực tiếp xuống tận từng điểm thuê hè phố thu phí, mà có thể thu, nộp phí qua phần mềm liên kết với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên.

"Việc tra cứu chức năng hè phố của quận 1 bằng cách quét mã QR code cho phép người dân tra cứu các bản đồ số vỉa hè, danh mục các tuyến đường phù hợp để hoạt động kinh doanh dịch vụ buôn bán hoặc để xem ễn phí. Người dân cũng có thể tra cứu các vị trí đủ điều kiện để giữ xe có thu phí. Đối với nhà nước, thông qua phần mềm này, chúng ta có thể quản lý các tuyến đường thành phố một cách hiệu quả và nhanh chóng. Các tổ chức và Ủy ban nhân dân các phường có thể phê duyệt các phương án sử dụng của các tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận hồ sơ một cách nhanh chóng và thuận lợi", ông Phát cho biết.

Khu vực để xe, lối đi bộ, diện tích kinh doanh đã được cơ quan quản lý xác định rõ ràng trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn nhu cầu sử dụng một phần lòng đường vỉa hè để hoạt đông kinh doanh, mua bán của người dân cũng có, bên cạnh đó hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo  việc đậu, dừng đỗ xe trên một phần lòng đường cũng đang bị hạn chế  thành phố đã xác định để giải quyết thì  cũng phải đưa vào công tác quản lý.

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết: "Việc triển khai này là nhằm xác lập các khu vực trọng tâm, trọng điểm vì chúng ta xác định đường giao thông và hè phố là ưu tiên dành cho giao thông. Chỉ khi những khu vực đảm bảo được các yếu tố như vỉa hè rộng và lòng đường rộng, chúng ta mới xác lập khu vực đó có thể cho người dân kinh doanh buôn bán và cho phép dừng đỗ xe dưới lòng đường mà không gây cản trở giao thông. Có địa điểm thì không thu phí, có khu vực thì thu phí. Việc xác lập như vậy nhằm dần dần đưa vào nề nếp để quản lý an toàn và trật tự".

Trước khi áp dụng thí điểm thu phía vỉa hè, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ về những tuyến đường có khả thi để triển khai. Chỉ những tuyến đường, đoạn đường có chiều rộng tối thiểu 3m mới đủ điều kiện, bởi phải dành 1,5m cho người đi bộ, còn lại là để xe máy hoặc để có thêm mặt bằng buôn bán. Thời gian thực hiện thí điểm từ nay đến hết quý 3/2024.

Ngoài 11 tuyến đường đã chọn, lãnh đạo UBND Quận 1 cũng đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và nhân rộng trên khắp địa bàn quận. Thời gian tới các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng sẽ tiến hành khảo sát, lập danh sách tuyến đường để áp dụng thí điểm cho thuê hè phố tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu./.