Thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè của người dân, tạo nguồn thu ngân sách; tăng hiệu quả quản trị, quản lý đô thị; Sở GTVT TPHCM xây dựng dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè” trên địa bàn TP.

Hiện, đề án đang được Sở GTVT TP.HCM gửi các đơn vị đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh. Người dân đón nhận chủ trương này ra sao? Làm thế nào để triển khai hiệu quả đề án, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên?

 

Một hàng quán kinh doanh trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8). Ảnh: Tiền Phong

Theo dự thảo đề án, TP.HCM dự kiến thu phí sử dụng vỉa hè cho các hoạt động (trừ trông giữ xe) từ 20.000 đến 100.000 đồng/m2/tháng và sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vào từng khu vực và vị trí tuyến đường. Dự kiến, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố mang lại nguồn thu khoảng 1.522 tỷ đồng/năm. Toàn bộ số thu phí sẽ nộp vào ngân sách TP để phục vụ duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Theo Sở GTVT TP.HCM, điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để cho thuê: phải bảo đảm phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; hè phố phải bảo đảm chiều rộng cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 mét. Hè phố hiện hữu không bảo đảm chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Ông Trần Quang Lâm – GĐ Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Sau này, chúng ta sẽ quy định chỗ nào thuê, thuê vào việc gì và phương thức để được đăng kí tham gia thuê.HĐND sẽ ban hành mức giá sàn. Cũng thống nhất phạm vi đấy sẽ có những phân định rõ ràng, có kẻ ô, vạch sơn, bản hiệu.. để xác định khu vực này đang cho phép kinh doanh. Phân biệt với trường hợp kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp tạo sự nh bạch trong chính sách quản lí đô thị”

Thực tế, nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè của người dân hiện rất lớn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bảo kê gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, chủ trương thu phí với kỳ vọng ổn định việc kinh doanh của người dân, tăng cường thiết lập quản lý đô thị… nhận được nhiều sự đồng tình của người dân, nhất là những người buôn bán hàng rong, các hộ kinh doanh trên vỉa hè

"Khi nghe đề án này chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và cũng ủng hộ bởi vì khi mà thu phí như vậy chúng ta sẽ được có được nguồn phí để duy tu, sửa chữa đường, vỉa hè"

"TP ra đề án như này vừa giải quyết được vấn đề mưu sinh của những người buồn bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè vừa dẹp được nạn lấn chiếm lòng lề đường. Giúp cơ quan quản lý trong việc quản lý trật tự đô thị. Chủ trương rất hay"

Tuy nhiên, theo Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh mức thu phí như dự thảo còn đơn giản, sơ sài. Để vừa sử dụng vỉa hè một cách hiệu quả vừa có thêm nguồn thu ngân sách: đề án cần phải cụ thể hóa rất nhiều các mức phí khác nhau tùy từng quận, huyện, vị trí và cả các đối tượng nộp phí…

Về vấn đề nguồn thu ngân sách, công tác thu phí, bà Nguyễn Thị Minh Sáu cũng đề xuất: “Nguồn thu 1522 tỷ, nộp 100% vào ngân sách TP, chi phí cho việc thu phí, đề nghị dự án cần làm rõ bao nhiêu % cho quản l‎í,  bao nhiêu  % thể hiện cụ thể vào vấn đề duy tu. Về công tác thu phí, đề nghị TP nên giao cho một đơn vị đứng ra thực hiện nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo khi thực hiện.

Đồng thời, không nên phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí, bởi sẽ làm cho bộ máy cồng kềnh, ngân sách Nhà nước lại phải “nuôi” thêm bộ phận không nhỏ phục vụ công tác này. Chưa kể, mỗi nơi thu một kiểu rất khó quản lý, dễ xảy ra tiêu cực”

Kinh doanh trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TPHCM. Ảnh: Tiền Phong

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên – Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: quan điểm “vỉa hè là của người đi bộ” đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Theo điều kiện kinh tế - xã hội và sự mưu sinh của người dân, TP.HCM cần thay đổi nhận thức, chấp nhận khái niệm “vỉa hè đa năng”, tức vỉa hè không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ.

Về mức giá thu phí trong đề án, TS Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho rằng: mức thu còn khá chung chung và chưa căn cứ trên đặc điểm của từng khu vực, từng tuyến đường. Để đưa ra mức giá thuê phù hợp, TP cần có cuộc điều tra xã hội học, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thứ tự ưu tiên các nhóm đối tượng trong việc cấp phép sử dụng, thu phí lòng đường, vỉa hè: “Theo tôi khi chúng ta quy hoạch vỉa hè để thu phí chúng ta phải cân đối quyền lợi của nhà nước và người dân và quyền lợi của người sử dụng vỉa hè. Hãy ưu tiên hơn ưu tiên cho 1 số nhóm đối tượng để hài hòa lợi ích, ưu tiên cho những người nghèo, người thu nhập thấp.

Ngoài ra, những hộ có mặt tiền, kinh doanh lớn và sử dụng cả hè phố thì phải tính phí cao hơn vì họ có lợi ích gấp đôi. Việc thu phí cao hơn sẽ bù đắp cho những người nghèo, những gánh hàng rong trên hè phố. Phải có sự san sẻ mà sự san sẻ đó là do chính quyền điều chỉnh giá cả cho hợp lý”

Ngoài ra, TS Nguyễn Hữu Nguyên cũng đề xuất thí điểm trên một vài tuyến đường, vỉa hè với điều kiện đảm bảo để đánh giá hiệu quả trước khi cho nhân rộng.

Ở góc độ chuyên gia giao thông, PGS.TS Vũ Anh Tuấn  - Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, trường ĐH Việt Đức cũng đánh giá cao tính kịp thời và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới của đề án. Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè sẽ hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, hướng đến sử dụng phương tiện công cộng.

Theo TS Vũ Anh Tuấn để án đề nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, TP cần nghiên cứu kỹ, bám sát thực tế, cần có quy trình cụ thể để triển khai đề án: “Bước thứ nhất, đi khảo sát đánh giả hiện trạng và lập quy hoạch để xác định không gian khai khác vỉa hè. Rồi xác định mức thu như thế nào cho nó phù hợp và tiếp tục triển khai mô hình thực hiện. Tổ chức bán đấu giá rồi giao về cho địa phương quản lý hay là mô hình tập trung về một đơn vị nào đó như Sở GTVT. Phải có khảo sát những quy hoạch, phương án triển khai và mô hình kinh doanh khai thác thì nó mới phát huy hiệu quả”.

Vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM vẫn bị lấn chiếm, chiếm dụng rất nhiều trong thời gian qua. Ảnh: PLO

Cần nh bạch trong cách làm và nguồn thu

Đề án thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè không mới nhưng lại là yêu cầu cần thiết. Trong bối cảnh tình trạng vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương thường xuyên bị lấn chiếm dụng công khai, biến thành nơi đỗ xe, bày biện hàng hóa, tập kết vật liệu vô tội vạ, chỉ vì sự thuận tiện cho cá nhân hoặc để thu lợi nhuận cho một nhóm người nhất định.

Đáng nói là vấn nạn này cứ lặp đi lặp lại, dù lực lượng chức năng ra quân nhiều lần. Thực tế một số tuyến đường tại TPHCM đã xảy ra tình trạng một nhóm ngưới lạ tự ý thu phí đỗ xe người dân hoặc tự thành lập cả bãi đỗ xe để thu lợi bất chính. Và tất nhiên số tiền thu được không được nộp vào ngân sách nhà nước gây thất thoát lớn cho nguồn ngân sách thành phố, tạo bất bình trong xã hội và mất an ninh trật tự.

Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đang thí điểm ở Hà Nội, tuy còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều nhưng bước đầu cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi nhiều tuyến phố đã trở nên trật tự, sạch đẹp, không còn cảnh kinh doanh bát nháo, kê bàn ghế tràn làn khắp ngỏ. Không chỉ Hà Nội, TP.HCM trước đây cũng từng triển khai đề án thí điểm thu phí lòng đường, vỉa hè đề làm bãi đỗ xe theo thời gian và cũng nhận được phần lớn sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Song, do cách thu phí chưa được rõ ràng, nh bạch, không bảo quản được nguồn thu khiến đề án đi vào thất bại. Ngay lúc này, khi TP.HCM lại tiếp tục bàn về vấn đề thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường, tuy muộn nhưng lại rất cần, để giành lại không gian công cộng cho người đi bộ; đồng thời quản lý vỉa hè một cách có hiệu quả, vừa tạo thêm ngân sách cho nhà nước, vừa không bị xuống cấp, hư hỏng hạ tầng; đảm bảo được nhu cầu an sinh thiết yếu cho một bộ phận người dân.

Để đề án lần này đạt hiệu quả, công tác quản lý thu chi phải thực sự chặt chẽ từ mức thu, công tác thu, đơn vị thu, đối tượng thụ hưởng; cũng như việc phân bổ nguồn thu này một cách hợp lý, sử dụng vào mục đích rõ ràng, công khai, nh bạch để người dân nắm bắt. Nhất là có chế tài cụ thể để quy rõ, xử lý trách nhiệm nếu cá nhân, tổ chức gây thất thoát hoặc gây tư lợi, nhũng nhiễu nhân dân trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, việc thu phí này cũng tác động lớn đến đời sống của người dân, vì thế nhà nước cần tính toán kỹ để hài hòa lợi ích chung. Muốn được như vậy công tác tổ chức thực hiện phải liên tục, lâu dài và bài bản, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tránh việc chỉ thí điểm một thời gian ngắn, qua loa, dẫn đến thất bại, Đồng thời kiên trì, không đánh trống bỏ dùi công tác xử phạt vi phạm trật tự đô thị, nhằm đảm bảo công bằng và thu hút các hộ kinh doanh tham gia đề án.

Giải pháp căn cơ là quy hoạch đô thị thời gian tới cần thiết phải trả lại không gian công cộng. Rõ ràng, mặt tồn tại của đô thị hiện hữu là hiện trạng nhà ống, nhà riêng lẻ xây dựng thiếu quy hoạch, thiếu quản lý vừa qua, khiến vấn nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường khó mà xử lý dứt điểm. Điều này đỏi hỏi quy hoạch sắp tới cần chú trọng xây nhà chung cư, nhà cao tầng có thiết kế đầy đủ bãi xe, không gian công cộng thiết yếu, có lối đi an toàn, sạch đẹp cho cư dân và cộng đồng.

“Kinh tế vỉa hè” là một phần thiết yếu và cũng là nét văn hóa đô thị. Quan trọng là người dân nhận thức đúng vai trò chức năng của vỉa hè, lòng đường. Trong đó, cần thay đổi thói quen sinh hoạt, không nên tự ý biến vỉa hè vốn là “sở hữu chung” thành “sở hữu riêng” của từng nhà, tranh giành không gian công cộng thành nơi kinh doanh buôn bán, gây xung đột mâu thuẫn lợi ích chung.

Vì vậy, người dân cần hiểu đúng, đầy đủ về bản chất sử dụng vỉa hè để đảm bảo kinh doanh, sinh hoạt đúng với chức năng, quy hoạch của thành phố, góp phần đem lại hình ảnh đô thị văn nh, hiện đại.