Thời điểm vàng để lấy lại vị thế cho du lịch TP.HCM

Thời điểm cuối năm được xem là ‘thời điểm vàng’ để triển khai các sản phẩm, tour tuyến để thu hút du khách. Nếu nắm bắt được thời cơ, ngành du lịch thành phố sẽ có những bước tiến vượt bậc hơn, từ đó tạo tiền đề để năm 2023 sẽ là một năm bùng nổ của ngành du lịch TPHCM và cả nước.

Những ngày qua, ở các điểm nhấn du lịch tại TP Hồ Chí Minh như phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, khu đô thị mới Thủ Thiêm diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao sôi nổi như múa lân sư rồng, ca nhạc đường phố; lễ hội khinh khí cầu để phục vụ du khách gần xa.

Đây là các hoạt động nằm trong Tuần lễ du lịch của thành phố. Đáng mừng là các điểm du lịch của thành phố đều có rất đông du khách đến tham quan, nhất là khách quốc tế.

Hoạt động du lịch của thành phố đã thực sự hồi sinh sau một thời gian ngủ đông, kéo dài vì covid. Tại sân bay Tân Sơn Nhất tấp nập các chuyến bay trong nước và quốc tế đi và đến; các nhà ga, bến xe cũng đông đúc hành khách ngược xuôi. Các tua, tuyến du lịch đến các vùng ngoại, thành như Củ Chi, Cần Giờ; các di tích danh lam thắng cảnh của thành phố luôn nhộn nhịp.

Ngành dịch vụ không khói thực sự quay trở lại là ngành mũi nhọn để thành phố vượt qua các khó khăn, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2023. Ảnh: Hà Nội mới

Hiện nay, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, âm lịch đã cận kề. Đây là cơ hội vàng để du lịch thành phố tận dụng, vượt lên. Vấn đề lúc này là thành phố phải khắc phục ngay các tồn tại bấy lâu nay mới đủ sức hấp dẫn lưu giữ khách gần xa.

Cái thiếu và yếu là các hoạt động du lịch về đêm của thành phố còn ít sản phẩm đủ sức lôi cuốn. Khi đa phần mới chỉ mạnh về ẩm thực, hoạt động mua sắm; hoạt động văn hóa giải trí chưa nhiều và tính nghệ thuật có chiều sâu còn hiếm.

Mặt khác, tính đồng bộ, liên kết giữa các tua, tuyến điểm tham quan du lịch vẫn chưa chặt chẽ. Du khách dừng chân ở nhiều điểm nhưng để lại ấn tượng, ghi nhớ thì chưa nhiều. Đó là chưa kể, tình hình an ninh trật tự của thành phố những ngày tháng cuối năm đôi lúc vẫn có diễn biến phức tạp. Nạn chèo kéo, chèn ép du khách vẫn xuất hiện.

Đặc biệt là nạn móc túi, cướp giật còn xảy ra; lãnh đạo thành phố nhiều lần nhắc nhở lực lượng thực thi pháp luật cần mạnh tay hơn để bảo đảm thành phố thực sự bình yên cho người dân và du khách.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tính lan tỏa và động lực của du lịch thành phố cũng tạo tiền đề cho du lịch địa phương khác phát triển. Do đó, sự liên danh, liên kết hợp tác giữa du lịch thành phố với Hà Nội và các tỉnh, thành về xây dựng tua, tuyến; đưa đón du khách là rất quan trọng.

Ngành du lịch thành phố phải thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình để chia sẻ trách nhiệm và làm đầu mối tổ chức các hoạt động quảng bá cũng như xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế. Từ đó tạo ra một chu trình khai thác khách du lịch chặt chẽ giữa thành phố với các địa phương. Đảm bảo sự hài lòng cho du khách không chỉ khi đến thành phố Hồ Chí Minh mà với cả các địa phương có liên doanh, liên kết.

TP.HCM có điều kiện cơ sở vật chật hậu cần cho ngành du lịch tương đối hiện đại so với các địa phương khác, nhất là hệ thống nhà hàng, khách sạn; khu thương mại cao cấp. Song vấn đề mấu chốt là ở nhiều điểm du lịch của thành phố sự đầu tư chưa được bài bản, thậm chí còn sơ sài; trong đó phải kể đến tuyến du lịch dọc sông Sài Gòn từ trung tâm về ngoại thành. Mới chỉ có hiếm hoi một số bến đậu, điểm dừng chân khang trang; còn lại đều hoang sơ, giản đơn; không đủ sức níu chân du khách. Đây chính là sự lãng phí một thế mạnh vốn có mà thành phố cần lưu tâm trong thời gian tới.

Năm 2023 sắp mở ra, đây cũng là thời cơ vàng để du lịch thành phố Hồ Chí Minh lấy lại vị thế hàng đầu của mình với quyết tâm và nhiều cách làm mới. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc thực chất không chỉ của ngành du lịch mà chính là cả hệ thống quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp của thành phố trong năm mới.