Tiền xử phạt vi phạm giao thông: Để lại địa phương bao nhiêu cho hợp lý?

VOVGT - Nguồn tiền xử phạt từ địa phương nộp lên Trung ương, sau đó Bộ Công an lại rót về địa phương đang tạo cơ chế xin – cho, gây khó khăn cho các địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

CSGT xử phạt một trường hợp vi phạm

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm 2017 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức gần đây, một số ý kiến tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu, cho phép để lại 100% kinh phí từ việc xử phạt an toàn giao thông cho các địa phương chủ động sử dụng nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc duy trì trật tự ATGT.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo Luật Ngân sách năm 2015, toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt phải giao nộp về trung ương. Do vậy, với những địa phương đang hưởng trợ cấp của Trung ương như Quảng Trị là rất khó khăn.

Theo ông Chính, như năm 2017, Quảng Trị chỉ được bố trí khoảng 600 triệu đồng, trong khi nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông phải chi cho các hoạt động từ cơ sở trong các xã, phường tại hơn 10 huyện, thị nên việc bố trí kinh phí cho việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn. Do vậy, ông Chính đề nghị, 100% kinh phí xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông thu được từ địa phương nào thì để lại địa phương đó chủ động sử dụng.

Ông Chính nói: "Lực lượng công an được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo của tỉnh, nhưng kinh phí thì địa phương không quản lý được cho nên rất mất chủ động và rất thiếu kinh phí để hoạt động. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu lại, đề xuất với Chính phủ theo hướng tiền thu xử phạt an toàn giao thông ở đâu thì để lại đó để các địa phương chủ động phân bổ".

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết:

 

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng bày tỏ, trước đây, khoản thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông do địa phương thực hiện sẽ được để lại địa phương 100%. Tuy nhiên, từ năm 2014, khoản này phải giao về Trung ương 70%, địa phương chỉ giữ lại 30%. Đây là vấn đề theo ông đã được tỉnh kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có gì thay đổi.

Dẫn chứng từ năm 2016, tỉnh An Giang thu 121 tỷ đồng từ xử phạt vi phạm an toàn giao thông, nhưng chỉ được Trung ương phân bổ về 24 tỷ đồng. Theo ông Thạnh, trong khi nhu cầu đầu tư đảm bảo an toàn giao thông tại địa phương là lớn, nhưng để lập dự toán từ năm trước, cho đến khi được phê duyệt, được giải ngân khoản thu trên là không hề dễ dàng, thậm chí tạo cơ chế xin –cho, khiến các địa phương rất khó khăn trong việc bố trí kinh phí đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, trước đây, tiền xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông được giữ lại địa phương 100%. Tuy nhiên, từ 1/7/2013, số tiền này phải trích 70% về Bộ Công an. Cuối năm, các địa phương phải lập dự toán của năm sau gửi về Bộ Công an để xin cấp kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Theo ông Long, chính việc không chủ động được nguồn kinh phí khiến các dự án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bản triển khai rất chậm.

Ông Long kiến nghị: "Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia sớm thực hiện phân cấp quyền sử dụng tiền phạt an toàn giao thông cho các địa phương để chúng tôi trang bị phương tiện theo đúng địa bàn".

Nghe ý kiến của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh:

 

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý kinh phí xử phạt an toàn giao thông phù hợp với thực tiễn; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ giải quyết dứt điểm vấn đề trên. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phân cấp cho địa phương trên cơ sở phục vụ an toàn giao thông, nếu cần điều tiết về Trung ương thì tính tỷ lệ nhất định. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công an sớm giải quyết bức xúc của địa phương.