Thôi đổ tại ông trời...

Mới đây cử tri TP.HCM đề xuất lập các trạm y tế cấp cứu TNGT trên cao tốc. Đề xuất này là một cơ hội để giải trình và cam kết, cho những Chiến lược, đề án về cấp cứu TNGT trên cao tốc đã được chỉ đạo từ trước đó cả chục năm, chứ không thể đổ tại… ông trời.

Ảnh nh họa

Giảm thiểu tiến tới không còn người chết do TNGT là một mục tiêu đầy tính nhân văn, nhưng cũng là thách thức rất lớn với các quốc gia mà năng lực sơ cấp cứu ngoại viện nói chung, cấp cứu TNGT nói riêng còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Thực ra, các chính sách về giảm thiểu thương vong sau TNGT đã được  quan tâm từ khá sớm, thể hiện qua Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 phê duyệt Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, với các mục tiêu rất cụ thể cho từng giai đoạn, gắn trách nhiệm cho từng bộ ngành, địa phương.

Các mục tiêu  đặt ra trong đề án như: 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua có năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông;  Nâng cấp 50% các trạm y tế hiện có trên mạng đường bộ cao tốc; 100% lái xe được cấp mới giấy phép lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông; 80% lái xe đã được cấp giấy phép lái xe, cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản tai nạn giao thông; thành lập 2 trung tâm điều hành cấp cứu TNGT khu vực… là rất lý tưởng, và nếu hoàn thành đúng yêu cầu, thì tỉ lệ thương vong do TNGT trên cao tốc chắc chắn đã giảm được rất sâu.

Nhưng cho đến nay, rất nhiều mục tiêu vẫn đang dừng lại ở đề án. Không hề có báo cáo nào về tiến độ hoàn thành, cũng không giải trình về lý do chưa thể thực hiện.

Trên hơn 2000 km cao tốc đã vận hành, ngoài hệ thống báo hiệu về các nút ra vào và một vài địa điểm như sân golf, khu du lịch, tài xế hầu như không thể tìm thấy biển báo về vị trí có trạm y tế, trạm cấp cứu TNGT hai bên cao tốc, cho đến khi họ gặp vấn đề thì loay hoay tra cứu.

Đã có những bước khởi động về tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ tài xế taxi, nhưng chỉ thuần túy mang tính ra quân.

Còn việc đưa nội dung sơ cấp cứu vào chương trình đào tạo lái xe, chỉ thực hiện khi có sự phối hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia và hội chữ thập đỏ ở một vài địa phương, nhất thời và ít ỏi.

Cả hạ tầng lẫn con người phục vụ cho công tác sơ cấp cứu TNGT trên cao tốc – đến thời điểm này, đều chưa sẵn sàng, và không có các động thái rõ nét để thúc đẩy cải thiện, trong khi mạng lưới cao tốc đang nỗ lực bứt phá để đạt 5000km vào năm 2030. Đó cũng chính là mốc thời gian mà Chính phủ đã xác định là phải kéo giảm 50% thương vong do TNGT so với hiện tại.

Như vậy, thách thức để đạt mục tiêu về giảm TNGT đang tăng theo cấp số nhân, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt để khắc phục.

Đề xuất của người dân TP.HCM về bố trí trạm y tế TNGT trên cao tốc là một lời nhắc nhở rất đúng lúc, và là cơ hội để giải trình các nguyên nhân vì sao Đề án cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc ban hành gần chục năm nay mà không được hoàn thành; và yêu cầu nh bạch các cam kết thực hiện Chiến lược quốc gia về đảm bảo TTATGT đường bộ đến 2030 của từng bộ ngành, từng địa phương, kèm theo biện pháp giám sát về kết quả thực hiện trong từng giai đoạn.

Trên tất cả, tầm nhìn không thương vong cần được quán triệt mạnh hơn đến từng chủ thể trong hoạt động giao thông, để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn và thiệt hại do TNGT.

Bởi kết quả phân tích TNGT trong nhiều năm liên tiếp đã chỉ ra, hơn 90% nguyên nhân do yếu tố chủ quan, tức là tại con người, chứ không phải tại “trời”.

Mà tại con người thì đương nhiên, hoàn toàn có thể giảm, tránh nếu quyết tâm hành động./.