Thiếu thuốc và vật tư y tế: Đã đến lúc xem xét đến tình huống khẩn cấp hay chưa?

Tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế hiện nay đã được xem là tình huống khẩn cấp hay chưa? Giải pháp nào để giải quyết tình thế cấp bách hiện nay?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn:

PV: Thưa ông, trước tình trạm thiếu thuốc và vật tư y tế rất trầm trọng hiện nay, theo ông có nên coi đây là tình huống khẩn cấp hay không?

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Hiến pháp đã quy định người dân có quyền được chăm sóc sức khỏe và chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Vì vậy trong trường hợp thiếu thuốc chúng ta phải đặt vấn đề sức khỏe của người dân cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật lên hàng đầu, làm sao phải đảm bảo có đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là các loại thuốc và vật tư y tế cơ bản cho người dân.

Hiện nay tôi chưa có số liệu thống kê cụ thể về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, do đó chưa thể khẳng định được đã đến tình trạng khẩn cấp theo quy định của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp hay chưa?

Tuy nhiên, đây cũng là tình huống yêu cầu chúng ta phải hành động nhanh để có được thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Nếu đáp ứng được các tiêu chí của tình trạng khẩn cấp theo quy định của Pháp lệnh cũng như Nghị định 71 của Chính phủ thì chúng ta cần phải áp dụng các cơ chế của tình trạng khẩn cấp.

Trong trường hợp Quốc hội không tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì có thể vận dụng, áp dụng các quy định của Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội về một số biện pháp cấp bách trong những tình huống như tình huống đại dịch vừa qua.

Do thiếu thuốc, vật tư y tế, Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông đã chuyển nhiều người bệnh lên tuyến trên. (Ảnh: Nguyễn Văn Yên/Nhân dân)

PV: Giải pháp nào để giải quyết tình thế cấp bách như hiện nay?

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có yêu cầu phải rà soát các quy định của pháp luật, để làm sao những người làm đúng thì được bảo vệ, có trình tự thủ tục nhanh nhất để đảm bảo quyền lợi của người dân; không thể lấy lý do về các quy định, thủ tục mà đẩy khó khăn cho người dân.

Cá nhân tôi cho rằng những quy trình, thủ tục trong nội bộ các cơ quan nhà nước cần phải rút ngắn một cách hết sức để làm sao thuốc và vật tư ý tế đến nhanh nhất với người dân.

PV: Để giải bài toán thiếu thuốc và vật tư y tế, về lâu dài cần phải làm thế nào?

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa:Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề cần phải được xem xét một cách tổng thể, từ hệ thống các quy định của pháp luật cho đến phát triển các nguồn cung ứng trong nước, đặc biệt là phải công khai, nh bạch.

Trong tình trạng cấp bách như thế này, có thể áp dụng các quy trình, thủ tục ngắn gọn và có thể cắt giảm thủ tục để làm sao trong việc thực hiện mua sắm đấu thầu thuốc, những người thực hiện không có tư lợi, công tâm thì chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua các quy trình, thủ tục, nhanh chóng mua được thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế để chăm sóc sức khỏe và điều trị cho nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

---

Cũng liên quan đến các giải pháp cấp bách hiện nay, ông Bùi Sĩ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm:         

'Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa rồi để khám chữa bệnh cho nhân dân là một điều rất đáng buồn, trong khi thị trường bên ngoài vẫn có, nghĩa là BHYT của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu.

Nếu cứ để tình trạng này thì rất nguy hiểm, người dân sẽ không có niềm tin vào BHYT, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân không đáp ứng được yêu cầu, không đúng tinh thần và mục tiêu Nghị quyết của Trung ương.

Vì thế phải xử lý ngay vấn đề này để chăm lo sức khỏe cho nhân dân và phải tập trung các giải pháp như: rà soát lại thể chế đấu thầu và các văn bản pháp quy của nhà nước có liên quan đến quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Tránh tư tưởng sợ trách nhiệm không làm, phải tập trung làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Không được để cho người dân khi vào bệnh viện không có thuốc và khôn được chữa trị'.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, đồng thời cần phải động viên, khích lệ, chấn chỉnh lại tinh thần cho cán bộ, nhân viên và người lao động ngành y tế - những người đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đang đứng trước cơn sốc như thế này; đồng thời tạo cơ hội về điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế chính sách làm sao để họ gắn bó với bệnh viện và yên tâm làm việc./.