Thói bắt nạt kẻ yếu

Va quệt khi tham gia giao thông là một việc khó tránh. Đặc biệt trong bối cảnh xe đông, đường chật, hạ tầng phức tạp. Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa các bên? Có lẽ đáp án là sự nhường nhịn, cư xử có văn hoá và thượng tôn pháp luật.

Ảnh nh họa

Câu chuyện ồn ào trên môi trường mạng vài ngày qua để lại nhiều kinh nghiệm trong xử lý tình huống cho mỗi bác tài.

Chuyện về một chủ xe ô tô khi đang di chuyển, bị một shipper điều khiển xe máy va phải, làm xước rất nhẹ phần đuôi xe. Chủ xe ô tô đã nạt nộ, gọi thêm người để ép bằng được cậu shipper trả đủ 1 triệu đồng bồi thường.

Thấy shipper không có đủ tiền, phải gọi điện về tận quê cho bố cầu cứu, một phụ nữ đóng vai “Lục Vân Tiên” đã ra tay nghĩa hiệp trả đủ số tiền ấy.

Sau khi trở về, do cảm thấy bất bình với thái độ của chủ xe ô tô, chị ta đưa câu chuyện lên mạng. Bị công kích, chủ xe ô tô lớn tiếng doạ nạt người phụ nữ và cả những người chỉ trích anh ta.

Nhưng chỉ sau đó ít lâu, anh ta không giữ được sự hung bạo, hùng hổ trước sức ép quá lớn từ cộng đồng mạng, và cả thân thế đáng gờm của người phụ nữ. Kết quả là anh ta phải đưa ra lời xin lỗi và tạm đóng cửa tài khoản mạng xã hội về “ở ẩn”.

Nó khác xa cách anh ta gọi hội để bắt nạt một thanh niên chạy giao hàng, vốn được  xem như người ở tầng lớp xã hội thấp hơn.

Sự việc khiến người viết liên tưởng tới một câu chuyện điển hình về thói quen bắt nạt người yếu thế, còn gặp người mạnh mẽ hơn thì… “ngậm bò hòn” rút lui. Đó là một buổi tối muộn, sau vụ va chạm giao thông, một người đàn ông đã dùng nắm đấm để nói chuyện với người đối diện.

Sau khi nhận thấy nạn nhân không thể kháng cự, bị đánh liên tục, một nhân chứng với dáng vẻ to cao, đầy sức mạnh đã đứng ra can thiệp. Vừa nhìn thấy đối thủ có vẻ “khó nhằn”, kẻ dùng bạo lực kia đã ngay lập tức “cao chạy xa bay”.

Ở một câu chuyện khác đáng tiếc hơn, mọi chuyện đã không kết thúc trong êm đềm. Một chủ xe sang khi đánh xi nhan rẽ phải đã va phải một thanh niên đi xe máy cùng chiều. Chủ xe không giữ được bình tĩnh, lời qua tiếng lại rồi lấy cờ lê trong xe ra dồn ép, hành hung người thanh niên. Sau khi van nài xin lỗi mà không được bỏ qua, bị rơi vào bước đường cùng, thanh niên đã rút dao ra đâm vào ngực khiến chủ xe sang tử vong.

Già néo đứt dây, mọi chuyện đã không thể cứu vãn. Người chủ xe sang đã vĩnh viễn không còn cơ hội để hiểu được giá trị của sự ôn hoà, như người chủ xe đòi 1 triệu đồng bồi thường cho vết xước nhỏ xíu kia.

Hai tiếng “giá như” khi mọi sự đã rồi đều đã muộn. Nhưng những câu chuyện ấy nhắc nhở mỗi người khi tham gia giao thông cần ứng xử điềm tĩnh, không mang nạt nộ, bạo lực ra để giải quyết vấn đề.

Bởi lẽ, nếu ngày hôm nay bạn bắt nạt được một người. Nhưng ngay ngày mai thôi, bạn có thể sẽ bị một người vị thế cao hơn bắt chẹt và giở thói du côn.

Nguyên nhân sâu xa thì các nhà tâm lý học đều đã lý giải: Những người ưa bạo lực với người khác lại chính là những kẻ yếu đuối về mặt tinh thần, bị dồn nén cảm xúc và phải cố che giấu bản thân.

Bạo lực, hay thói bắt nạt, suy cho cùng, chỉ phô bày sự yếu đuối, thiếu hụt nội tâm./.