Thời kỳ bất ổn của hàng không vẫn còn ở phía trước

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này là quá sớm để kỳ vọng hàng không lấy lại đà tăng trưởng như trước đây bởi giai đoạn bất ổn có thể vẫn còn ở phía trước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các chuyên gia cho rằng giai đoạn bất ổn của hàng không có thể vẫn chưa qua - AFP/Getty Images

Tạm dừng bay quốc tế và giảm mạnh các chuyến nội địa do dịch COVID-19 khiến hàng loạt máy bay của Erates Airlines phải nằm ‘đắp chiếu’ suốt 18 tháng qua. Để duy trì hoạt động, một số máy bay chở khách được hoán đổi tạm thành máy bay vận chuyển vật tư y tế, thậm chí bay không tải trên những chặng ngắn nhằm giúp phi công đảm bảo chứng chỉ bằng lái.

Tuy nhiên, cuối tháng 10 vừa qua, Erates tuyên bố đang lên kế hoạch tuyển dụng 6.000 nhân viên trong tháng 11 này, đồng thời khôi phục 70% công suất so với thời điểm trước đại dịch vào cuối năm nay.

Tín hiệu tích cực cũng ghi nhận tại sân bay Heathrow ở London, Anh với báo cáo quý đầu tiên tăng trưởng về lượng hành khách kể từ năm 2019. Trong khi đó, Tập đoàn đa quốc gia General Electric cho biết, doanh thu từ mảng kinh doanh và dịch vụ bảo trì động cơ máy bay tăng gần 10%, lên 5,4 tỷ USD, trong quý 3 năm nay. Ông Larry Culp, Giám đốc điều hành General Electric chia sẻ: “Đơn đặt hàng tăng lên, tỷ suất lợi nhuận và dòng tiền mặt của chúng tôi cũng tốt hơn đáng kể. Ngành hàng không đang có động lực và dấu hiệu phục hồi liên tục”.

Theo Bloomberg, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, song khoảnh khắc mà các hãng hàng không chờ đợi bấy lâu nay cuối cùng đã tới. Tháng 9 vừa qua, Liên nh châu Âu, sau đó là Canada và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở cửa rộng rãi cho du khách có hộ chiếu vaccine. Tiếp theo là Ấn Độ vào ngày 15/10 và Thái Lan mở cửa có giới hạn từ ngày 1/11. Trong khi Mỹ, quốc gia thu lợi nhiều nhất từ du lịch trong nước, cũng tham gia ‘Câu lạc bộ’ các nước mở cửa cho du khách đã tiêm chủng kể từ ngày 8/11.

Việc các nước chấp nhận hộ chiếu vaccine và từng bước mở lại đường bay quốc tế là tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng có thể giúp hàng không thế giới nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, theo ông Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), những thách thức lớn vẫn còn ở phía trước và một trong số đó là tác động của biến thể Delta: “Lo ngại về biến thể Delta đang ảnh hưởng xấu đến du lịch nội địa. Sự phục hồi hoàn toàn không thể xảy ra cho đến khi chính phủ các nước cho phép tự do đi lại. Việc Mỹ dỡ bỏ hạn chế với người nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ vaccine từ đầu tháng 11 là tin tốt và mang lại sự ổn định tại một thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước”

Hàng loạt chuyến bay của American Airlines bị hủy hôm 31/10

Các chuyên gia phân tích, hiện thị trường du lịch toàn cầu vẫn tồn tại lỗ hổng lớn khi chính phủ Trung Quốc kiên trì theo đuổi chiến lược zero-Covid và có rất ít dấu hiệu từ bỏ. Nếu so sánh trong năm 2019, người Trung Quốc đã chi 255 tỷ USD để du lịch nước ngoài, chiếm 1/5 tổng chi tiêu quốc tế, thì việc thị trường này vẫn đóng cửa đang gây thiệt hại lớn.

Ngoài ra quy định kiểm soát COVID-19 chưa nhất quán giữa các quốc gia cũng gây khó khăn không nhỏ cho các chặng bay đường dài.

Bên cạnh ảnh hưởng dịch bệnh, một nỗi lo khác khiến nhiều hãng hàng không gặp khó trong quá trình phục hồi là tình trạng thiếu hụt nhân sự. 

Sau trường hợp Southwest Airlines phải hủy hơn 1.000 chuyến bay hồi đầu tháng 10, mới đây đến lượt American Airlines cũng phải hủy 2.000 chuyến và một trong những nguyên nhân chính là không đủ phi hành đoàn.

Chuyên gia hàng không Henry Harteveldt cho rằng, mạng lưới các hãng hàng không đều được kết nối với nhau. Nếu nơi này hắt hơi, nơi khác sẽ bị cảm. Vấn đề thiếu hụt nhân sự sẽ càng trầm trọng hơn vào cuối tháng. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, do đó, đây có thể chỉ là khởi đầu cho một mùa du lịch nghỉ lễ hỗn loạn: “Đây sẽ là một mùa nghỉ lễ cực kỳ khó khăn. Do đó, nếu có ý định đi du lịch bằng hàng không tốt nhất bạn nên có thêm phương án B”

Theo nghiên cứu của Bloomberg với 124 hãng hàng không, số nợ ròng của các đơn vị này đã tăng hơn 1/3 lên 402 tỷ USD kể từ cuối năm 2019. Trong khi đó, nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 1/4 chi phí, là mức cao nhất trong 7 năm qua.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), lỗ hàng không ngày càng lớn, hiện nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.

Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sẽ tiếp tục dựa vào nguồn lực của hệ thống ngân hàng để đồng hành cùng doanh nghiệp hàng không nhưng chưa có tín hiệu đưa ra các gói vay ưu đãi.

Trong khi đó, mặc dù đường bay nội địa đã được mở lại và Bộ Giao thông Vận tải đang lên kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế nhưng khó thu hút số lượng lớn khách bay, bởi các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các địa phương. Những khó khăn này cho thấy, doanh nghiệp hàng không chưa hết lo lắng về áp lực nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.