Tổn thất kinh tế, chảy máu chất xám từ các công trình đường sắt chậm triển khai

Một số chuyên gia cảnh báo, sự chậm trễ triển khai các dự án đường sắt đô thị có thể khiến Hong Kong 'chảy máu chất xám' nhân lực ngành đường sắt, bên cạnh đó, tổn thất lớn về mặt kinh tế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các chuyên gia cho rằng ngành đường sắt Hong Kong đang bị tụt lại phía sau

Theo thống kê của Cục giao thông và nhà ở Hong Kong (Trung Quốc), thời gian qua, chỉ 2 trong số 7 dự án đường sắt đô thị, đã công bố quy hoạch chi tiết từ năm 2014 đang được triển khai. Tuy nhiên, hai dự án này đang trong chậm tiến độ khiến thời gian hoàn thành có thể phải kéo dài thêm ít nhất 5 hoặc 6 năm.

Ông Henry Cheung Nin-sang, Chủ tịch Hiệp hội chuyên gia vận tải đường sắt cho biết, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cách tốt nhất để vực dậy ngành vận tải và kinh tế là thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông. 

Do đó, việc chậm trễ triển khai các dự án không chỉ kìm hãm sự hồi phục kinh tế mà còn kéo ngành đường sắt Hong Kong tụt lại phía sau. Dự tính, những tổn thất này có thể lên tới 100 tỷ đô la Hong Kong (khoảng 13 tỷ đô la Mỹ).

Ông Henry Cheung Nin-sang bày tỏ: “Chúng tôi rất buồn vì các dự án bị trì hoãn quá lâu. Điều này thật khó chấp nhận. 6 năm qua chúng ta mới triển khai được 2 dự án nhưng đều bị chậm tiến độ tới 5-6 năm”.

Năm 2014, cơ quan chức năng Hong Kong vạch ra chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị có tầm nhìn quy hoạch tới năm 2031. Đó là xây dựng nhà ga ở khu vực Kwu Tung và Shui Kiu, hình thành tuyến đường sắt East Kowloon, Tung Chung hay South Island…

Tất cả những dự án này đều được khảo sát, thiết kế quy hoạch chi tiết dựa trên dự báo về nhu cầu đi lại của người dân, chi phí xây lắp cũng như tốc độ phát triển của các quận. Nhiều tính toán lạc quan tại một số dự án còn cho thấy, với số vốn đầu tư khoảng 19 tỷ đô la Hong Kong, sau khi vận hành, tuyến đường sắt có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 60 tỷ đô la Hong Kong sau 50 năm hoạt động. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt còn rút ngắn thời gian đi lại cũng như góp phần giảm áp lực cho các ngành vận tải khác.

Nhiều dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ

Tuy nhiên, nhiều năm sau quy hoạch, các dự án vẫn chỉ ‘nằm trên giấy” hoặc dự kiến bắt đầu triển khai xây dựng vào năm 2023.

Ông Cheung Siu-wa, cựu Chủ tịch Học viện đường sắt Hong Kong chia sẻ: “Mỗi dự án hạ tầng giao thông đều mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp hàng năm như tạo việc làm,  kết nối giao thương hay rút ngắn thời gian đi lại. Tôi cho rằng sự chậm trễ triển khai này gây thiệt hại vô cùng lớn”.

Theo ông Cheung, việc thiếu vắng các dự án quy mô lớn trong những năm gần đây còn khiến ngành đường sắt Hong Kong bị ‘chảy máu chất xám’. 

Cụ thể, nhiều kỹ sư, chuyên gia đường sắt hàng đầu của đặc ku này buộc phải tìm kiếm việc làm ở những nơi khác như Singapore, Malaysia hay Thái Lan.

Ông Cheung cho rằng, cách thức hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế và tạo việc làm là tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, chính quyền cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong việc thực hiện các dự án đường sắt.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, hiện có 5 dự án đường sắt đô thị đang thi công rơi vào tình trạng chậm tiến độ gồm 3 dự án do Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư là dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, khó khăn chung của các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, việc giải phóng mặt bằng hạn chế. 

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vừa qua bị phản ánh đội vốn, chậm tiến độ trước tiên phải xem xét trách nhiệm từ chính mình. Bởi, phải nhận thức rằng, đường sắt đô thị là một ngành mới, thế giới có hàng trăm năm nhưng với Việt Nam là mới. Vì thế, về nhân sự, phải tìm kiếm được những người giỏi có kinh nghiệm, thậm chí là phải có Tổng công trình sư cho các dự án đường sắt đô thị nói chung. Về vấn đề này, Việt Nam chưa chọn được nhân sự đủ trình độ quản lý các công trình trọng điểm quốc gia.