Tìm cách khắc phục sự 'lệch pha' trong xử lý xe quá tải

VOVGT - Thực trạng thiếu nhất quán trong việc xử lý xe quá tải không chỉ khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn, mà cả lái xe, doanh nghiệp cũng bức xúc.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Thời gian qua, Kênh VOVGT Quốc gia liên tiếp nhận được những phản ánh của lái xe về sự thiếu nhất quán trong việc xử lý xe quá tải. Cụ thể, một số trường hợp quá tải, lực lượng CSGT xử phạt căn cứ theo giấy đăng lý xe để phạt lái xe. Tuy nhiên, cũng lỗi tương tự, một số trường hợp bị thanh tra giao thông xử phạt cả với lái xe và chủ doanh nghiệp, khiến mức phạt tăng lên đáng kể. Thực trạng này không chỉ khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn, mà cả lái xe, doanh nghiệp cũng bức xúc.

Nhiều lái xe phản ánh về sự thiếu nhất quán trong việc xử lý xe quá tải (Ảnh nh họa: baotintuc.vn)

Anh Nguyễn Đức Long, một tài xế xe tải ở Huế phản ánh: anh điều khiển phương tiện từ Huế chở hàng ra Bắc giao hàng. Khi đến địa phận tỉnh Hưng Yên thì bị lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện lỗi chở hàng quá tải từ 10 đến dưới 30% và vi phạm tải trọng cầu từ 10-20%.

Theo anh Long, thông thường, với những lỗi này, lực lượng CSGT sẽ phạt lái xe căn cứ theo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Hưng Yên đã xử phạt anh Long với 2 mức phạt: 3,4 triệu đồng đối với lái xe và phạt 12 triệu đồng đối với doanh nghiệp.

Anh Long bức xúc: Xe của anh mang tên anh. Tuy nhiên, ở Huế, bắt buộc các đầu xe phải vào Hợp tác xã, khi đó Hợp tác xã sẽ cung cấp phù hiệu cho xe đi, trên phù hiệu mang tên HTX vận tải Trường An. Như vậy, mức phạt đó như thế nào?

Anh Nguyễn Đức Long nói: 

 

Sau rất nhiều thời gian giải thích các quy định tại Nghị định 46 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt của lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Hưng Yên, mặc dù vẫn nộp phạt, song anh Long rất bức xúc vì sự thiếu nhất quán, gây thiệt hại cho lái xe và doanh nghiệp.

Giải thích về quyết định của mình, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho biết, với trường hợp của anh Nguyễn Đức Long và các trường hợp tương tự, lái xe thường bị phạt 2 lỗi: vi phạm tải trọng xe ở mức 10-30%, thứ hai là vi phạm tải trọng cầu đường từ 10-20%. Theo ông Hùng, xe của anh Long dù đăng ký mang tên cá nhân, nhưng phù hiệu mang tên hợp tác xã, nên theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt thì phạt cả chủ xe và lái xe.

Cũng theo ông Hùng, trước khi ban hành quyết định xử phạt, Thanh tra GTVT tỉnh Hưng Yên đã có công văn xác nh tại Sở GTVT Thừa Thiên –Huế thì được biết, phù hiệu này cấp cho hợp tác xã.

Ông Hùng cho biết: Lực lượng chức năng phải căn cứ theo quy định, đối với những trường hợp như thế là phải căn cứ vào phù hiệu vì khi tham gia một tổ chức để kinh doanh thì tổ chức đấy là đại diện cho chiếc xe đó, lúc đó đối tượng xử phạt là tổ chức chứ không phải cá nhân.

Ý kiến củ ông Trần Mạnh Hùng - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên:

 

Thừa nhận sự bất cập này, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay có sự vênh nhau giữa Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải và nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Cụ thể, lực lượng CSGT thường xử phạt căn cứ vào đăng ký xe. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông lại căn cứ vào phù hiệu để xử phạt, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, xe đăng ký theo tên cá nhân, nhưng khi tham gia vận tải phải gia nhập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để được cấp phù hiệu, chịu sự điều hành của hợp tác xã. Do vậy, người điều hành phương tiện đó thực chất là hợp tác xã nên việc cơ quan chức năng xử phạt với doanh nghiệp cũng là hợp lý.

Bà Hiền cho biết: Hiện nay giấy đăng ký xe thì mang tên cá nhân, còn phù hiệu mang tên của doanh nghiệp. Trong thực tế, nếu lỗi phạt cá nhân là 10 triệu thì lỗi phạt doanh nghiệp thường 20 triệu nên có lúc CSGT phạt theo cá nhân, có lúc CSGT phạt theo tên tổ chức, doanh nghiệp. 

 

Đề cập giải pháp khắc phục, tạo sự thống nhất trong thực thi nhiệm vụ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang giao cho Vụ Pháp chế rà soát, thống nhất thực hiện.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm: Vụ Pháp chế đang rà soát cùng với công an để thống nhất cách xử lý vì hiện nay việc căn cứ vào phù hiệu kinh doanh vận tải thì đang căn cứ vào Nghị định 86, còn việc xử phạt thì lại căn cứ vào Nghị định 46. 

 

Tình trạng thiếu nhất quá trong việc xử phạt theo giấy đăng ký xe và theo phù hiệu diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây. Tại một Hội nghị của Bộ GTVT tổ chức mới đây, đại diện một số Sở GTVT cũng băn khoăn về những quy định này và đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm rà soát để thống nhất áp dụng.