Thu phí tự động không dừng: Nhà đầu tư gặp khó vì ít người sử dụng

VOVGT- Người dân chưa nhận thấy lợi ích của việc lắp thẻ thu phí không dừng nên vẫn chần chừ, trong khi đơn vị lắp đặt thẻ thu phí không dừng kêu khó...

Trạm BOT QL1 tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã triển khai thu phí tự động không dừng. 

Mặc dù đã nghe tuyên truyền về việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng khi lưu thông qua các trạm BOT, song anh Đào Mạnh Thọ, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vẫn chưa lắp đặt thẻ thu phí không dừng cho phương tiện của mình:

 

"Lúc làm thanh toán lại rất khó. Tín nhắn đến thì cũng phải ra một cái giấy viết gì đó thành chứng từ chứ tin nhắn đến kế toán đâu có nghe. Ví dụ đi hết 110 nghìn thì cũng phải in ra giấy hết 110 nghìn, giống như cây xăng, dù áp dụng hóa đơn điện tử thì về cũng phải in ra, phải đưa mã cho kế toán là họ làm đâu, làm gì họ có thời gian để ngồi tra như thế được."

Tương tự như vậy, tài xế Trần Đình Hưng, ở Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội vẫn chưa lắp thẻ thu phí không dừng vì chưa nhận thấy tác dụng thiết thực khi ứng dụng công nghệ này:

 

- Bạn đã lắp thẻ thu phí không dừng chưa?

- Em chưa?

- Nhưng lắp cái đó tiện mà?

- Em có biết đâu, đã lắp đâu.

- Nhưng bạn có biết tác dụng của thẻ thu phí không dừng đó không?

- Không biết, hoàn toàn không biết

Thẻ VETC được dán trên kính xe và trừ tiền vào tài khoản thẻ của chủ xe khi qua trạm thu phí. 

Không chỉ người tham gia giao thông, các tài xế thờ ơ, chậm áp dụng công nghệ thu phí không dừng, mà tiến độ ứng dụng công nghệ này còn bắt nguồn từ chính các đơn vị cung cấp công nghệ này. Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, công nghệ thu phí không dừng mới vận hành thương mại 2 làn trung tâm 23/27 trạm, còn 4 trạm đang vận hành thử nghiệm.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, đến thời điểm này mới có khoảng 25% tổng số ô tô lắp đặt thẻ thu phí không dừng. Việc có ít người tham gia giao thông sử dụng thẻ thu phí không dừng cũng khiến nhà đầu tư công nghệ này gặp khó khăn. Mặc dù vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các nhà đầu tư BOT và dơn vị cung cấp dịch vụ thu phsi không dừng đẩy mạnh việc hoàn thiện công nghệ để đưa vào sử dụng:

 

"Do nhà đầu tư BOT họ tự lắp trước nên giờ phải hoàn thiện lại. Trong quá trình hoàn thiện có những cái phải chỉnh sửa nên hiện nay mới chỉ vận hành thử chứ chưa đưa vào vận hành thương mại được."

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thu phí không dừng không chỉ ảnh hưởng đến thời gian vận lưu thông của phương tiện, của doanh nghiệp, mà còn làm chậm quá trình công khai, nh bạch tại các trạm thu phí. Sâu xa hơn, điều này còn có nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch ứng dụng công nghệ thu phí không dừng trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết:

 

"Chính nó làm thời gian dừng lại để thanh toán tiền bị ảnh hưởng, làm ảnh hưởng đến thời gian vận hành của phương tiện. Và nữa là nó không công khai, nh bạch, kể cả đối với doanh nghiệp vận tải."

Theo Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, đến cuối năm 2018, hơn 2,8 triệu ô tô bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động không dừng, hết năm 2019, tất cả các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc đều phải thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các làn thu.

Để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thu phí không dừng, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp công nghệ thu phí không dừng để tiến hành lắp đặt và vận hành các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên cả nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt nam cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân lắp đặt thẻ thu phí không dừng, góp phần nh bạch hóa số liệu tại các trạm BOT. Sau năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị dừng thu phí với các trạm chập áp dụng công nghệ thu phí không dừng.

>>> Không giãn tiến độ thu phí không dừng

>>> Thu phí không dừng: Lời giải cho bài toán hiện đại hóa giao thông đường bộ