Tiếp cận rượu bia vẫn quá dễ dàng

Cách đây không lâu, đề xuất của một đơn vị CSGT tại TP.HCM đã gây “bão” tranh luận, khi yêu cầu chủ quán nhậu báo tin cho công an nếu thấy khách uống rượu bia vẫn cố tình lái xe. Đa số ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ mang tính nhắc nhở các hàng quán về trách nhiệm và bổn phận của họ.

Còn hiệu lực thực tế chỉ bằng… không.

Bởi lẽ, họ không thể nào “bán đứng” khách hàng của mình, nếu không muốn bị tẩy chay và rơi vào cảnh ế ẩm. Thay vì phụ thuộc vào tính tuân thủ phi logic ấy, lực lượng chức năng cần các giải pháp, chế tài đủ mạnh để uốn nắn, răn đe, hướng trực tiếp tới người bán rượu bia, xa hơn là ngành công nghiệp rượu bia.

Thực tế, ngay sau khi được Quốc hội thông qua năm 2019, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được chính tổ soạn thảo đánh giá là “còn yếu” so với quy định của các nước trong khu vực.

Các nội dung về hạn chế quảng cáo rượu bia, hạn chế nơi bán, chỉ được bán theo giờ, buộc khách hàng xuất trình chứng nh thư/căn cước công dân, cấm bán rượu bia trên mạng, hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống, không ép buộc, khích bác nhau uống rượu... cho đến nay đều dừng ở mức khuyến nghị, hoặc chưa có hiệu quả trên thực tế.

Ngoài ra, một công cụ rất hữu hiệu được các quốc gia sử dụng là tăng thuế, lập rào cản bằng giá bán lại không được đưa vào Luật Phòng chống tác hại rượu bia, mà phải chờ các quy định và Luật khác sửa đổi sau.

Trong bối cảnh đó, những điểm sáng hiếm hoi như quy định “Lái xe sau khi uống rượu bia, dù ít dù nhiều, đều bị xử phạt”, hay tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100… mới giải quyết phần nào phần ngọn của vấn đề.

Việc tuần tra, mật phục, hóa trang, đón lõng tại các nhà hàng, quán bia, vũ trường trong cao điểm sẽ không thể duy trì mãi, và nhân lực cũng làm không xuể.

Những vụ TNGT kinh hoàng liên quan tới rượu bia, những sinh mạng ra đường nhưng vĩnh viễn không trở về nhà, những thủ phạm gây nên thảm cảnh không đủ tỉnh táo để nhận biết tình huống.

Người trẻ vẫn bị bủa vây bởi quảng cáo rượu bia, đồ uống có cồn trên ti vi, mạng xã hội, thông qua người nổi tiếng; họ dễ dàng tiếp cận, mua sắm và sử dụng được các sản phẩm này tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, quán nước, nhà hàng mọc lên nhan nhản khắp nơi với giá rẻ; Không ai hoặc ít người dám can ngăn họ tự lái xe sau những chầu nhậu tới bến.

Tất cả những sự thật hiển nhiên này vẫn đang tồn tại, nó giải thích tại sao trải qua rất nhiều đợt cao điểm xử lý nhưng vi phạm về nồng độ cồn vẫn rất cao. Theo như lời của các CSGT là, không kiểm tra thì thôi, chứ đã kiểm tra thì sẽ có, càng kiểm tra nhiều, càng phát hiện vi phạm nhiều!

Có thể nói, cuộc chiến chống tác hại của rượu bia vẫn còn trường kỳ. Bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho phòng tuyến này bằng kiện toàn, bổ sung quy định, các điều Luật, bên cạnh việc thực thi công vụ nghiêm nh, kiên quyết xử lý sai phạm, không cả nể bỏ qua, rất cần thêm những sáng kiến, công cụ kỹ thuật để lập nên hàng rào tiếp cận với rượu bia, đặc biệt với người trẻ.

Đó có thể là việc giám sát bằng camera các tài xế tự lái xe ra về sau khi uống rượu bia từ quán nhậu, là xử phạt nguội thông qua hình ảnh, clip người dân gửi về chứng nh người vi phạm, là các chế tài mạnh với các quán nhậu tái phạm nhiều lần về việc để khách say xỉn tự lái xe về, khuyến khích những tổ chức, cá nhân có sáng kiến, cách làm hay bảo đảm sự an toàn cho người uống rượu bia.

Muốn hạn chế tận gốc vấn đề, cần phòng ngừa tận nơi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ đồ uống có cồn, cần một lời tuyến chiến mạnh mẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng với ngành công nghiệp rượu bia.