Thực phẩm 'nhà làm' nhộn nhịp ngày cận Tết

Càng gần đến Tết Nguyên đán, việc mua bán các loại thực phẩm tự chế biến, hay còn được gọi là thực phẩm “handmade” lại càng trở nên nhộn nhịp. Tuy vậy, những sản phẩm này có an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng hay không thì không phải ai cũng dám khẳ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Một nơi bán thực phẩm gia đình khi quảng cáo trên Facebook

Trào lưu kinh doanh, mua bán thực phẩm, đặc sản không còn xa lạ với người tiêu dùng trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên, vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề thì kênh kinh doanh online càng sôi động hơn bao giờ hết.

Ngoài những đồ ăn vặt trong ngày Tết như bánh, mứt kẹo, các vật phẩm thờ cúng, đồ ăn ngày Tết cũng khá phong phú từ bánh chưng, gà luộc, dưa kiệu, kim chi củ cải, tai heo ngâm giấm, giò lụa, lạp xưởng đến các loại đặc sản vùng, ền như giò bê, trâu gác bếp…

Giá bán thì dao động từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng/kg tùy loại, tùy nguồn gốc.

Phần lớn người tiêu dùng đều tin tưởng vào sự giới thiệu của người thân, bạn bè, hoặc những lời quảng cáo như: "Thực phẩm sạch", "Thực phẩm nhà làm uy tín, chất lượng"…

Bên cạnh đó, hầu hết các giao dịch mua bán đều được trao đổi trên mạng, người mua có thể thanh toán chi phí qua chuyển khoản, hoặc khi giao nhận hàng. Điều này cũng giúp cho nhiều người tiêu dùng không còn phải tranh thủ thời gian, “tất bật” đi đến các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng để mua sắm Tết.

Chị Nguyễn Thu Giang, nhân viên văn phòng tại quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên bận rộn, vì vậy, cũng giống như các năm trước, Tết năm nay chị vẫn đặt mua các loại mứt từ một người quen gần nhà: “Làm thì rất mất thời gian, làm tất cả các loại thì mất thời gian lắm, làm nhiều thì không ăn hết. Chị đặt người ta, đến ngày bao nhiêu mình lấy thì họ mang đến tận nơi. Cơ quan chị thì cũng có nhiều người mua thực phẩm làm sẵn và cũng mua theo tính chất là người quen giới thiệu”.

Thực tế, vì nhiều nguyên nhân, các sản phẩm được rao bán là "tự làm" khó có thể đảm bảo an toàn thực phẩm, từ nguồn gốc, xuất xứ đến quá trình sản xuất, hạn sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc các loại thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Mai Thị Thanh (trú tại Q. Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn: “Bây giờ thanh niên thì bận, có con nhỏ thì lại càng bận. Nhưng mình nghĩ mua thì cũng nên lựa chọn những nơi nào uy tín, đảm bảo sạch sẽ. Thực ra thực phẩm làm ở nhà rất khó kiểm soát. Chính mình làm ở nhà thì biết mình cũng phải lựa chọn, nhưng nếu người ta làm nhiều như thế thì người ta có lựa chọn được như mình hay không?”.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm cho rằng, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm “handmade” hiện nay đều chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do thói quen, nhiều người tiêu dùng vẫn thường mua mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu. Ngoài ra, dịp Tết cũng là thời điểm rượu được tiêu thụ nhiều. Đây là loại thức uống bị làm giả rất lớn trong thời gian vừa qua. Vì vậy, đã đến lúc, người tiêu dùng cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn và cần cẩn trọng khi lựa chọn, đặt mua.

“Trong dịp Tết, nhiều gia đình tự sản xuất, tự bán thì có vẻ không được ai quản lý cả. Những thực phẩm mà chúng ta mua vào dịp Tết thì nên mua ở những cửa hàng có chất lượng, hoặc mua trong siêu thị. Riêng với những sản phẩm như rượu thì người dân tuyệt đối không mua rượu vỉa hè, rượu trong chợ. Vì rượu đắt nên người ta hay làm giả để bán, có thể gây độc chết người, mờ mắt, hỏng hệ thống thần kinh, rất cần chú ý”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm dịp Tết, ngày 8/12/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238 về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021. Trong đó, từ ngày 15/12/2020 đến 25/3/2021, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống... để ngăn chặn từ gốc thực phẩm "bẩn".

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 2/2 tại đây: