Thiếu đầu tư, điểm nghẽn giao thông đường thủy khó tháo gỡ

VOVGT- Theo báo cáo mới nhất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên toàn tuyến đường thủy nội địa hiện tồn tại 251 cầu qua sông có khoang thông thuyền thấp..

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc tồn tại những điểm nghẽn trong hệ thống giao thông đường thủy khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi sử dụng dịch vụ vận tải đường thủy (Ảnh: Báo Giao thông)

Đánh giá về thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, toàn tuyến đường thủy nội địa hiện có 251 cầu có khoang thông thuyền thấp.

Cụ thể, khu vực đồng bằng sông Hồng có cầu Đuống có khoang thông thuyền chỉ 2,5m, trong khi quy hoạch là 7m, nên khi chuyên chở container chỉ xếp được 1 lớp container, ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả vận chuyển trên luồng đường thủy qua khu vực này.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cầu Bình Lợi (TP. HCM) cũng trở thành điểm nghẽn khiến hàng hóa từ Bình Dương, Đồng Nai lên TP. HCM bị ùn lại do khoang thông thuyền qua cầu này chỉ cho phép chở container một lớp.

Để cải thiện năng lực vận chuyển cho ngành đường thủy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nghiên cứu phương án nâng khoảng tĩnh không những cây cầu này, song theo ông Giang, trong giai đoạn trước mắt chỉ có thể tháo gỡ được khoảng 3 cầu quan trọng, đó là cầu Đuống (Hà Nội), cầu Mang Thít (Bĩnh Long) và cầu Nàng Hai (Đồng Tháp). Ông Giang cho biết:

 

"Kênh Chợ Gạo là tuyến kênh giống như cao tốc của vận tải thủy ở Tiền Giang, kết nối giữa TP. HCM và Tây Nam Bộ, hàng ngày có khoảng 2.000 phương tiện qua lại. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên hiện nay mới chỉ triển khai được giai đoạn 1 và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối này."

Thừa nhận thực tế này, ông Ông Mai Lê Lợi, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinalines logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, năm 2017, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại Việt Nam là 536 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2016.

Ông Mai Lê Lợi cũng đánh giá dù những năm qua, hoạt động logistics cũng đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, tuy nhiên ngành này vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng, quy hoạch.

Toàn tuyến đường thủy nội địa hiện nay có 251 cầu có khoang thông thuyền thấp (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Đặc biệt, hệ thống sông kênh còn khai thác chủ yếu trong điều kiện tự nhiên thiếu tính kết nối với các phương thức vận tải khác, nhất là nhiều tuyến đường thủy còn bị hạn chế bởi chiều cao tĩnh không của các cây cầu dẫn đến khó có thể đưa vào khai thác các loại sà lan có sức chuyên chở lớn. Ông Lợi phân tích:

 

"Vinalines từ tháng 6/2017 đã khai thác tuyến container hải Phòng –Việt Trì, với tần suất 3 chuyến/tần và mỗi chuyến là 24-48 TEU. Nhưng chiều cao tĩnh không của cầu Đuống và tuyến luồng vào nên chúng tôi vận chuyển đa phần chỉ được 24 TEU và thứ 2 là có những thời gian phải chờ đợi 1 tuần nằm lại ở cảng mới chở về cảng Hải Phòng được."

>>>Phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy mùa lễ hội

Việc tồn tại những điểm nghẽn trong hệ thống giao thông đường thủy khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi sử dụng dịch vụ vận tải đường thủy dù lĩnh vực này chiếm ưu thế về khả năng vận chuyển lớn, giá thành thấp.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, một phương tiện xà lan có thể thay thế mấy chục xe container, nhưng hiện nay phần lớn doanh nghiệp tại Hải Phòng vẫn phải sử dụng phương thức vận chuyển bằng đường bộ:

 

"Tại sao như vậy vì thời gian bốc xếp hàng cũng như đi về các tỉnh, đưa về đến nơi, trả hàng rất nhanh, trong khi đường thủy mất công trung chuyển, mất nhiều thời gian cho vận chuyển do luồng lạch phụ thuộc con nước, nhiều khi nó cạn chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, chưa được nâng cấp, cải tạo dẫn đến việc giao thông đường sông rất chậm."

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam cho rằng, để vận tải thủy nội địa phát triển, trước hết cần cải thiện năng lực thông thủy trên một số tuyến trọng điểm, cần gắn quy hoạch liên hoàn từ cảng đường thủy nội địa với kết nối đến cảng biển sâu trong nội địa, cảng biển lớn ngoài cửa sông, có hệ thống đường dẫn đồng bộ với đường cao tốc, quốc lộ.

Theo ông Liêm kết luận, nếu có những đột phá về chính sách và hành động gỡ bỏ những nút thắt nói trên, thì vận tải thủy nội địa mới có thể phát huy, nâng cao năng lực vận tải, góp phần xứng đáng đúng với tiềm năng, vị thế của mình.

>>>An toàn giao thông đường thủy cần được quan tâm đúng mức