Thiếu chiến lược rõ ràng, phần mềm gọi xe nội dễ chết yểu

VOVGT-Do thiếu chiến lược phát triển rõ ràng, giá cước đắt khiến các phần mềm công nghệ của các hãng taxi Việt rơi vào tình trạng “chẳng ai biết đến”

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhiều hãng taxi truyền thống đã đầu tư nhiều vào ứng dụng đặt xe (Ảnh: Thanh niên)

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng phần mềm gọi xe tương tự như Uber, Grab, taxi Thành Công cũng thiết kế phần mềm đặt xe Thanhcong Car. Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị taxi Thành Công cho biết, phầm mềm Thanhcong Car được xây dựng từ năm 2006, đã được Việt hóa để tạo điều kiện cho hành khách dễ tiếp cận, sử dụng. Đến thời điểm này có khoảng 25-30% khách hàng của hãng sử dụng app để đặt xe. Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận, dù hạ tầng tốt, nhưng việc khách hàng có sử dụng phần mềm đặt xe này hay không còn phụ thuộc vào khuyến mại của hãng.

Ông Quân nói: “Phần mềm được đầu tư gồm 2 phần: phần mềm quản lý cho lái xe, phần cho khách hàng và phần cứng trên xe. Vấn đề là hạ tầng cũng đáp ứng tốt, nhưng khách hàng có sử dụng hay không còn phụ thuộc vào khuyến mại nữa.

 

Tuy vậy, thực tế trải nghiệm app Thanhcong Car cho thấy, giá cước xe công nghệ này cũng ngang bằng cước taxi truyền thống, nên chưa thu hút được người sử dụng.

Đại diện hãng taxi Mai Linh cũng cho biết, từ gần 1 năm nay hơn 4.000 xe taxi của hãng hoạt động trên cả nước đều đã triển khai ứng dụng công nghệ gọi xe qua app. Thay đổi này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và lái xe.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mai Linh Đông Đô nói: “Khách hàng chỉ cần nhấn gọi xe là lái xe sẽ chủ động gọi khách, và khi đó tổng đài sẽ giám sát và giải quyết tất cả các khiếu nại.”

 

Tuy vậy, thực tế số lượng hành khách đặt xe qua app vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Điều này cũng xảy ra với hầu hết các phần mềm của các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như: V.Car của Công ty Cổ phần Ánh Dương (Taxi Vinasun), ứng dụng S.Car của công ty Cổ phần Sun Taxi…

Nguyên nhân là do các phần mềm này ngoài tác dụng đặt xe không được kèm thêm các chính sách khuyến mại, hạ giá cước như Uber, Grab thực hiện nên khó thu hút người sử dụng. Bên cạnh đó, vào một số khung giờ cao điểm, ứng dụng của một số hãng còn không vào được. Với ứng dụng của Thanh Cong Car hành khách còn nhận các thông báo “Không có xe”: “Không tìm thấy taxi theo yêu cầu của bạn”...

>>> Những băn khoăn quanh việc cấm dịch vụ đi chung xe

Các chuyên gia cho rằng, Uber, Grab lấn át taxi truyền thống nguyên nhân chính không hẳn là yếu tố công nghệ gọi xe qua app, mà điều quan trọng nhất là cơ chế về giá và những chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Uber, Grab thực hiện linh hoạt về giá, được phép đi vào các tuyến phố cấm taxi, trong khi taxi truyền thống có quá nhiều rào cản nên khó cạnh tranh với đối thủ.

Nhiều người dân vẫn chưa biết đến ứng dụng đặt xe của các hãng taxi truyền thống (Ảnh: Báo Giao thông)

Bên cạnh đó, các hãng taxi truyền thống đang dùng sở đoản của mình để cạnh tranh với sở trường của đối thủ bằng việc sử dụng app như Uber và Grab vào taxi truyền thống sẽ khó thành công. Minh chứng là từ năm 2012 tại Hà Nội hãng taxi 24/7 đã xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ app Taxi Caller để khách hàng gọi xe, tuy nhiên sau gần 1 năm triển khai doanh nghiệp này đã quyết định bỏ ứng dụng khi ít hành khách sử dụng dịch vụ này.

Bà Trần Thị Thu Trang, nguyên Giám đốc hãng taxi 24/7 cho biết: “Nếu như chúng tôi sử dụng công nghệ app của mình thì chắc chắn chúng tôi sẽ thất bại, bởi vì so với cả Uber và Grab thì tiến bộ của họ hơn mình. Và đó là sở đoản của mình.

 

Việc thiếu chiến lược phát triển, chậm đổi mới để hạ giá cước khiến các phần mềm đặt xe của các hãng taxi truyền thống không được người tiêu dùng đón nhận không chỉ ảnh hưởng đến các hãng taxi, mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý các phương tiện vận tải nói chung của các đô thị. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án quản lý taxi do đơn vị này xây dựng cũng đặt ra mục tiêu kết nối các phần mềm điều hành của các doanh nghiệp để phục vụ công tác tổ chức giao thông của Thành phố.

Ông Long: “Trung tâm điều hành chung của Thành phố được kết nối với phương tiện, với phần mềm điều hành chung của doanh nghiệp và được kết nối với dữ liều phần mềm chung của Thành phố nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông và điều tiết giao thông của từng khu vực

 

Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc một số hãng taxi sử dụng phần mềm đặt xe nhưng áp dụng giá cước ngang bằng giá taxi truyền thống và đắt hơn xe công nghệ nước ngoài là không thể chấp nhận được. Nếu không thay đổi, không thích nghi với xu thế mới, xe công nghệ nói riêng và taxi Việt nói chung rất khó để tồn tại.

>>> Đề xuất coi Uber, grab là loại hình taxi mới