Thiếu thầy, thiếu thuốc: Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn?

Sau dịch COVID-19, ngành y tế tại nhiều địa phương thiếu cả nhân lực bác sĩ chuyên môn lẫn thuốc men, vật tư y tế. Việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người dân. Nguyên nhân thực trạng này do đâu? Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn?

Từ nhiều năm nay, người thân của anh Nguyễn Văn Hoàng (quê Tiền Giang) vẫn thường chuyển tuyến từ bệnh viện tỉnh đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để khám bệnh bảo hiểm y tế, được kê đơn thuốc tốt và theo điều trị của bác sĩ tay nghề cao.

Thế nhưng, gần một tháng trở lại đây, người nhà của anh phải mua thuốc ngoài với giá đắt đỏ, thậm chí không có thuốc đặc trị theo đơn trong danh mục phải thay thế bằng các loại thuốc có thành phần tương đồng để điều trị. Chưa kể giá thuốc lại tăng cao khiến người bệnh lao đao.

“Hiện tại tình hình khám bảo hiểm y tế gần một tháng nay đã hết thuốc. Bệnh nhân phải mua thuốc ngoài doanh mục. Một toa thuốc 10 đơn thuốc thì mua hết 5. Mua ngoài tình hình thuốc cũng rất là khan hiếm, thuốc nhập không còn nữa chỉ còn thuốc nội mà chữa bệnh thì không hiệu quả. Mua ngoài như vậy không có tiền mua, trong khi chi phí khám chữa bệnh bây giờ cũng đắt đỏ”, anh Nguyễn Văn Hoàng nói.

Trước thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, TS. BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thừa nhận, tình trạng này là có. Không chỉ thiếu thuốc điều trị bệnh, điều đáng lo là thiếu cả vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm trong khi việc đấu thầu thì vẫn còn chậm.

“Theo ý tôi là có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sau dịch chúng ta lo nhiều vấn đề - gọi là hậu COVID, do đó dẫn đến công tác, tiến độ đấu thầu bị chậm. Vấn đề nữa, sau khi xảy ra một số vấn đề tiêu cực xảy ra trong ngành y thì vấn đề liên kết, liên doanh bị dừng lại. Mà dừng lại cũng có nhiều lý do, không chỉ bệnh viện mà cả doanh nghiệp cũng chủ động dừng, dẫn đến thiếu trang thiết bị y tế”, BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Theo BS Nguyễn Tri Thức, để giải quyết quy trình đấu thầu phải nh bạch, khách quan; nhất là việc đấu thầu trong ngành y, do đặc thù riêng, giá trong đấu thầu y tế phải khác so với các lĩnh vực khác: “Chúng tôi mong là có một quy định đấu thầu riêng cho ngành y tế. Vì mặt hàng phục vụ cho sức khỏe người bệnh thì mình không thể đánh đồng với các mặt hàng khác trong xã hội được.

Theo tôi được biết thì Chính phủ và Bộ Y tế đang trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo nghị định về liên doanh, liên kết trong y tế.

Và chúng ta nên sớm ban hành để cho các cơ sở y tế có nền tảng pháp lý vững chắc và triển khai lại liên doanh, liên kết để người bệnh có trang thiết bị hiện đại, không phải đi nước ngoài, đề bác sĩ có trang thiết bị thực hành trên tay nghề của mình.

Quan trọng là có cơ sở để giá thiết bị, giá liên doanh, liên kết và giá tính trên người bệnh là mức hợp lý nhất và không lạm thu người bệnh”.

Không chỉ thiếu thuốc điều trị bệnh, điều đáng lo là thiếu cả vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm trong khi việc đấu thầu thì vẫn còn chậm (Ảnh: PLO)

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Y tế với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành ngày 29/6 mới đây,  PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện 40 bệnh viện, sở y tế trên cả nước báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.

Nguyên nhân là thời gian qua, do ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Cộng thêm, một số cán bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu, dẫn đến tiến độ chậm trễ.

Về giải pháp, Bộ Y tế sẽ tập trung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, vật tư y tế; Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ngoài ra, theo TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ngành y tế không chỉ phải đối phó với tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế mà còn phải đối mặt với vấn đề hàng loạt y bác sĩ tại nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… phải chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc gần đây.

Một trong những nguyên nhân cơ bản phải nói đến là tình trạng áp lực công việc quá lớn nhưng thu nhập lại thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, không đủ để các y bác sĩ trang trải cuộc sống khi mọi thứ đang dần đắt đỏ:

"Áp lực bệnh viện công với bệnh viện tư thì bệnh viện cộng nhiều lắm, nhất là những trường hợp bệnh nặng, bệnh quá đông".

"Tôi nghĩ đồng lương hiện nay thì chưa đủ sống hàng ngày của đội ngũ y bác sĩ. và sự chênh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viên tư là quan trọng".

"Cho dù mình làm ở bệnh viện công hay bệnh viện tư thì cũng phải đặt sự nghiệp lên hàng đầu, có đảm bảo cuộc sống thì chúng tôi mới làm việc tốt hơn".

Nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng trên, ngành y tế nếu không sớm có cơ chế, biện pháp lấp các “lỗ hổng” pháp lý sẽ không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn có khả năng gây “khủng hoảng” cho cả hệ thống y tế.

Hiếm khi nào ngành y tế cả nước lại xảy ra cùng lúc “khủng hoảng kép” như hiện nay (Ảnh: VnEconomy)

Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, việc chú trọng đến việc phục hồi và phát triển ngành y là hết sức cần thiết; không để trụ cột an sinh này bị ngừng nghỉ chỉ vì thiếu thuốc, trang thiết bị và đội ngũ chuyên môn.Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Đừng để dân lao đao vì thiếu thầy, thiếu thuốc”

Hiếm khi nào ngành y tế cả nước lại xảy ra cùng lúc  “khủng hoảng kép” như hiện nay. Đó là vừa thiết thuốc, vật tư, y tế để chăm sóc cho người bệnh, vừa đối phó với tình trạng nhiều bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ việc hàng loạt.

Việc cung cấp thuốc ở các  bệnh viện bị gián đoạn có nhiều nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng nhập khẩu từ các nước thì nguyên nhân chủ quan là do sợ trách nhiệm; sợ sai phạm.

Nhất là trong bối cảnh các tiêu cực từ vụ kist test xét nghiệm Việt Á như một quả bom làm rung chuyển nhiều CDC và bệnh viện trong cả nước với hàng loạt các cá nhân bị bắt. Sở y tế các địa phương, lãnh đạo các bệnh viện, các bộ phận chuyên môn vì thế đa phần ngần ngại trong mua sắm trang thiết bị y tế để tránh rủi ro.

Điều này phần nào cho thấy, cơ chế đấu thầu, khung pháp lý để mua sắm các loại vật tư, y tế là chưa theo kịp và không đồng bộ, có nhiều bất cập. Nếu cố tình làm rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm khi có sai sót.

Buộc nhiều người phải chấp nhận thà thiếu thuốc còn hơn làm mà có thể lãnh hậu quả về sau. Việc động viên, khuyến khích, cam kết tạo điều kiện để các bệnh viện chủ động trong mua sắm của cấp trên vẫn chưa đủ khi mà cơ chế vẫn không thay đổi, chưa rõ ràng.

Vì bất cứ lãnh đạo bệnh viện nào cũng không dám mạo hiểm đánh cược sự  nghiệp chính trị của mình nếu chẳng may bị thanh tra, kiểm toán. Chính sự ách tắc này đang ảnh hưởng xấu đến chất lượng khám chữa bệnh; khiến bệnh nhân thiệt thòi, tốn kém và không được chăm lo tốt về thuốc men; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Về thực trạng nhiều bác sĩ có trình độ tay nghề cao xin chọn nghỉ việc cũng đặt ra câu hỏi rất lớn về chính sách đãi ngộ, lương thưởng cho ngành y bấy lâu nay chỉ nghe nói nhưng triển khai trong thực tế lại rất chậm.

Nhiều bác sĩ bệnh viện công tâm sự rằng, với thời gian toàn tâm toàn ý cho công việc, nhiều lúc họ cảm thấy kiệt sức. Bệnh nhân thì đông, cơ sở vật chất lại xuống cấp, thiếu thốn; công tác điều hành quản lý ở một vài nơi thiếu khoa học. Trong khi đồng lương thì thấp, thu nhập lại không đảm bảo, đời sống của nhiều người rất khó khăn.

Đây là những áp lực rất lớn khiến nhiều người dù tâm huyết, đau đáu với nghề nhưng cũng không thể trụ vững sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi sự thay đổi. Việc xin nghỉ việc cũng là việc chẳng đặng đừng.

Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho ngành y trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế, Chính phủ đã giao cho ngành y 6 nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm việc cung ứng thuốc, vật tư y tế,nguồn nhân lực cho ngành. Yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương có hướng dẫn cụ thể để xem tắc ở khâu nào, nguyên nhân ở đâu thì tháo gỡ ngay,không để chậm trễ.

Bên cạnh đó, soạn thảo các đề xuất để có chính sách đãi ngộ, tăng  phụ cấp cho nhân viên ngành y. Đây là  những động thái thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ những tồn tại, bức xúc mà ngành y đang đối mặt.

Vấn đề lúc này là các chỉ đạo, điều hành cần được, các bộ, ngành địa phương xắn tay vào cuộc thực sự; làm nhanh chóng, rốt ráo để giải quyết. Không để nhân dân lao đao vì thiếu thầy, thiếu thuốc.

Các cán bộ ngành y cũng cần thể hiện tinh thần phụng sự dám làm dám chịu trên cơ sở động cơ trong sáng, nh bạch. Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết. Các y bác sĩ tiếp tục khắc phục khó khăn, trụ vững với nghề để chăm lo sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế luôn là nhận được sự tin yêu, tin cậy của mỗi người dân ở mỗi giai đoạn là vậy.