Thưởng nóng tiền mặt cho người cung cấp video vi phạm giao thông

Thời gian qua, những hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy có chiều hướng tăng cao, chính vì vậy, Cục CSGT đưa ra đề xuất, trả tiền cho người dân gửi video ghi lại các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng.

Tại Thái Lan, một đề xuất tương tự cũng vừa được CSGT nước này đưa ra, tuy nhiên ý tưởng hiện còn nhận không ít quan điểm trái chiều. 

Tai nạn giao thông từ lâu là vấn nạn hết sức nhức nhối tại Thái Lan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm Thái Lan có tới hơn 22.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ, một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Điều này cũng khiến những con đường của xứ chùa vàng trở thành nơi chết chóc nhất Đông Nam Á ở khía cạnh giao thông.

Phóng viên Siobhan Robbins của kênh tin tức Sky News thông tin: “Thái Lan dường như đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, nhưng lại đang khó kiểm soát một đại dịch khác là tai nạn giao thông đường bộ. Tỷ lệ tử vong cao khiến các con đường ở đây trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới.

Thực tế, dù gây tác động không nhỏ nhưng khó có thể tin được COVID-19 đã vô tình cứu sống hàng trăm mạng người khi các lệnh phong tỏa buộc người dân phải hạn chế đi lại và làm việc tại nhà. Số người chết vì tai nạn giao thông giảm trong thời gian diễn ra dịch bệnh là điều đòi hỏi nhà chức trách cần có một nghiên cứu tổng thể”.

Tai nạn giao thông từ lâu là vấn nạn hết sức nhức nhối tại Thái Lan - Ảnh AFP/Getty Images

Nghiên cứu cho thấy, người đi xe máy là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm 74% số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Thái Lan. Xe máy cũng là phương tiện đi lại phổ biến nhất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ như say rượu lái xe, phóng nhanh vượt ẩu hay không đội mũ bảo hiểm… là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tăng cao.

Anh Patipon Chautoluang, thành viên đội cứu hộ tai nạn giao thông tại Bangkok cho biết: “Mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ chúng tôi đều gặp những trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông. Đó thường là những người say xỉn hay lái xe mà không đội mũ bảo hiểm”.

Nói về ý thức chấp hành luật còn yếu kém của một bộ phận người tham gia giao thông, Tiến sĩ Tairjing Siripanich, Tổng thư ký Quỹ Không say xỉn khi lái xe nêu giải pháp: “Ngày nay luật giao thông đường bộ không mấy hiệu quả, gần như không ai tuân thủ luật pháp, bởi người Thái Lan dường như đang tuân theo một quy định nào khác.

Tuy nhiên, nếu clip vi phạm giao thông của bạn xuất hiện trên mạng xã hội, thì dù có là tỷ phú bạn cũng không thể xóa được clip đó. Nếu bạn càng cố bào chữa thì sự phản đối của công chúng càng lớn. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta cần tận dụng tối đa truyền thông mạng xã hội trong vấn đề an toàn đường bộ như thế nào?”

Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Tairjing Siripanich, cảnh sát Thái Lan mới đây đề xuất, sẽ trao giải thưởng tiền mặt trị giá 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) cho những ai chia sẻ clip hay nhất về các trường hợp vi phạm giao thông.

Cụ thể, nhà chức trách đề nghị người dân cung cấp video ghi lại những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng, sau đó chọn ra 7 ‘clip xuất sắc nhất’ để trao giải.

Theo Cảnh sát Thái Lan việc ‘thưởng nóng’ sẽ thúc đẩy hoạt động an toàn giao thông đường bộ - Ảnh Shutterstock

Ông Damrongsak Kittiprapas, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan chia sẻ: “Sẽ có hơn 7 triệu phương tiện đi lại trên đường trong dịp năm mới. Chiến dịch của chúng tôi nhằm mục đích nâng cao nhận thức về an toàn đường bộ và giảm số vụ tai nạn giao thông”.

Dù thông báo của cảnh sát Thái Lan nhấn mạnh, việc ‘thưởng nóng’ sẽ thúc đẩy hoạt động an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, điều này có thể khuyến khích mọi người thực hiện các hành vi nguy hiểm hoặc quay phim trong khi lái xe.

Ông Phillip Jordan, kỹ sư an toàn đường bộ quốc tế đến từ Australia nhận định: “Theo những gì tôi biết, hình thức thực hiện chiến dịch này có độ rủi ro cao nếu trao thưởng cho những video ghi lại hành vi giao thông xấu, kém hoặc không an toàn, nó có thể khuyến khích các tài xế dàn cảnh vi phạm để quay phim”.

Hiện ý tưởng trao giải thưởng tiền mặt cho video ghi lại hành vi vi phạm của cảnh sát Thái Lan đang gây ra một ‘cơn bão’ tranh luận trên mạng xã hội.

“Chỉ có ở Thái Lan mới có cuộc thi kỳ lạ như vậy và điều đặc biệt của cuộc thì này là có cảnh sát làm giám khảo”, một người dùng Twitter viết, trong khi trên Facebook một người khác gọi đó là ‘ý tưởng ngu ngốc’

Tuy nhiên, ông Mark Ritchie, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Phát triển bền vững Thái Lan cho biết, ông rất thích sáng kiến này bởi đây là cách khá hay để nâng cao nhận thức người tham gia giao thông.

Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, nếu đề xuất của Cục CSGT được thông qua, người dân gửi video ghi lại vi phạm giao thông cho CSGT sẽ được Nhà nước trả tiền.

Cục CSGT cho biết, người dân có thể gửi clip tự quay hay từ camera hành trình trên xe tới Bộ Công an, đơn vị chức năng sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các dữ liệu này để xử lý, xác nh bằng phần mềm xem clip có cắt ghép hoặc chỉnh sửa hay không. Cục CSGT cho rằng, điều này sẽ góp phần làm tăng tính nh bạch khi xử lý những tình huống vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức của dân khi tham gia giao thông.