Tồn đọng nhiều GPLX của người vi phạm: Thiếu liên kết thông tin khiến khó xử lý

VOVGT - Hiện nay, tại hầu hết các đơn vị CSGT trong tỉnh đều có tình trạng tồn đọng GPLX do người vi phạm không đến nhận quyết định xử lý và nộp phạt.

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sau khi lập biên bản xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ giấy tờ liên quan, trong đó chủ yếu là giấy phép lái xe của người vi phạm, khi người vi phạm nộp phạt thì mới được nhận lại. Tuy nhiên, hiện nay tại hầu hết các đơn vị CSGT trong tỉnh đều có tình trạng tồn đọng giấy phép lái xe do người vi phạm không đến nhận quyết định xử lý và nộp phạt.

Theo thống kê của Trạm CSGT TP. Hải Dương, từ năm 2012 đến nay, có tới 1.339 trường hợp vi phạm chưa đến chấp hành xử phạt theo quy định. Còn tại Đội Xử lý vi phạm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương), từ tháng 11/2012 đến nay, có 155 hồ sơ vi phạm quá thời hiệu thực hiện quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không đến xử lý. Ngoài ra, còn có 147 trường hợp vi phạm đã đến nhận quyết định xử phạt nhưng không đến Kho bạc Nhà nước để nộp tiền, chấp nhận bỏ bằng lái.

Tình trạng tồn đọng GPLX xuất hiện ở nhiều địa phương do người vi phạm không đến nhận quyết định xử lý và nộp phạt (Ảnh nh họa)

Thừa nhận thực tế này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2016 số lượng tước giấy phép lái xe rất lớn, đặc biệt là Nghị định số 46 thì chế tài nâng lên, cả nước có hàng triệu trường hợp bị áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, theo ông Hà, số người vi phạm quay lại cơ quan công an thực hiện các thủ tục nộp phạt rất ít, mà người vi phạm chọn giải pháp làm lại giấy phép lái xe.

Ông Hà cho biết: "Chúng tôi đã lập hồ sơ kỹ và xác nh sâu để xem thất thoát ở khâu nào, giấy phép đang nằm ở cơ quan công an, họ không quay lại. Có chỗ như Hà Nội, một năm sau họ xác nhận, xã phường xác nhận là ốm đi viện, bây giờ mới đến thực hiện. Cái đó không có giá trị, bởi vì chúng tôi xác nh không nằm viện, không có đơn thuốc nào cả".

Tìm hiểu thực tế, được biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên chính là do người vi phạm lợi dụng sự thông thoáng khi cấp lại giấy phép lái xe, bởi theo quy định hiện hành, những hành vi vi phạm như chạy môt tô, xe máy quá tốc độ sẽ bị phạt tiền từ 500 - 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu xin cấp lại giấy phép lái xe chỉ phải nộp lệ phí 200.000 đồng. Như vậy, so với việc nộp phạt để lấy lại giấy phép lái xe bị tạm giữ, thì việc làm lại giấy phép lái xe sẽ tiết kiệm đáng kể cho người vi phạm.

Trong khi đó, theo quy định, hồ sơ để cấp lại giấy phép lái xe mô tô gồm có: Đơn trình báo mất có xác nhận của UBND xã, phường; giấy khám sức khỏe của bệnh viện tuyến huyện; hồ sơ làm giấy phép lái xe gốc và chứng nh thư bản phô-tô công chứng. Trong số những giấy tờ trên, chỉ có đơn trình báo mất có xác nhận của UBND xã, phường là căn cứ để đơn vị cấp lại giấy phép lái xe xác định người xin cấp lại có bị mất giấy phép lái xe hay không. Đối với những trường hợp vi phạm, CSGT sẽ gửi thông báo đến chính quyền nơi cư trú của người vi phạm để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc gửi thông báo và trả lời thông báo này của chính quyền lại không thường xuyên, dẫn đến việc cấp lại giấy phép lái xe khá dễ dàng.

Trong cuộc họp gần đây của UBATGTQG, một số ý kiến cũng đề cập việc các lái xe lưu hành bằng biên bản và bỏ giấy phép lái xe khi bị CSGT tạm giữ. Về điều này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc thiếu liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng quản lý trong quản lý. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: "Ví dụ như tôi bị tước giấy phép lái xe do công an lập biên bản, mà về nhà có ông bác làm ở phường, thế là xin xác nhận bị mất cắp, khi đó đến Sở Giao thông họ căn cứ vào đó lại cấp lại. Do vậy, rõ ràng phải có cơ chế liên thông, buộc Sở Giao thông không thể cấp lại khi công an đã có thông tin đó".

Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho biết, Thông tư liên tịch số 01 trước đây chưa quy định việc liên kết thông tin giữa các Sở GTVT và lực lượng CSGT. Đặc biệt, có tình trạng sử dụng 2 giấy phép lái xe, do người vi phạm báo mất rồi được cấp giấy phép lái xe khác. Để khắc phục tình trạng này, thiếu tướng Trần Sơn Hà đề nghị: "Đề nghị có một quy định liên thông hoặc bổ sung Thông tư 01 về việc kiểm soát các phương tiện bị tạm giữ giấy phép lái xe thì phải được kiểm soát, chứ cứ một ông cấp, một ông tước thì không kiểm soát được, mà quản lý nhà nước lại lỏng".

Tình trạng quá thời hiệu thực hiện quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không đến xử lý ngày càng nhiều làm giảm hiệu quả việc xử lý, răn đe đối với các trường hợp vi phạm, dễ dẫn đến nhờn luật. Do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng CSGT, chính quyền địa phương và cơ quan cấp giấy phép lái xe để tăng hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng và bảo đảm sự nghiêm nh của pháp luật.